Đề xuất xây dựng nghị quyết mới về cơ chế đặc thù cho TP.HCM

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP về đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Nghị quyết 38 đề nghị Quốc hội đưa việc xây dựng nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP.HCM vào chương trình xây dựng luật, háp lệnh năm 2023 theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp Quốc hội.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp được Chính phủ giao thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình báo cáo Quốc hội. Dự thảo này Bộ Tư pháp thẩm định, hoàn thiện trình Chính phủ cho ý kiến và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Nghị quyết 38 cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Uỷ ban nhân dân TP.HCM cùng các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù sẽ được thí điểm để giúp TP.HCM phát triển.

Các chính sách đặc thù bao gồm các lĩnh vực quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; các ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền TP.HCM và thành phố Thủ Đức.

Về lĩnh vực quản lý đầu tư, dự thảo nghị quyết nêu rõ, sau khi bố trí đủ vốn ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn, hội đồng nhân dân thành phố được phân bổ cho các chương trình, dự án mới trong trường hợp có tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương. Việc này không được làm tăng mức bội chi ngân sách hàng năm và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Dự thảo nghị quyết cũng xác định, Hội đồng nhân dân TP.HCM có quyền quyết định cho phép tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố căn cứ chủ trương đầu tư dự án tổng thể quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng trong phạm vi mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm thực hiện dự án tổng thể.

Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù cũng cho phép Hội đồng nhân dân TP.HCM quyết định sử dụng ngân sách địa phương thực hiện dự án đầu tư công độc lập, thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt được cấp thẩm quyền phê duyệt dọc theo tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên; tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, theo quy định của pháp luật.

Ngày 24/11/2027, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM (gọi tắt là Nghị quyết 54). Nghị quyết 54 được thí điểm áp dụng cho TP.HCM trong thời hạn 5 năm, đến hết 31/12/2022.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: Cầu Ba Son nối trung tâm Quận 1 với khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: Cầu Ba Son nối trung tâm Quận 1 với khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM.

Trước đó, ngày 19/5/2022, tại cuộc họp Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân TP.HCM nhằm giám sát về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54, Ủy ban nhan dân TP.HCM đã kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết mới về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM.

Theo lý giải của Ủy ban nhân dân TP.HCM là vì sau hơn bốn năm triển khai thực hiện Nghị quyết 54 (tính đến thời điểm TP.HCM đưa ra kiến nghị xây dựng nghị quyết mới) TP.HCM chưa tận dụng được 50% cơ chế của Nghị quyết 54. TP.HCM chưa thể ban hành quyết định về cổ phần hoá, chưa thu được khoản nào từ tiền bán tài sản công của cơ quan trung ương trên địa bàn Thành phố, từ thoái vốn nhà nước đầu tư tại các công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên,… để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 12/10/2022, tại phiên họp thứ 16 kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đề nghị cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 thêm một năm, đến hết ngày 31/12/2023.

Ngày 20/12/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể là ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị yêu cầu Thành ủy TP.HCM chỉ đạo chính quyền thành phố phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhanh chóng xây dựng, hoàn chỉnh Đề án ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017, trình Quốc hội sớm nhất.

Nguồn: TBKTVN