1 nghìn tỷ USD có thể chảy về Trung Quốc sau khi Mỹ tăng lãi suất
Các công ty Trung Quốc có thể bán ra lượng tài sản định giá bằng USD có trị giá 1 nghìn tỷ USD một khi Mỹ hạ lãi suất. Trong trường hợp như vậy, tỷ giá đồng nhân dân tệ có thể tăng tới 10% - một chuyên gia nhận định với hãng tin Bloomberg.
CEO Stephen Jen của công ty Eurizon SLJ Capital nói đồng nhân dân tệ hiện đang là rủi ro lớn nhất chưa được phản ánh đầy đủ vào các thị trường, và đồng tiền này có thể có một ảnh hưởng lớn đối với thị trường.
“Hãy nghĩ đến một trận lở tuyết”, ông Jen dùng hình ảnh so sánh khi nói về tác động của việc doanh nghiệp Trung Quốc rút tiền về nước. Đồng nhân dân tệ “sẽ tăng giá mạnh và có thể được cho phép tăng giá tới 5-10%. Mức tăng tỷ giá như vậy có thể là khiêm tốn và chấp nhận được đối với Trung Quốc” - ông nói.
2 NGHÌN TỶ USD ĐƯỢC DOANH NGHIỆP TRUNG QUỐC GIỮ Ở NƯỚC NGOÀI?
Lý thuyết ở đây là: từ đại dịch Covid-19 tới nay, các công ty Trung Quốc có thể đã tích hơn 2 nghìn tỷ USD trong các khoản đầu tư ở nước ngoài, là những tài sản có mức lãi suất cao hơn so với những tài sản được định giá bằng nhân dân tệ - theo ông Jen.
Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất, chênh lệch lãi suất giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ giảm, sức hút của các tài sản USD đối với nhà đầu tư Trung Quốc sẽ suy giảm theo và có thể dẫn tới lượng tiền 1 nghìn tỷ USD của các nhà đầu tư này hồi hương. Thậm chí, ông Jen nói rằng con số 1 nghìn tỷ USD này là một ước tính thận trọng.
Vị chuyên gia dự báo Fed sẽ giảm lãi suất quyết liệt hơn so với những gì thị trường đang kỳ vọng nếu giá cả ở Mỹ tiếp tục giảm. Điều này, cùng với việc đồng USD có thể đang được định giá cao hơn so với giá trị thực, thâm hụt kép của Mỹ - gồm thâm hụt tài khóa và thâm hụt tài khoản vãng lai - và khả năng nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, đang củng cố lập luận của ông Jen là đồng USD sẽ mất giá.
Hệ quả cuối cùng sẽ là đồng tiền của Trung Quốc sẽ tăng giá lên mức cao hơn nhiều so với đồng bạc xanh. Phiên ngày 26/8, tỷ giá nhân dân tệ so với USD dao động quanh mức 7,12 nhân dân tệ đổi 1 USD, so với mức khoảng 7,28 nhân dân tệ/USD hồi tháng 7.
Theo ông Jen, mức tăng giá dự báo của nhân dân tệ thậm chí có thể còn lớn hơn nếu Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) không hấp thụ bớt lượng thanh khoản USD dư thừa. Khả năng tăng giá của nhân dân tệ càng được củng cố sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm thứ Sáu vừa rồi nói rằng đã đến lúc Mỹ có thể hạ lãi suất.
Tuy nhiên, một cú tăng mạnh của nhân dân tệ ít có khả năng xảy ra ngay sau đợt giảm lãi suất đầu tiên của Fed. Thay vào đó, nhân dân tệ sẽ leo thang khi tốc độ mất giá của USD được đẩy nhanh theo kịch bản hạ cánh mềm của kinh tế Mỹ - kịch bản mà trong đó lạm phát ở nước này giảm về mục tiêu 2% của Fed mà không gây ra một cuộc suy thoái kinh tế.
Quan điểm của ông Jen đồng nhất với ý kiến của nhà kinh tế Guan Tao thuộc ngân hàng Bank of China International Ltd.. Ông Tao lập luận rằng nhân dân tệ có khả năng tăng giá mạnh nếu một kịch bản tương tự như sự đảo chiều của giao dịch carry-trade đồng yên xảy ra.
PBOC CÓ THỂ CAN THIỆP
Khi các nhà giao dịch ồ ạt rút khỏi giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) đồng yên, ảnh hưởng đối với thị trường tài chính toàn cầu lớn đến nỗi giá của hầu như tất cả các tài sản từ cổ phiếu, trái phiếu tới đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi đều biến động. Nếu carry-trade nhân dân tệ đảo ngược tương tự như vậy, một làn sóng hoảng loạn mới có thể xuất hiện trên thị trường tài chính, nhất là tại khu vực châu Á.
Tuy nhiên, ông Jen cho rằng trong một kịch bản như vậy, PBOC có thể can thiệp. Bắc Kinh vốn luôn thận trọng với bất kỳ sự tăng giá mạnh mẽ nào của nhân dân tệ vì điều đó có thể làm suy yếu năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Trung Quốc và đặt ra rào cản đối với sự phục hồi tăng trưởng vốn đang yếu ớt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cơ quan giám sát ngoại hối của Trung Quốc đã đề cao tinh thần cảnh giác khi xác định mức độ ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ tăng giá đối với các nhà xuất khẩu nước này - nguồn thạo tin tiết lộ. Và một số chiến lược gia lập luận rằng carry-trade nhân dân tệ, tức đặt cược vào sự suy yếu của đồng tiền này, vẫn là hợp lý xét tới các chỉ số kinh tế nền tảng thiếu đồng nhất của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.
PBOC có nhiều biện pháp khác nhau để định hướng kỳ vọng của thị trường. Gần đây nhất, cơ quan này đã dùng đến các công cụ khuyến khích sự ổn định tỷ giá, chẳng hạn tỷ giá tham chiếu hàng ngày và điều chỉnh mức tiền gửi ngoại tệ mà các ngân hàng thương mại cần giữ làm dự trữ.
Bên cạnh đó, với khoảng cách còn lớn giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và Trung Quốc - dù khoảng cách này có rút ngắn gần đây - doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ không vội bán ra số ngoại tệ mà họ đang nắm giữ.
Một số chuyên gia khác ước tính lượng tiền mặt ngoại tệ mà các công ty Trung Quốc đang nắm giữ ít hơn so với con số 2 nghìn tỷ USD mà ông Jen đưa ra. Theo ước tính của công ty Macquarie Group Ltd., từ năm 2022 đến nay, doanh nghiệp Trung Quốc đã tích lũy lượng USD đạt hơn 500 tỷ USD. Ngân hàng ANZ cho rằng con số là 430 tỷ USD.
“Sẽ xuất hiện sức ép buộc nhân dân tệ tăng giá”, ông Jen nói. “Chỉ cần một nửa số tiền đó là tiền dao động, dễ dàng bị bán khi có thay đổi về điều kiện thị trường hay chính sách, thì lượng tiền nóng 1 nghìn tỷ USD mà chúng ta đang nói tới có thể sẽ dẫn tới một cuộc dẫm đạp tháo chạy”.
Nguồn: TBKTVN