3 tháng, gần 11 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), tính đến hết tháng 3/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, vốn giải ngân đạt khoảng 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ.

Như vậy, trong quý đầu năm, cả vốn đăng ký và vốn tăng thêm đều tăng so với cùng kỳ. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào điểm đến Việt Nam.

Đáng chú ý, trong cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 3 tháng qua, vốn đầu tư tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, có 401 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 44,8% so với cùng kỳ), với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 5,16 tỷ USD (gấp gần 5,1 lần cùng kỳ).

Cùng với đó, có 810 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (tăng 11,6% so với cùng kỳ), với tổng giá trị vốn góp đạt gần 1,49 tỷ USD (tăng 83,7% so với cùng kỳ).

Ngược lại, vốn đăng ký mới chỉ đạt hợn 4,33 tỷ USD, giảm 31,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, theo Cục Đầu tư nước ngoài, tình hình đã được cải thiện, khi mà trong tháng 3/2025 đã ghi nhận lượng vốn đầu tư mới tăng mạnh so với các tháng trước (tăng 66,5% so với tháng 1 và gấp gần 2,4 lần tháng 2). Số dự án đầu tư mới cũng tăng lên (tăng 42,7% so với tháng 1 và gấp gần 18,4% vo với tháng 2).

Tuy vậy, do thiếu vắng các dự án quy mô lớn, tổng vốn đầu tư mới trong 3 tháng năm 2025 vẫn giảm 31,5% so với cùng kỳ. Điểm tích cực là mức giảm đã được cải thiện. Mức giảm trong 3 tháng năm 2025 ít hơn so với mức 48,4% trong 2 tháng và 43,6% trong tháng 1 năm 2025.

Hơn thế, với mức tăng mạnh của vốn đầu tư điều chỉnh (tăng 407%) và góp vốn, mua cổ phần (tăng 83,7%) đã bù đắp mức giảm của vốn đầu tư mới do quy mô bình quân của các dự án mới nhỏ hơn cùng kỳ, đưa tổng vốn đầu tư của cả nước trong 3 tháng đầu năm tăng 34,7%.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, số lượng dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn, các giao dịch góp vốn, mua cổ phần cũng đều tăng lên, khẳng định Việt Nam tiếp tục là thị trường đầu tư được các nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng các dự án đầu tư hiện hữu.

Ở góc độ khác, theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 3 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,79 tỷ USD, chiếm gần 61,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 26% so với cùng kỳ.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,39 tỷ USD, chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 44,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học - công nghệ; bán buôn, bán lẻ, với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 591 triệu USD và hơn 272 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.

Trong khi đó, xét về đối tác, đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2025. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, chiếm hơn 27,6% tổng vốn đầu tư, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 2,04 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư, gấp gần 2,7 lần cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…

Còn nếu tính theo địa bàn, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 50 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 3 tháng đầu năm 2025. Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,9 tỷ USD, chiếm 17,3% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp gần 2,1 lần cùng kỳ.

Đúng thứ hai là TP.HCM với gần 1,43 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 58,3% so với cùng kỳ. Hà Nội đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,42 tỷ USD, chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 23,6% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam…

Nguồn: Báo Đầu tư