54% thị trường lao động của Việt Nam phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu

Tăng trưởng kinh tế trong quý I ghi nhận đà tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, bao gồm sản xuất, tiêu dùng và FDI, với mức tăng trưởng GDP đạt 6,93%, mức cao nhất từng được ghi nhận trong quý I. Tuy nhiên, so với mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ là đạt mức tăng trưởng 8% trong năm 2025, tốc độ tăng trưởng quý I vẫn còn khá yếu. 

“Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục thúc đẩy mạnh hơn các động lực tăng trưởng nội địa trong phần còn lại của năm, đặc biệt là khi các động lực bên ngoài như thương mại và FDI đang đối mặt với ngày càng nhiều thách thức. Vốn đầu tư từ khu vực nhà nước đóng vai trò dẫn dắt trong quý I, định hướng cho khu vực tư nhân và FDI”, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định. 

 

Tuy nhiên, so với các mục tiêu giải ngân đã đặt ra, vẫn chưa có sự bứt phá đáng kể. Tổng thể, tiến độ vẫn chậm và hiệu quả vẫn còn hạn chế. Việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ làm tăng chi phí xuất khẩu, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và về dài hạn có thể khiến dòng vốn FDI dịch chuyển sang các quốc gia khác.

PHS cho biết họ đã giảm nhiều kỳ vọng về việc đạt được một thỏa thuận với Mỹ. Đường lối ngoại giao của Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì nhất quán, và sự kiện này sẽ thúc đẩy Chính phủ Việt Nam thực hiện mạnh mẽ hơn các cải tiến về công nghệ, đầu tư công, và đa dạng hóa thêm thị trường, nhằm giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào,  tất nhiên, điều này sẽ cần thời gian. 

“Vốn dĩ công thức tăng trưởng cho các quốc gia nhỏ như Việt Nam là đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng nguồn lực nội địa "giá rẻ" để tích lũy vốn và công nghệ; tuy nhiên, tiến trình này có lẽ cần được điều chỉnh. Mặc dù chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp FDI sẽ không rời bỏ Việt Nam ngay lập tức, nhưng khả năng thu hút thêm sẽ trở nên khó khăn hơn”, PHS nhận định. 

Trong ngắn hạn, PHS cho biết họ tin rằng Chính phủ sẽ đồng bộ thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tăng cường đầu tư tư nhân và đầu tư công, ổn định mặt bằng lãi suất, và đưa ra thêm các gói hỗ trợ cho cả doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp FDI nhằm giữ chân nhà đầu tư và duy trì niềm tin của họ. 

Tuy nhiên, tác động từ thuế quan trong kịch bản Việt Nam không đạt được thỏa thuận có thể khiến GDP giảm 1 - 2% trong năm 2025F và 2 - 3% trong năm 2026F, tương ứng với mức tăng trưởng GDP còn 4% và 3% lần lượt trong 2025F và 2026F. 

 

Đồng thời, PHS ước tính dòng vốn FDI có thể giảm khoảng 15 - 20% trong năm 2025F và 2026F. Dù vậy, vẫn hy vọng Việt Nam có thể đạt được một thỏa thuận nhằm làm dịu căng thẳng với phía Mỹ. 

Ở góc nhìn khác, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 xuống 6% (so với dự phóng 7% trước đó, tương ứng với kịch bản Việt Nam chịu thuế đối ứng 2x%) sau khi đánh giá những rủi ro trong Tradewar 2.0 đối với nền kinh tế Việt Nam. 

Bên cạnh đó, KBSV kỳ vọng Chính phủ sẽ tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng nội địa, đặc biệt là đầu tư công và thị trường bất động sản.

Báo cáo của tổ chức này cho thấy, khoảng 50% mức tăng trưởng GDP và 54% thị trường lao động của Việt Nam phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu. Đồng thời Việt Nam cũng là nền kinh tế dựa vào thương mại nhiều nhất ở Đông Á, ngoại trừ Singapore, cho thấy nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, và tăng trưởng kinh tế gắn chặt với thương mại quốc tế. 

“Trong bối cảnh Tradewar 2.0 dưới thời Tổng thống Donald Trump, các chính sách mới không còn tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam như Tradewar 1.0 trước đó. Điều này khiến Việt Nam đối mặt với rủi ro sụt giảm hoạt động xuất khẩu và việc thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và việc làm trong nước”, KBSV nhận định.

Nguồn: Nhipcaudautu