8 quốc gia đang đẩy mạnh sử dụng Nhân dân tệ

Theo tờ báo South China Morning Post, thời gian qua, Bắc Kinh liên tục phát đi thông điệp rõ ràng việc thúc đẩy các nước trên thế giới sử dụng đồng nội tệ của mình là “một ưu tiên”, đặc biệt trong bối cảnh đồng USD tiếp tục giữ vị thế thống trị. Đi liền với thông điệp này là nỗ lực tăng sức hấp dẫn của đồng Nhân dân tệ như một đồng tiền thay thế USD trong thương mại quốc tế và dự trữ.

Kết quả là, tỷ trọng của đồng Nhân dân tệ trong tài chính thương mại, thanh toán quốc tế, giao dịch ngoại hối và dự trữ tài sản của các ngân hàng trung ương đang có xu hướng tăng lên. Mặc dù vậy, tỷ trọng này vẫn tương đối nhỏ khi so sánh với sự phổ biến của đồng USD - đồng tiền đang sử dụng trong 90% giao dịch ngoại hồi toàn cầu, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).

Tuy nhiên, đang ngày càng có nhiều quốc gia tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh bằng cách bán USD, tăng dự trữ vàng và giao dịch thương mại song phương bằng đồng nội tệ. Hồi tháng 3, Nhân dân tệ trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong giao dịch xuyên biên giới tại Trung Quốc, lần đầu tiên vượt qua USD.

Dưới đây là 8 quốc gia đang đẩy mạnh sử dụng Nhân dân tệ trong các giao dịch thanh toán quốc tế, từ dầu khí cho tới nhà máy điện hạt nhân.

NGA
Sau khi Moscow phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, nền kinh tế Nga hứng đòn giáng nặng nền bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Theo đó, Moscow buộc phải sử dụng đồng Nhân dân tệ nhiều hơn trong bối cảnh khả năng tiếp cận đồng USD bị hạn chế.

Năm qua, làn sóng trừng phạt tài chính của phương Tây khiến gần một nửa dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng và các ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT khiến nước này sử dụng đồng Nhân dân tệ nhiều hơn đáng kể.

Theo ước tính của ông Rory Green, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty nghiên cứu TSS Lombard có trụ sở tại London, các giao dịch quốc tế sử dụng Nhân dân tệ tại Nga đã tăng từ chưa tới 0,26% vào năm 2020 lên 2,57% vào tháng 1/2023. 

Tháng 10/2022, đồng Nhân dân tệ lần đầu tiên vượt qua đô la Mỹ trở thành ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch Moscow  - Ảnh: Reuters

Tháng 10/2022, đồng Nhân dân tệ lần đầu tiên vượt qua đô la Mỹ trở thành ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch Moscow  - Ảnh: Reuters

Tháng 9 năm ngoái, tập đoàn dầu khí nhà nước Gazprom của Nga cho biết đã ký các hợp đồng với Tập đoàn xăng dầu quốc gia Trung Quốc để thanh toán khí đốt Nga cho Trung Quốc bằng cả đồng Rúp và Nhân dân tệ. Trong khi đó, nhiều công ty khác của Nga, bao gồm nhà sản xuất vàng hàng đầu Polyus, cũng đã bắt đầu phát hành trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ.

Tháng 10/2022, đồng Nhân dân tệ lần đầu tiên vượt qua đô la Mỹ trở thành ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch Moscow.

Tháng 3 năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng 153,09%, còn nhập khẩu tăng 8,06%.

Theo các nhà phân tích, Nga có thể sẽ bắt đầu mua ngoại tệ, trong đó có đồng Nhân dân tệ, để bổ sung vào dự trữ ngoại hối từ tháng này. Đây là động thái mua ngoại tệ đầu tiên của nước này kể từ khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022.

SAUDI ARABIA
Từ tháng 3 năm nay, nhiều nguồn tin cho biết Saudi Arabia đang cân nhắc chấp nhận đồng Nhân dân tệ để thay thế USD trong giao dịch dầu mỏ. Thông tin này được đưa ra sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới nước này vào tháng 12/2022.

Trong chuyến thăm, ông Tập nhấn mạnh rằng cần có một mô hình hợp tác năng lượng mới, đồng thời kêu gọi Saudi Arabia thúc đẩy vai trò của đồng Nhân dân tệ như một loại tiền tệ trong giao dịch dầu mỏ và khí đốt. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cho biết nền tảng Sàn giao dịch xăng dầu và khí đốt tự nhiên Thượng Hải sẽ sử dụng triệt để Nhân dân tệ trong các giao dịch.

ARGENTINA

Vào cuối tháng 4, Argentina thông báo sẽ bắt đầu thanh toán hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ thay vì USD.

Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa xác nhận rằng nước này đã kích hoạt các hợp đồng hoán với Trung Quốc. Tuyên bố này được đưa ra sau một cuộc họp của ông Massa với Đại sứ Trung Quốc tại Argentina Zou Xiaoli và các công ty trong nhiều lĩnh vực.

“Argentina đã sử dụng Nhân dân tệ để thanh toán hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 1,04 tỷ USD trong tháng 4, thay vì dùng đồng USD. Chúng tôi dự kiến thanh toán khoảng 790 triệu USD hàng hóa bằng đồng Nhân dân tệ mỗi tháng từ tháng 5”, ông Massa cho biết thêm.

Song song với đó, nền kinh tế lớn thứ ba Nam Mỹ cũng đang cố gắng duy trì dự trữ USD sau đợt hạn hán lịch sử khiến kim ngạch xuất khẩu giảm 15 tỷ USD, bao gồm xuất khẩu của ngành nông nghiệp chủ lực.

“Quyết định đẩy mạnh sử dụng Nhân dân tệ của nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh chắc chắn sẽ tạo ra một cú huých mạnh mẽ cho quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ”, các nhà kinh tế của Natixis nhận định trong một báo cáo vào cuối tháng 4. “Tuy nhiên, động thái này nhiều khả năng được thúc đẩy bởi sự linh hoạt trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương Argentina, nơi đang thiếu hụt đồng USD trong khi đồng Nhân dân tệ lại dễ tiếp cận hơn”.

Tháng 1/2023, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (BPOC) đã tăng giá trị các hợp đồng hoán đổi ngoại tệ với Argentina thêm 35 tỷ Nhân dân tệ (5 tỷ USD) lên 165 tỷ Nhân dân tệ.

BRAZIL
Brazil đã bắt đầu sử dụng Nhân dân tệ trong giao dịch thương mại và đầu tư với một thỏa thuận giữa Ngân hàng Trung ương nước này và BPOC hồi tháng 2. Brazil cũng chỉ định một ngân hàng thanh toán bù trừ Nhân dân tệ và sử dụng Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc - một hệ thống tương tự SWIFT vào đầu tháng trước.

Tính tới cuối năm 2022, tài sản ngoại hối bằng đồng Nhân dân tệ của Brazil đạt tỷ trọng 5,37%, vượt qua tài sản ngoại hối bằng đồng Euro vươn lên vị trí thứ hai.

Trong chuyến thăm tới Trung Quốc tháng trước, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã kêu gọi khối BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - sử dụng đồng nội tệ riêng trong giao dịch thương mại và đầu tư song phương.

“Mỗi đêm tôi đều trăn trở một câu hỏi rằng: Tại sau tất cả các quốc gia đều sử dụng USD trong thanh toán mà không phải Nhân dân tệ hay các đồng tiền quốc tế khác”, phát biểu của Tổng thống Brazil được trích dẫn trên tờ báo The Paper của Trung Quốc.

Theo dữ liệu từ hải quan Trung Quốc, Brazil hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Trung quốc với giá trị thương mại song phương tăng 4,9% lên 171,5 tỷ USD trong năm ngoái.

Suzano, nhà sản xuất bột gỗ cứng lớn nhất Brazil, hiện đang cân nhắc xuất khẩu hàng sang Trung Quốc và định giá bằng đồng Nhân dân tệ. Thông tin này được CEO Walter Schalka đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg vào đầu tháng này. Theo ông Schalka, đồng vai trò quan trọng của đồng Nhân dân tệ đang ngày càng tăng lên và các khách hàng tại Trung Quốc của Suzano đang yêu cầu thực hiện các hợp đồng sử dụng đồng tiền này.

BANGLADESH
Theo thông tin đưa ra hồi tháng 4 của một quan chức Chính phủ Bangladesh, nước này và Nga đã đạt thỏa thuận sử dụng đồng Nhân dân tệ để thanh toán cho một nhà máy điện hạt nhân mà Moscow đang xây dựng tại quốc gia Nam Á.

“Nga đã muốn thực hiện thanh toán bằng đồng Rúp. Nhưng đó là điều không thể với chúng tôi”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Uttam Kumar Karmaker, một quan chức cấp cao tại Bộ Tài chính Bangladesh cho biết.

Bangladesh cũng không thể thanh toán cho Nga bằng đồng USD sau khi các ngân hàng của Nga bị loại hỏi hệ thống chuyển tiền quốc tế SWIFT vào năm ngoái. Do đó, giao dịch thanh toán cho nhà máy điện nói trên sẽ được thực hiện bằng đồng Nhân dân tệ thông qua Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới - hệ thống do Trung Quốc phát triển vào năm 2015.

PAKISTAN

Pakistan có thể sẽ bắt đầu sử dụng Nhân dân tệ để mua dầu thô Nga với một lô hàng thử nghiệm 750.000 thùng dự kiến cập cảng vào tuần đầu tiên của tháng 6.

Tờ báo tiếng Anh News International của Pakistan ngày 5/5 dẫn thông tin từ một quan chức cấp cao giấu tên tại Bộ Năng lượng cho biết: “Pakistan sẽ thanh toán dầu thô bằng đồng Nhân dân tệ và ngân hàng Bank of China có thể sẽ đứng sau các giao dịch này”.

IRAQ

Hồi tháng 2, Ngân hàng trung ương Iraq Iraq (CBI) cho biết sẽ cho phép thanh toán hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong khu vực tư nhân bằng đồng Nhân dân tệ và CBI sẽ cung cấp Nhân dân tệ cho các nhà băng tại Iraq để thanh toán cho các ngân hàng Trung Quốc.

“Động thái này đánh dấu lần đầu tiên hàng nhập khẩu Trung Quốc được giao dịch bằng Nhân dân tệ, sau thời gian dài Iraq chỉ phụ thuộc vào đồng USD”, ông Mudhir Salih, cố vấn kinh tế của Chính phủ Iraq, nhận xét. “Tuy nhiên, giao dịch dầu mỏ sẽ không nằm trong số này”.

THÁI LAN
Tờ Bangkok Post hồi cuối tháng 4 dẫn lời thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) Sethaput Suthiwartnarueput, cho biết BOT và BPOC đã có các cuộc thảo luận về việc tăng cường hợp tác nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng đồng Baht và Nhân dân tệ trong giao dịch thương mại song phương.

Tháng 1/2021, Trung Quốc và Thái Lan đã gia hạn Hợp đồng Hoán đổi Tiền tệ Song phương bằng đồng Baht và Nhân dân tệ. Thỏa thuận này nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư bằng đồng nội tệ của hai bên, đồng thời tăng cường hợp tác tài chính giữa hai quốc gia.

Nguồn: TBKTVN