Ấn Độ có thể xem xét hạn chế xuất khẩu đường

Sau khi Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu một số loại gạo để kiểm soát giá trong nước, hôm 20/7, các thương nhân lo ngại, mặt hàng đường có thể bị nước này xem xét hạn chế xuất khẩu.

Thế giới ngày càng phụ thuộc vào đường xuất khẩu từ quốc gia Nam Á này khi nguồn cung toàn cầu thắt chặt. Lượng mưa không đồng đều trên các vành đai nông nghiệp của Ấn Độ đã làm dấy lên lo ngại rằng sản lượng đường sẽ giảm, có nguy cơ giảm năm thứ hai liên tiếp trong mùa vụ bắt đầu từ tháng 10. Điều này có thể hạn chế khả năng xuất khẩu của Ấn Độ.

Theo Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ, những cánh đồng mía ở các vùng sản xuất chính của bang Maharashtra và bang Karnataka đã không có đủ mưa trong tháng 6, dẫn đến tình trạng quan ngại về sản lượng mùa vụ. 

Hiệp hội này dự kiến sản lượng đường sẽ giảm 3,4% so với năm trước xuống 31,7 triệu tấn trong năm 2023-2024. Nguồn cung này có thể đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, với mức sản lượng này, Ấn Độ có thể sẽ không xuất khẩu đường.

Trong khi đó, Ấn Độ sẽ sử dụng nhiều đường hơn để làm nhiên liệu sinh học. Hiệp hội  các nhà máy đường Ấn Độ nhận thấy các nhà máy chuyển 4,5 triệu tấn để sản xuất ethanol, tăng 9,8% so với năm trước đó.

Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục 11,2 triệu tấn đường trong niên vụ 2021-2022, với các lô hàng được gửi đến các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Bangladesh, Sudan, Somalia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Quốc gia này dự kiến ​​sẽ sản xuất khoảng 38,5 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023, nhưng ước tính này đã được Hiệp hội Các nhà máy đường Ấn Độ hạ xuống còn khoảng 32 triệu tấn.

Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) hồi đầu năm nay đã điều chỉnh giảm dự báo lượng đường dư cung trên thế giới trong niên độ 2022/2023 từ 6,2 triệu tấn trong tháng 11/2022 xuống 4,2 triệu tấn trong tháng 2/2023. Theo đó, lượng đường tồn kho trên thế giới dự kiến trong niên độ 2022/2023 sẽ giảm 13% so với niên độ trước, tạo áp lực khiến giá đường neo ở mức cao.

Mới đây, ngay sau lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng gạo tẻ thường (phi basmati) của Ấn Độ, vốn là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất đã khiến thị trường lương thực thế giới bị tác động dây chuyền, lần lượt Nga và các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sau đó cũng cấm xuất khẩu gạo cho đến đầu năm 2024, giá gạo tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam bị đẩy lên cao.

Ấn Độ chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, tương đương khoảng 22,6 triệu tấn (nhiều hơn tổng xuất khẩu của Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ - 4 nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn tiếp theo). Trong đó, dòng gạo phi basmati chiếm khoảng 76% về lượng và 55% về trị giá.

Khi nguồn cung lớn nhất thế giới ban hành lệnh cấm xuất khẩu chủng loại gạo chiếm 80% tổng lượng xuất khẩu đã gây tác động mạnh đến thương mại gạo toàn cầu nói riêng và lương thực thực phẩm nói chung, ảnh hưởng đến 140 quốc gia.

Do chuỗi tác động hậu Covid chưa có dấu hiệu hồi phục, xu hướng lạm phát vẫn gia tăng cộng thêm ảnh hưởng nguồn cung lương thực thế giới đã buộc một số quốc gia đưa ra giải pháp tức thì kiềm chế lạm phát

Động thái này lo ngại khả năng một loạt nước sẽ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo đặc biệt là các nước sản xuất lớn như Thái Lan, Pakistan, Trung Quốc, Mỹ… và các nước sản xuất ngũ cốc khác: ngô, đậu tương. Khủng hoảng lương thực sẽ trầm trọng trên toàn cầu đặc biệt tại các khu vực vốn đã bị ảnh hưởng do Covid như khu vưc châu Phi.

Nguồn: Báo Đầu tư