Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt hàng 17 đề tài khoa học công nghệ phục vụ nông thôn mới

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có thông báo tuyển chọn tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chủ trì các đề tài khoa học công nghệ  phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đặt hàng thực hiện từ 2023. Thời điểm bắt đầu nhận hồ sơ từ chiều 26/6/2023, thời điểm kết thúc nhận hồ sơ trước 17h00 ngày 25/8/2023.

HƯỚNG VÀO MIỀN NÚI, ĐỊA BÀN KHÓ KHĂN
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành công của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có đóng góp rất lớn của khoa học công nghệ. Trong giai đoạn 2016-2022, Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn đã xây dựng được 208 mô hình ứng dụng khoa học tiến bộ vào sản xuất ở nông thôn. Trong đó, có 131 mô hình sản xuất và liên kết, 77 mô hình quản lý, môi trường, du lịch trên cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ.

Toàn bộ các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đều có sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp. Trong đó, 60% các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với các nhóm sản phẩm chủ lực. Các đề tài, mô hình trong quá trình tuyển chọn và thực tế đã chuyển giao được các công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với các vùng miền, tăng hiệu quả sản xuất từ 25% trở lên và góp phần tăng thu nhập cho nông dân từ hơn 20% trở lên.

Các đề tài, dự án thuộc Chương trình thực hiện đều đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ cho đối tượng chuyển giao công nghệ và nhận chuyển giao công nghệ ở nông thôn, thực tế đã lồng ghép vào các nhiệm vụ đã đào tạo được hơn 11.000 kỹ thuật viên, nông dân.

Trong đợt nhận hồ sơ và tuyển chọn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ trì các đề tài khoa học công nghệ lần này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra 17 đề tài để đặt hàng. Cụ thể như sau:

Nghiên cứu đề xuất lồng ghép các Chương trình chính sách để thực hiện hiệu quả Chương trình nông thôn mới ở địa bàn khó khăn.

Nghiên cứu xây dựng mô hình thôn, bản nông thôn mới thông minh gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở miền Tây Nghệ An.

Nghiên cứu giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hòan vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc. Áp dụng thử nghiệm cho dân tộc Pà Thẻn tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Nghiên cứu giải pháp phát triển cây ăn quả ôn đới theo hướng nông nghiệp sinh thái phát triển dịch vụ du lịch nông nghiệp tại các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng và Bắc Kạn.

Xây dựng mô hình phát triển chuỗi giá trị cau bền vững và nâng cao năng lực hợp tác xã tại tỉnh Quảng Nam.

Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển một só sản phẩm từ dứa theo chuỗi liên kết phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 tại tỉnh Điện Biên.

Xây dựng mô hình phát triển cây gai xanh gắn với doanh nghiệp tiêu thụ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trong xây dựng nông thôn mới tại các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An.

Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển cây dược liệu Sói rừng và Cát sâm theo chuỗi giá trị gắn với phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới tại Thanh Hóa.

Mô hình sản xuất liên kết chuỗi giá trị từ nuôi trồng, chế biến, sản xuất và tiêu thụ nấm sò vàng góp phần nâng cao giá trị và phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch cho vùng trung du phía Bắc.

Tích hợp các giá trị văn hóa vào sản phẩm OCOP các tỉnh Tây Bắc.

Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP từ tri thức bản địa của các dân tộc thiểu số phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng miền Tây Nghệ An.

Phát huy giá trị văn hóa bản địa trong phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Bình Thuận.

Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển chăn nuôi dê thịt theo hướng kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Phát triển chăn nuôi cừu thích ứng biến đổi khí hậu gắn với du lịch nông thôn vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nghề sản xuất muối hầm truyền thống Tuyết Diêm gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên,

Ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng phát triển nghề, làng nghề miến dong và hương thảo mộc gắn với du lịch nông thôn nhằm phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Cao Bằng.

Tăng cường sinh kế để nâng cao thu nhập cho phụ nữ nông thôn trong sản xuất tơ, vải từ sợi tơ sen trên địa bàn huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

CHUYỂN GIAO KHOA HỌC, KỸ THUẬT, TRI THỨC CHO NÔNG DÂN
Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, cho biết Danh mục nhiệm vụ thông báo tuyển chọn chi tiết tại phụ lục kèm theo Quyết định số 2505/QĐ-BNN-VPĐP ngày 21/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Yêu cầu về điều kiện tham gia tuyển chọn thực hiện theo Khoản 1 Điều 9 Quyết định số 1008/QĐ-BNN-VPĐP ngày 21/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hồ sơ đăng ký tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ  phục vụ xây dựng nông thôn mới được chuẩn bị theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Quyết định số 1008/QĐ-BNN-VPĐ ngày 21/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

"Mỗi đề tài nghiên cứu khoa học trong xây dựng nông thôn mới phải mang yếu tố kinh tế, gắn với thị trường, chi phí đầu vào; chuyển từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị trên sản phẩm nông nghiệp. ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới phải song hành để chuyển hóa được tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp".

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Định mức xây dựng, phân bổ dự toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước được quy định tại: Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT ngày 25/7/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, cũng tuân thủ Thông tư số 03/2023/TT-BTC ngày 10/01/2023 của Bộ Tài chính; Quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Hồ sơ đăng ký tuyển chọn gồm 10 bộ (1 bản gốc và 9 bản copy) và USB hoặc CD có các file dữ liệu hồ sơ. Hồ sơ phải được niêm phong kín và bên ngoài ghi rõ các thông tin như sau: Tên nhiệm vụ, danh mục tài liệu trong hồ sơ; Tên, địa chỉ của tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ; Tên cá nhân đăng ký chủ nhiệm nhiệm vụ và thông tin về người liên hệ (điện thoại và địa chỉ email).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và 2030 là cơ hội để nhận diện, làm rõ đề xuất các giải pháp đối với các làng xã nông thôn chịu tác động đô thị hóa chuyển đổi từ vùng nông thôn sang đô thị.

Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cần bảo vệ và duy trì các làng xã thuần nông gắn với văn hóa bản địa và thiên nhiên cần thiết, bảo đảm công bằng xã hội và cân bằng phát triển. Đồng thời, chúng ta không chỉ chuyển giao khoa học công nghệ mà cần chuyển giao tri thức cho người nông dân…

Nguồn: TBKTVN