BOJ có thể tăng dự báo lạm phát ở Nhật Bản vì giá gạo tăng, đồng yên giảm
Giới chức Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể sẽ thảo luận về việc tăng dự báo lạm phát tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào cuối tháng này, dù chưa đi đến quyết định nào về lãi suất. Thông tin này đưa đồng yên tăng giá nhẹ trong phiên giao dịch ngày 13/11, dù xu hướng tăng của đồng USD tiếp tục gây áp lực giảm lên các đồng tiền chủ chốt khác.
Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg rằng trong cuộc họp diễn ra trong 2 ngày 23-24/1 tới, các quan chức BOJ có thể sẽ bàn về việc nâng triển vọng lạm phát lõi cho năm tài khóa này và tài khóa tiếp theo. Lạm phát lõi là thước đo không bao gồm giá của hai nhóm hàng hóa nhiều biến động là thực phẩm và năng lượng, đồng thời được cho là phản ánh chuẩn xác hơn xu hướng lạm phát trong nền kinh tế.
Nguyên nhân phía sau ý định nâng dự báo lạm phát này là việc giá gạo ở Nhật Bản thời gian qua tăng mạnh và tỷ giá đồng yên đã suy yếu đi nhiều kể từ lần gần đây nhất BOJ cập nhật dự báo lạm phát vào tháng 10 - nguồn tin cho biết. Theo hãng thông tấn Kyodo hồi tháng 10, giá gạo ở Tokyo tại thời điểm đó tăng kỷ lục 62,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phiên ngày 13/10 tại thị trường châu Á, đồng yên tăng 0,2% so với USD, đạt 157,4 yên đổi 1 USD. Hôm thứ Sáu, đồng yên có lúc giảm về mức 158,4 yên đổi 1 USD.
Gần đây, đồng yên liên tục mất giá so với USD do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất chậm lại trong năm nay. Việc đồng yên đối mặt rủi ro giảm về ngưỡng chủ chốt 160 yên/USD đã khiến giới chức Nhật Bản cảnh báo về khả năng can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Ở dự báo hiện tại, BOJ kỳ vọng lạm lõi sẽ ở mức 2% trong tài khóa này, 1% trong tài khóa tới và 2,1% trong tài khóa sau đó. Việc nâng dự báo lạm phát từ mức hiện tại sẽ đưa các mức dự báo lên mức bằng hoặc hơn 2% trong cả 3 năm tài khóa. Triển vọng lạm phát mới như vậy có thể ủng hộ lập luận tăng lãi suất nếu BOJ quyết định hành động.
Những thông tin được tiết lộ nói trên khiến thị trường kỳ vọng tại cuộc họp tới, các quan chức BOJ sẽ thảo luận về việc có nên tăng lãi suất hay không.
Về phần mình, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã nhấn mạnh hai yếu tố chủ chốt trong việc quyết định có tăng lãi suất hay không, gồm mức tăng lương đạt được trong cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân thường niên và những bấp bênh xung quanh chính sách kinh tế của Mỹ sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức. Điều này có nghĩa là BOJ sẽ không tăng lãi suất chỉ dựa trên việc tăng dự báo lạm phát.
Nguồn tin nói rằng giới chức BOJ tiếp tục nhận thấy lạm phát về cơ bản đang diễn biến đúng với kỳ vọng của họ, nhưng quyết định có tăng lãi suất từ mức 0,25% hiện nay hay không sẽ được đưa ra sau khi đánh giá cẩn trọng các dữ liệu và thông tin sẵn có.
Trái với đa số các nền kinh tế lớn khác phải tìm cách kéo lạm phát giảm về mục tiêu của ngân hàng trung ương, Nhật Bản cho tới đợt tăng lãi suất đầu tiên sau 17 năm vào tháng 3 năm nay đã có nhiều năm giữ lãi suất ở mức âm nhằm đưa lạm phát tăng lên mức mục tiêu 2% của BOJ. Giới chức BOJ hiện tại nhận thấy đang có tiến bộ trong việc đạt mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững vì các doanh nghiệp Nhật Bản đang đẩy phẩn chi phí nhân công gia tăng về phía người tiêu dùng.
Theo tiết lộ của nguồn tin, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trong BOJ tiếp tục nhận thấy tôc độ tăng của giá cả trong nền kinh tế nhất quán với mục tiêu đề ra trong nửa sau của kỳ dự báo 3 năm tính đến tháng 3/2027.
Các nhà kinh tế khu vực tư nhân đưa ra dự báo lạm phát ở Nhật cao hơn so với dự báo của BOJ. Họ kỳ vọng lạm phát ở đất nước mặt trời mọc tăng lên mức 2,2% trong tài khóa này và 2% trong tài khóa tới - theo một cuộc khảo sát của Bloomberg trong tháng 1.
Nguồn: TBKTVN