Châu Phi và tiềm năng đáp ứng nhu lương thực của cả thế giới
Cách trung tâm thành phố Marrakech và đám đông du khách một giờ đồng hồ, là một vùng đồng bằng bán sa mạc trải dài đến tận chân trời. Tại đây, những chiếc máy đào khổng lồ không ngừng khai thác các lớp đá photphat tại mỏ Benguerir, một nguồn tài nguyên có thể giúp định hình tương lai của Châu Phi.
OCP, một công ty nhà nước của Ma-rốc, khai thác 44 triệu tấn đá photphat từ Benguerir và ba mỏ khác mỗi năm để sản xuất thành phân bón. Đến năm 2027, sản lượng dự kiến đạt 70 triệu tấn. Mặc dù phần lớn sản phẩm của công ty hiện được vận chuyển ra ngoài lục địa, nhưng thị trường Châu Phi đang dần được cân nhắc.
Công ty này hiện đang đổ tiền vào phát triển lĩnh vực nông sản thực phẩm của lục địa, khoản đầu tư mà họ hy vọng sẽ dẫn đến nhu cầu phân bón tăng mạnh. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, đây là một canh bạc lớn khi châu Phi phải nhập khẩu 43 tỉ USD thực phẩm vào năm 2019, dự kiến sẽ tăng lên 110 tỉ USD vào năm 2025.
Nền nông nghiệp kém hiệu quả
Bất ổn chính trị, cơ sở hạ tầng nghèo nàn và tình trạng biến đổi khí hậu gay gắt đã ảnh hưởng nặng nề đến nền nông nghiệp tại lục địa này.
Nhưng OCP không đơn độc khi cho rằng Châu Phi có thể sản xuất đủ lương thực để tự duy trì và thậm chí có thể cung cấp cho các khu vực khác trên thế giới. Liên Hợp Quốc dự báo dân số toàn cầu 10 tỉ người vào năm 2050 sẽ cần lượng calo nhiều hơn 60%.
Tỉ phú Bill Gates, người có quỹ từ thiện đang đầu tư khắp cả lục địa, chia sẻ rằng: “Châu Phi có thể là một nước xuất khẩu thực phẩm ròng, ngay cả khi đối mặt với biến đổi khí hậu.” Theo ông, hạt giống tốt hơn, giống vật nuôi tốt hôn cộng với phân bón có thể dẫn đến một cuộc Cách mạng xanh tại Châu Phi.
Kể từ những năm 1960, các giống hạt giống mới và khả năng tiếp cận phân bón được cải thiện đã giúp chuyển đổi sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới. Ví dụ, ở châu Á, sản lượng lúa tăng gấp đôi từ năm 1965 đến năm 1995.
Châu Phi gần như không bị ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng nông nghiệp này, một phần là do có quá ít người canh tác trên nguồn đất dồi dào vào thời điểm đó. Ngày nay, lục địa này chiếm 60% đất canh tác sẵn có trên thế giới và dân số trẻ ngày càng tăng.
Ông Illias El Fali, giám đốc điều hành của OCP về chiến lược doanh nghiệp, quản lý hiệu suất và điều phối hoạt động, cho biết: “Sản lượng nông nghiệp hiện nay ở Châu Phi chỉ bằng 1/4 mức tiềm năng."
Để nâng cao năng suất, ông ước tính rằng Châu Phi sẽ cần tiêu thụ lượng phân bón gấp 10 lần. Nếu có thể làm như vậy, El Fali và OCP tin rằng Châu Phi thực sự có thể trở thành vựa lúa mì của thế giới.
Quá trình chuyển đổi dày công
Cần bắt đầu từ hạt giống. Nông dân của lục địa này hầu hết là những người sản xuất tự cung tự cấp hoặc quy mô nhỏ, làm việc đồng án cực nhọc và dựa dẫm vào nguồn nước mưa. Có rất ít người mua hạt giống thương mại; thay vào đó, họ sử dụng hạt giống thụ phấn tự do từ vụ mùa năm trước, làm giảm sản lượng và làm suy yếu an ninh lương thực.
Ở Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ trong 5 hoặc 6 thập kỷ qua, khu vực tư nhân đã sử dụng kỹ thuật hạt giống để biến đổi cây trồng như lúa mì, ngô và đậu nành cũng như cải thiện giống gia súcvà gia cầm nhằm tối đa hóa lượng calo và lợi nhuận.
Các chính phủ, tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân đang cố gắng làm điều tương tự cho Châu Phi.
Theo tỉ phú Bill Gates, ưu tiên hàng đầu sau hạt giống là phân bón. Nhưng ở đây, Châu Phi sẽ phải áp dụng một cách tiếp cận khác.
Lượng phân bón sử dụng tại Châu Phi thấp hơn nhiều so với các khu vực khác (kg/ha). Ảnh: FT. |
Trong khi nông dân châu Phi sử dụng quá ít phân bón, khiến đất bị thiếu chất dinh dưỡng thì hầu hết nông dân ở những nơi khác lại sử dụng quá nhiều. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Food, phân đạm hỗ trợ một nửa nguồn cung cấp thực phẩm trên thế giới, cùng với phân chuồng, tạo nên 5% lượng khí thải nhà kính toàn cầu - nhiều hơn lượng phát thải từ ngành hàng không và vận tải biển cộng lại. Tổng cộng, nông nghiệp và lâm nghiệp chiếm gần 1/4 lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Đã có một số giải pháp cho vấn đề này. Cũng như những trạm y tế ở Châu Phi, hiện nay OCP đang cung cấp phòng thí nghiệm đất di động, cho phép nông dân kiểm tra sức khoẻ của đất, xem có thiếu dưỡng chất quan trọng nitơ, photphat và kali hay không, từ đó tối ưu việc bón phân. Tại Nigeria, chương trình của OCP đã khiến mức sử dụng phân bón tăng gấp ba lần và sản lượng tăng 27% kể từ năm 2016. Tại Ethiopia, sản lượng đã tăng 37% trong khi chi tiêu cho phân bón giảm 1/5.
Việc tăng năng suất sẽ khiến nông dân chuyển từ trồng nông sản để tiêu dùng sang kinh doanh và chế biến. Điều đó mang đến những thách thức mới.
Ông Laborde của FAO cảnh báo: “Trong hàng hóa nông nghiệp, thông thường nếu tăng gấp đôi sản lượng, thì giá sẽ chia 3.”
Châu Phi trước đây từng là nước xuất khẩu cây trồng lớn; vào những năm 1960, khi các cường quốc thực dân châu Âu dần rút lui, lục địa này đã sản xuất ra phần lớn ca cao, cà phê và dầu cọ của thế giới.
Ghana và Bờ Biển Ngà vẫn thống trị sản lượng ca cao toàn cầu, nhưng điều đó không làm cho nền kinh tế của họ trở nên giàu có. Trước đợt tăng giá ca cao gần đây, trong nhiều thập kỷ, mặt hàng thô này đã được xuất khẩu với giá thấp một cách thảm hại. Tiền thật sẽ được kiếm ở đầu khác trong chuỗi cung ứng. Tổ chức Fairtrade Foundation, một tổ chức phi chính phủ, ước tính rằng nông dân trồng ca cao nhận được khoảng 6% giá trị cuối cùng của một thanh sô cô la.
Nguồn: Nhipcaudautu