Chi tiêu châu Á đạt 16 nghìn tỉ USD
Báo cáo mới nhất “Khám phá bức tranh tiêu dùng phức hợp tại châu Á” từ công ty tư vấn toàn cầu Roland Berger cho biết, chi tiêu tiêu dùng tại châu Á sẽ đạt mốc 16 nghìn tỉ USD vào năm 2024, chiếm 27% thị phần toàn cầu.
Mức tăng trưởng này được thúc đẩy bởi 7 nghìn tỉ USD tiêu dùng cá nhân trong thập kỷ qua, trong đó 60% đến từ Trung Quốc. Bên cạnh Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia và Việt Nam cũng có tiềm năng lớn nhờ tầng lớp trung lưu mở rộng.
Xu hướng tiêu dùng mới tập trung vào nhu cầu thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm, đồ uống và hàng gia dụng ở hầu hết các quốc gia, trừ Trung Quốc, khi người tiêu dùng ưa chuộng quần áo, giày dép và các hoạt động giải trí.
Ông Hugo Texier, Đối tác tại Roland Berger Đông Nam Á, cho biết hành vi tiêu dùng tại Đông Nam Á rất đa dạng. Các thương hiệu cần thực sự thấu hiểu khách hàng và từng nhóm nhân khẩu học cụ thể mà họ phục vụ tại mỗi thị trường nếu muốn khai thác hết tiềm năng tăng trưởng của khu vực. Việc thử nghiệm các sản phẩm mới và cung cấp giải pháp cá nhân hóa cao là yếu tố thiết yếu để thành công liên tục trong thị trường này.
Khi khu vực tiếp tục phát triển, một xu hướng rõ rệt hướng đến lối sống bền vững và lành mạnh đang hình thành. Trong hai năm tới, dự kiến khoản chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ trên thị trường sẽ giảm, người tiêu dùng sẽ tìm kiếm và hướng tới các sản phẩm phù hợp với giá trị của họ.
Báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò nổi bật của thương mại điện tử trong việc đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa và tiện lợi của người tiêu dùng. Ở các thị trường như Đông Nam Á, doanh nghiệp cần áp dụng chiến lược bán lẻ toàn diện, tích hợp thanh toán số và dịch vụ giao hàng tối ưu để cạnh tranh.
Đối với chất lượng sản phẩm, người mua sắm châu Á ưu tiên hàng đầu cho các mặt hàng xa xỉ và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Đồng thời, thương hiệu nội địa giữ một vị trí đặc biệt trong lòng người tiêu dùng, đặc biệt đối với các sản phẩm sản xuất trong nước và thân thiện với môi trường. Các thương hiệu Châu Á tiên tiến thường được xem là bảo chứng chất lượng, trong khi các thương hiệu Trung Quốc được đánh giá cao về giá cả phải chăng. Và các thương hiệu Hàn Quốc lại được coi là rất hợp xu hướng.
Trong tương lai, thị trường tiêu dùng châu Á mang đến cơ hội vô song cho các doanh nghiệp sẵn sàng thích ứng với những xu hướng thay đổi này. Các công ty cần chú trọng đến giá cả hợp lí, sự bền vững và chất lượng tốt, điều này sẽ mang lại cơ hội để phát triển trong bối cảnh năng động mới.
Nguồn: Nhipcaudautu