Chứng khoán toàn cầu rực lửa vì cổ phiếu Credit Suisse bị bán tháo, giá dầu bốc hơi 5%
Nỗi sợ hãi đã quay trở lại, phủ bóng lên thị trường tài chính toàn cầu trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (15/3), khi giá cổ phiếu Credit Suisse giảm chóng mặt vì thông tin rằng cổ đông lớn nhất tuyên bố không thể cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho ngân hàng Thuỵ Sỹ này. Nhà đầu tư lại bán tháo cổ phiếu và nhiều hàng hoá có độ rủi ro cao khác như dầu thô, trong khi tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ hút mạnh dòng tiền.
Trong phiên ngày thứ Ba, cổ phiếu ngân hàng tại thị trường Mỹ và châu Âu đã có dấu hiệu của sự ổn định trở lại, sau khi bị bán ồ ạt vào cuối tuần trước vào đầu tuần này do ảnh hưởng của vụ đổ vỡ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB). Ngày thứ Tư, câu chuyện về Credit Suisse một lần nữa khiến mối lo về hệ thống ngân hàng bị đẩy cao.
Cổ phiếu Credit Suisse, nhà băng hàng đầu Thuỵ Sỹ, giảm 24,2%, xuống dưới mức 2 Franc Thuỵ Sỹ (2,18 USD)/cổ phiếu. Quỹ đầu tư quốc gia của Saudi Arabia, cổ đông lớn nhất của Credit Suisse, nói rằng không thể nâng cổ phần quá 10% do các quy định luật pháp. Giá cổ phiếu Credit Suisse niêm yết tại Mỹ rớt xuống mức thấp kỷ lục.
Mối lo về bất ổn gia tăng trong hệ thống ngân hàng, không chỉ ở Mỹ mà ở cả châu Âu, cùng số liệu thống kê tiếp tục cho thấy lạm phát suy yếu ở Mỹ, đã củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tạm dừng tăng lãi suất hoặc tăng lãi suất với bước nhảy nhỏ trong cuộc họp vào tuần tới.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Tư cho thấy giá bán buôn tháng 2 yếu hơn dự báo, phản ánh tăng trưởng và lạm phát trong nền kinh tế cùng đang suy yếu. Trước đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố hôm thứ Ba cũng đưa ra những con số phù hợp với dự báo và cũng cho thấy sự giảm tốc của lạm phát.
Nhu cầu “hầm trú ẩn” tăng cao khiến giới đầu tư mua mạnh trái phiếu chính phủ, khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và các loại trái phiếu chính phủ trong khu vực Eurozone đồng loạt giảm sâu. Ngoài ra, kỳ vọng lãi suất yếu đi cũng là một nguyên nhân khiến lợi suất trái phiếu sụt mạnh phiên này.
“Câu hỏi đặt ra trong tâm trí mọi người lúc này là liệu chúng ta có đang nhích dần đến một cuộc khủng hoảng tài chính khác hay không. Đó là nhân tố chi phối thị trường vào thời điểm này”, Giám đốc đầu tư Brad McMillian của Commonwealth Financial Network nhận định với hãng tin Reuters.
Lúc đóng cửa tại thị trường Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm 280,83 điểm, tương đương giảm 0,87%, còn 31.874,57 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,7%, còn 3.891,93 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,05%, còn 11.434,05 điểm.
Phố Wall chứng kiến sự bán tháo trở lại của cổ phiếu ngân hàng trong phiên này. Loạt cổ phiếu ngân hàng lớn gồm JPMorgan Chase, Citigroup và Bank of America đều giảm mạnh, tương ứng mất hơn 4,7%; 5,4%; và 0,94%, kéo nhóm ngân hàng trong S&P 500 giảm 3,62%. Chỉ số KBW đo giá cổ phiếu của các ngân hàng khu vực giảm 1,57%.
Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 của thị trường khu vực chốt phiên với mức giảm 3%, chỉ một ngày sau phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu năm. Các thị trường chủ chốt đều chìm sâu trong sắc đỏ, như Đức giảm gần 3,3%; Anh giảm hơn 3,8%, và Pháp giảm gần 3,6%.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 0,6% phiên ngày thứ Tư sau khi giảm 1,7% trong phiên ngày thứ Ba. Chỉ số Nikkei của Nhật gần như đi ngang nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng hơn 3%. Nhưng nếu tính từ đầu tuần, cổ phiếu ngân hàng Nhật Bản đã giảm 8%.
Chỉ số MSCI All-World của chứng khoán thế giới giảm 1,34% trong phiên ngày thứ Tư.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tụt về mức 3,4623% từ mức đóng cửa của phiên trước là 3,636%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm còn 3,8916% từ mức đóng cửa của phiên trước là 4,225%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 2 năm giảm 51 điểm cơ bản, còn 2,419%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 1995.
“Giá cổ phiếu Credit Suisse đang giảm mạnh và giá trái phiếu chính phủ tăng mạnh chính vì lý do đó. Thị trường đang bị dẫn dắt bởi đánh giá về sức khoẻ của hệ thống ngân hàng, lần này là hệ thống ngân hàng ở châu Âu”, chiến lược gia Antoine Bouvet của ING nói với Reuters.
Dù vậy, nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn nghiêng về khả năng tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào ngày thứ Năm để chống lạm phát.
Về phần Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giới phân tích dự báo rằng bước nhảy lãi suất trong cuộc họp vào ngày 21-22/3 sẽ là 0,25 điểm phần trăm. Khả năng bước nhảy lãi suất này được áp dụng cũng ngang với khả năng Fed tạm dừng tăng lãi suất.
Theo Bộ Lao động Mỹ, PPI - một thước đo lạm phát - bất ngờ giảm 0,1% trong tháng 2, sau khi tăng 0,3% trong tháng 1. Trong kỳ 12 tháng, PPI tăng 4,6% trong tháng 2 sau khi tăng 5,7% trong tháng 1. Trước đó, giới phân tích dự báo PPI tăng 0,3% trong tháng và tăng 5,4% cả năm.
Còn theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ, doanh thu bán lẻ ở nước này trong tháng 2 giảm 0,4%, phù hợp với dự báo.
“Vấn đề chủ chốt trong cuộc họp tới của Fed là dù lạm phát chưa được giải quyết, Fed có những nhiệm vụ cấp bách hơn. Họ có thể chỉ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, nhưng tôi cũng sẽ không ngạc nhiên nếu họ tạm dừng việc tăng lãi suất”, ông McMillan nói.
Mối lo suy thoái kinh tế gia tăng khiến giá dầu giảm phiên thứ ba liên tiếp, trượt xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London mất 3,76 USD/thùng, tương đương giảm 4,9%, còn 73,69 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 3,72 USD/thùng, tương đương giảm 5,2%, còn 67,61 USD/thùng.
Nguồn: TBKTVN