Data Center tăng nhiệt

Xu hướng phát triển mạnh mẽ của những nền tảng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (A.I), dữ liệu lớn (Big Data), xây dựng đô thị thông minh, thương mại điện tử, fintech hay tham vọng biến TP.HCM trở thành trung tâm tài chính hàng đầu thế giới đang tạo cơ hội cho các khoản đầu tư vào lĩnh vực data center.

Keppel Corporation, chẳng hạn, mới đây tỏ ý định tham gia vào thị trường data center ở Việt Nam, bên cạnh mảng bất động sản, năng lượng. “Chúng tôi cũng xem xét các khả năng kinh doanh trung tâm dữ liệu, lĩnh vực mà Tập đoàn có thế mạnh”, ông Loh Chin Hua, Giám đốc Điều hành Keppel, nói. Tập đoàn này đã thực hiện nhiều thương vụ M&A vào các data center trên toàn cầu để thực hiện tham vọng dẫn đầu cuộc chơi công nghệ này.

Hiện thị trường data center trong nước đang khá phân mảnh. VNPT IDC đang là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường với hệ thống data center cung cấp dịch vụ tại nhiều tỉnh, thành, sở hữu 8 trung tâm dữ liệu trên toàn quốc. Đứng thứ 2 là Viettel IDC với 5 trung tâm dữ liệu, còn FPT Telecom đứng thứ 3. Các doanh nghiệp khác tham gia có CMC Telecom, KDDI Corporation, Hitachi Asia Vietnam, HP, SAP Vietnam, IBM Vietnam, Microsoft Vietnam and Amazon Web Services...

 

Hiện cả nước có khoảng hơn 30 trung tâm dữ liệu do hơn chục doanh nghiệp nội, ngoại, liên doanh đầu tư cung cấp dịch vụ. Trong đó, thị trường này chủ yếu do các công ty nước ngoài nắm giữ, chiếm khoảng 70-80% thị phần. Các công ty nội địa lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT và một số doanh nghiệp vừa và nhỏ khác chiếm thị phần còn lại. Ông Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng phòng Kỹ thuật Viettel IDC, cho biết Việt Nam mới chỉ chiếm chưa được 1% số lượng data center toàn cầu nên còn rất nhiều cơ hội và khả năng phát triển.

Xu thế phát triển của các dịch vụ đám mây và công nghệ IoT (internet vạn vật) dẫn đến sự tăng trưởng về lưu lượng dữ liệu và sức mạnh tính toán. Doanh nghiệp, tổ chức phải sở hữu hay thuê nhiều hơn các hệ thống data center cho mục đích lưu trữ, quản lý và xử lý lượng khổng lồ thông tin để cạnh tranh được trên môi trường kỹ thuật số. Vì vậy, Research And Markets đánh giá Việt Nam đang nằm trong số 10 thị trường mới nổi của thế giới. Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đã đạt 858 triệu USD vào năm 2020, được dự báo sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép trên 14,64% cho đến năm 2026.

 

Khả năng sinh lợi khi đầu tư vào data center cơ bản phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như mức độ sử dụng của không gian trong data center, chi phí vận hành, chi phí điện năng, chi phí bảo trì và nâng cấp. Nhìn chung, tỉ suất sinh lợi của loại hình này khá cao khi dao động từ khoảng 8-15%, thậm chí hơn 20% tùy thuộc vào quy mô, chất lượng dịch vụ và vị trí.

Nhìn chung, hạ tầng dữ liệu và số của Việt Nam còn manh mún, kém phát triển so với quy mô dân số của thị trường và nhu cầu sử dụng dịch vụ internet. Sự tham gia của ngày càng nhiều nhà đầu tư có thể giúp thị trường cạnh tranh sôi động hơn, mang đến các công nghệ lưu trữ và xử lỹ dữ liệu tân tiến hơn. Tính đến năm 2022, Việt Nam mới chiếm khoảng 4% tổng vốn đầu tư trung tâm dữ liệu ở khu vực Đông Nam Á.

Đối với các quỹ đầu tư, data center được xếp vào loại tài sản thay thế (alternative) được thèm muốn vì nó là một loại tài sản độc đáo, có tính biến động thấp. Sự kết hợp của loại hình tài sản này với chứng khoán hay bất động sản sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho danh mục đầu tư.

Một lĩnh vực khác ăn theo xu thế phát triển của data center là cho thuê vị trí (colocation). Đó là ngành cho thuê không gian đặt máy chủ, cơ sở dữ liệu và phần cứng máy tính cho các đơn vị cung ứng data center. Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để trở thành một thị trường data center lớn trong khu vực. Khu vực phía Nam TP.HCM được ưu tiên đặt cơ sở cho các trung tâm dữ liệu, nhờ vào việc đảm bảo nguồn điện và độ trễ dữ liệu. Tuy nhiên, giá đất tại TP.HCM cũng tăng lên trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm và nguồn cung cấp điện hiện tại vẫn còn hạn chế. Vì vậy, các tỉnh, thành lân cận như Bình Dương hoặc Đồng Nai nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư data center.

Nhưng mặt trái của xu thế phát triển data center lại nằm ở vấn đề tiêu tốn nhiều năng lượng. Theo Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, tính từ năm 2010 đến nay, công suất tiêu thụ điện của các trung tâm dữ liệu Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, băng thông sử dụng tăng 10-15 lần.

Phát triển các data center xanh theo đúng các cam kết phát triển bền vững tại Việt Nam cũng đang là bài toán lớn. Theo Tiến sĩ Jung-Kuei Chen, Phó Chủ tịch, Viện Thí nghiệm Viễn thông Chunghwa Telecom, để giải quyết phần nào gánh nặng về năng lượng cho các data center, cần khai thác hiệu quả nguồn “điện xanh” như điện gió, điện mặt trời hoặc các năng lượng tái tạo khác... Đây cũng là lợi thế của Việt Nam khi thị trường năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh với tiềm năng thiên nhiên lớn về các nguồn năng lượng tái tạo khác nhau phân bổ rộng khắp trên toàn quốc. 

Nguồn: TBKTVN