Doanh thu thị trường thương mại điện tử ngày càng tập trung vào số ít nhà bán hàng

Trong báo cáo “The Future of consumer & commerce in APAC” mới đây, TikTok ghi nhận khách hàng đang hạn chế thực hiện hành vi mua sắm bốc đồng. Người dùng không đổ xô mua hàng chỉ vì sản phẩm được giảm giá mà coi trọng giá trị thực sự cũng như đánh giá nhiều hơn về trải nghiệm mỗi lần mua hàng.

Cụ thể, về mức độ ảnh hưởng của mã giảm giá đến quyết định mua hàng, Việt Nam xếp thứ 4 trong 5 quốc gia được khảo sát tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Indonesia. Người Việt ưu tiên những sản phẩm nổi tiếng và nhận nhiều phản hồi tích cực từ những khách hàng trước đó.

Điều này có nghĩa các chương trình ưu đãi hay khuyến mại giảm giá có thể không còn nhiều sức hút với khách hàng nếu đó không phải những sản phẩm chất lượng. Và nếu sản phẩm thực sự chất lượng, nhưng không phổ biến và không thể chứng minh được giá trị, các sản phẩm vẫn không thể thuyết phục khách hàng xuống tiền.

SHOP CÓ ĐƠN HÀNG THÀNH CÔNG SỤT GIẢM

Trong Báo cáo toàn cảnh thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam 2023 và dự báo 2024, doanh thu của các sàn thương mại điện tử tăng đều qua các năm, từ khoảng 400 tỷ đồng của năm 2022 lên 500 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 20%. Cùng đó, số lượng các sản phẩm bán ra cũng tăng đến 34% từ năm 2022 đến 2023.

"Những shop không có lợi thế sản phẩm, xây dựng chiến lược phát triển bài bản buộc phải tự đào thải khỏi thị trường"

Mặc dù thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng, thế nhưng, cũng theo báo cáo, số lượng shop có đơn hàng thành công chứng kiến có sự sụt giảm giữa năm 2022 và 2023. Giữa năm 2021 và 2022, ghi nhận số lượng shop có đơn hàng thành công có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, con số này giảm nhẹ. Điều này có nghĩa doanh thu chung của thị trường tập trung vào ít nhà bán hàng hơn.

Bên cạnh đó, mặc dù số lượng các nhà bán hàng có đơn hàng thành công hạn chế hơn nhưng thị trường vẫn tăng trưởng đều đặn chứng tỏ có những nhà bán hàng đang cho thấy sức bật vượt trội hơn so với số đông chung.

Kinh doanh thương mại điện tử sẽ ngày càng cạnh tranh khốc liệt, sản phẩm giá rẻ chưa phải là yếu tố tiên quyết thu hút người mua, khách hàng sẽ ngày càng thông thái và chỉ những sản phẩm chất lượng mang lại giá trị thực sự mới có thể giúp những người bán hàng đứng vững trên thị trường để hưởng lợi doanh thu. Những shop không có lợi thế sản phẩm, xây dựng chiến lược phát triển bài bản buộc phải tự “đào thải” khỏi thị trường.

PHÉP THỬ CHO CÁC NHÀ BÁN HÀNG

Tháng 3 năm nay, Shopee đã cập nhật chính sách quản lý mới đối với các nhà bán hàng. Cụ thể, thời gian gửi yêu cầu hoàn hàng của người mua kéo dài từ 7 ngày lên đến 15 ngày. Thậm chí, khách hàng sẽ được hoàn hàng trả tiền với lý do không có nhu cầu.

Những yếu tố này giúp nâng cấp trải nghiệm mua sắm đồng thời mang lại nhiều quyền lực hơn cho khách hàng, song đây cũng là một trong những cơ sở để sàng lọc các nhà bán hàng. Khách hàng ngày càng nâng cao mức kỳ vọng khi mua sắm, họ không lựa chọn mà đánh giá đồng thời cả hai yếu tố là cả giá cả và chất lượng khi quyết định mua hàng.

Thậm chí, trong tương lai nhằm tăng khả năng cạnh tranh, các sàn thương mại điện tử có thể tiếp tục thực hiện những đợt điều chỉnh chính sách mới, mang lại nhiều quyền lợi hơn cho khách hàng song cũng có khả năng gây khó khăn hơn cho các nhà bán hàng. Những nhà bán hàng không có khả năng nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng sự thay đổi liên tục trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, sẽ buộc phải tự rút lui khỏi thị trường.

Bối cảnh kinh tế khó khăn khiến người dùng hạn chế nhu cầu mua sắm cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều tay chơi nước ngoài, thị trường thương mại điện tử Viêt Nam được dự đoán sẽ cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Theo báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2023 của Bộ Công Thương, tỷ lệ người dùng Internet mua sắm trực tuyến hàng tuần tại tại Việt Nam hiện đạt 60,7% và với tốc độ phát triển Interet như hiện nay con số này có khả năng sẽ còn tiếp tục tăng trưởng theo thời gian, nhưng việc có tận dụng được cơ hội này hay không còn tuỳ thuộc vào năng lực của các nhà bán hàng.

Nguồn: TBKTVN