Quay lại

Dự báo xuất khẩu nửa cuối năm tiếp tục sôi động

Hoạt động xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế trong nửa đầu năm 2024 khi mà nhu cầu tăng trở lại tại các thị trường lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 368,5 tỉ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 190 tỉ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ. 

Trong nửa cuối năm 2024, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng xuất khẩu mặc dù sẽ ghi nhận mức tăng so với cùng kỳ thấp hơn 6 tháng đầu năm do mức nền so sánh cao vào cuối năm ngoái, nhưng vẫn giữ được đà tăng tích cực dựa vào nhiều yếu tố hỗ trợ. 

 

Đầu tiên, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng tích cực, nhu cầu tiêu thụ tại các nước đối tác thương mại hồi phục mạnh mẽ. Cụ thể, các tổ chức quốc tế đều đang nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với các dự báo đưa ra trước đó. Hoạt động thương mại toàn cầu cũng được dự báo tăng 2,5-3% trong năm 2024. Bên cạnh đó, tăng trưởng tồn kho tại các quốc gia lớn tăng với tốc độ nhanh hơn cho thấy các doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị cho sự gia tăng nhu cầu trong tương lai, đặc biệt là để tích trữ hàng hóa phục vụ cho mùa cao điểm tiêu dùng cuối năm. 

Thứ 2, đơn hàng đang quay trở lại Việt Nam khi nhập khẩu trong nửa đầu năm tăng 17% so với cùng kỳ, trong đó nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm đến 94% cho thấy nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp gia tăng; chỉ số PMI trong tháng 6 tăng mạnh lên mức 54,7 điểm và khảo sát cũng cho biết sản lượng và số lượng đơn hàng mới tăng cao. 

 

Thứ 3, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam kỳ vọng sẽ mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến căng thẳng, đặc biệt là khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang cận kề. Bên cạnh đó, kỳ vọng Việt Nam sẽ được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, theo đó hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể cạnh tranh bình đẳng với các quốc gia khác khi không còn bị đánh thuế chống bán phá giá cao. 

Thứ 4, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng sẽ hưởng lợi từ triển vọng tích cực của ngành công nghiệp bán dẫn và linh kiện điện tử toàn cầu. Trong đó, các mặt hàng điện tử, điện thoại, linh kiện và máy móc chiếm đến 44% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. 

Tuy có nhiều trợ lực nhưng KBSV cho biết họ nhận thấy một số rủi ro có thể xảy ra gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu bao gồm rủi ro địa chính trị khiến giá dầu, giá cước vận tải, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng cao; các Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất chậm hơn dự kiến, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ tại các quốc gia lớn. 

Nguồn: Nhipcaudautu