GDP có thể đạt 6,47% nhưng khó khăn vẫn “bao phủ” nền kinh tế

Vượt qua những “bất định”, “phức tạp” và “khó lường” của tình hình thế giới, tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam vẫn cán mốc 8,02%, thuộc nhóm cao nhất trong khu vực.

Để đạt được thành tựu này, theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), là nhờ loạt chính sách đưa nền kinh tế trở lại bình thường và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp từng bước khôi phục hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Đó là tiếp tục thực hiện chính sách “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với xuất nhập cảnh. Các giải pháp nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cũng được thực hiện quyết liệt. Ngoài ra, các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn cung xăng dầu trong nước, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được thực hiện khẩn trương, hiệu quả nhằm giảm chi phí sử dụng xăng dầu cho doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt là việc cải cách thể chế kinh tế nhằm tạo không gian kinh tế lớn hơn, thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân. Nhiều nội dung mới, đột phá về chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, phát triển vùng... đã được ban hành. Công tác truyền thông chính sách cũng được lưu tâm, thực hiện hiệu quả hơn.

NHIỀU YẾU TỐ BẤT ĐỊNH
Tuy vậy, đánh giá về triển vọng kinh tế năm 2023, bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng, một loạt các động thái quan trọng của các nền kinh tế chủ chốt trong năm 2022 mở đường cho một loạt xu thế mới sẽ có ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài đến kinh tế thế giới.

“Rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng, xung đột Nga - Ukraine kéo dài và sự đứt gãy chuỗi cung ứng nhiều hàng hóa cơ bản, xu hướng liên minh đối đầu – trả đũa giữa các siêu cường gia tăng... sẽ là những nhân tố tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế năm tới”, bà Minh nhận định và cho hay những cụm từ “bất định”, “phức tạp” và “khó lường” tiếp tục là những từ khóa của nền kinh tế thế giới trong năm 2023.

Trong bối cảnh như vậy, theo người đứng đầu CIEM, với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố hơn so với các năm khác.

Đó là, thứ nhất, khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể virus corona và các dịch bệnh mới, qua đó tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế.

Thứ hai, mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt nhằm xử lý áp lực lạm phát.

Thứ ba, các nền kinh tế chủ chốt sẽ gia tăng cạnh tranh địa chính trị, xung đột Nga-Ukraine có thể kéo dài, nhưng giữa các nhóm nền kinh tế “cùng chí hướng” có thể sẽ gia tăng hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Thứ tư, tiến độ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ năm, nếu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam có thể tiếp tục cải cách và thúc đẩy các biện pháp tài khóa, tiền tệ giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Thứ sáu, tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại-công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD...

Với bối cảnh như vậy, thay mặt nhóm nghiên cứu Báo cáo triển vọng kinh tế năm 2023, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) đã đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2023.

GDP có thể đạt 6,47% nhưng khó khăn vẫn “bao phủ” nền kinh tế - Ảnh 1

Ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47%, xuất khẩu tăng 7,21% và thặng dư thương mại đạt 5,64 tỷ USD. Ở kịch bản này, lạm phát sẽ ở mức 4,08%.

Ở kịch bản 2, CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ tích cực hơn lên mức 6,83%, xuất khẩu tăng 8,43% và thặng dư thương mại đạt 8,15 tỷ USD. Tuy nhiên, lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 3,69%.

NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN TỒN TẠI CẦN ĐƯỢC NHẬN DIỆN
Dù đánh giá triển vọng tăng trưởng năm 2023 khá tích cực song các chuyên gia của CIEM cho rằng những tồn tại của nền kinh tế cần được nhận diện để có những giải pháp ứng phó thích hợp và kịp thời, kể cả việc phải chuyển hướng chính sách, một cách có trọng tâm, linh hoạt và thực dụng.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Anh Dương, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sẽ khó bền vững nếu chỉ dựa vào các giải pháp tài khóa và tiền tệ. Việt Nam không thể tách rời các cải cách kinh tế vi mô khỏi các nhiệm vụ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài.

“Dù đã có nhiều kinh nghiệm, Việt Nam không nên và không thể chỉ dựa vào nghệ thuật điều hành chính sách kinh tế vĩ mô để “ứng phó” với các bất định, rủi ro ở bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước”, ông Dương nhấn mạnh.

Về điều hành chính sách tiền tệ, dù Việt Nam đã thành công trong điều hành lãi suất năm 2022 nhưng theo PGS.TS Trần Thọ Đạt, chuyên gia kinh tế, “cái giá” của việc giữ ổn định tỷ giá là không đơn giản khi chúng ta phải tăng lãi suất điều hành 2 lần trong vòng 1 tháng với biên độ tăng 1%/lần.

Theo vị chuyên gia, mối quan hệ giữa lạm phát và lãi suất điều hành của Việt Nam khác hẳn so với các quốc gia khác trên thị trường. Trong khi các nước lạm phát cao hơn lãi suất điều hành thì Việt Nam ngược lại. “Câu hỏi đặt ra lúc này là Việt Nam có nên theo đuổi mục tiêu quá cứng nhắc như vậy hay không khi các nền kinh tế khác khá linh hoạt và doanh nghiệp trong nước phải trả chi phí vốn vay quá đắt so với các nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế Trần Thọ Đạt đặt câu hỏi.

Ngoài ra, nhìn vào số thu ngân sách năm 2022, trong bối cảnh lãi suất tăng cao, đơn hàng doanh nghiệp sụt giảm thì thu ngân sách vẫn tăng gần 30% so với dự toán. Vì vậy, chuyên gia này lưu ý liệu chúng ta đặt dự toán quá thấp hay thu quá nhiều trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.

Một vấn đề được vị chuyên gia kinh tế đặc biệt lưu tâm là sự suy giảm niềm tin của thị trường tài chính trong năm 2022. “Vì sao kinh tế thực tăng trưởng hơn 8%, tốt hơn nhiều quốc gia trong khu vực và cao nhất trong hơn 10 năm qua thì thị trường chứng khoán lại giảm điểm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đây là vấn đề cần được phân tích và lột tả để làm rõ bức tranh giữa nền kinh tế thực và thị trường tài chính”, ông Thọ Đạt nêu ý kiến.

Chia sẻ quan điểm với PGS.TS Trần Thọ Đạt, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, cho rằng có những tồn tại không xuất phát từ “cơn gió ngược” của nền kinh tế thế giới mà từ chính quá trình hoạt động của doanh nghiệp và động thái quản lý của cơ quan nhà nước.

Đặc biệt, đại diện Economica Vietnam lưu ý đến một chi tiết rằng Việt Nam đang “mấp mé” một chu kỳ suy thoái kinh tế mới, dù chưa ai khẳng định điều này song điều này đặt ra sự cần thiết về việc nhìn nhận hiện trạng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay so với 10 năm trước để có biện pháp phù hợp.

Trong bối cảnh phải đối mặt với vấn đề về tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm dần trong dài hạn, Việt Nam đang tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, các chuyên gia của CIEM cho rằng cần phải đẩy mạnh thương mại không giấy tờ xuyên biên giới ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Chính phủ Việt Nam đã triển khai những giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế số cũng như số hóa trong cung cấp dịch vụ công. Những nỗ lực thúc đẩy thương mại không giấy tờ cũng nổi lên, đáng chú ý nhất là Hiệp định khung Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại không giấy tờ xuyên biên giới ở Châu Á và Thái Bình Dương (CPTA) của Liên hợp quốc. Các quốc gia thành viên ASEAN cũng đã thúc đẩy phát triển Cơ chế một cửa ASEAN, và đang cân nhắc/nỗ lực hợp tác rộng hơn, chẳng hạn như trong CPTA.

Trên cơ sở này, đại diện CIEM đề xuất loạt vấn đề cần cân nhắc nhằm tăng cường mức độ sẵn sàng về kỹ thuật và pháp lý cho thương mại không giấy tờ xuyên biên giới, bao gồm: xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho thương mại không giấy tờ xuyên biên giới, xây dựng nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia, tăng cường kết nối, trao đổi dữ liệu liên quan tới thương mại xuyên biên giới với các nước trong khu vực, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan và hoàn thiện khung pháp lý trong hệ thống thanh toán ngân hàng, quản lý và thông quan hàng hóa...

Nguồn: TBKTVN


Không có dữ liệu.