Giá cà phê tăng mạnh nhưng nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu không được hưởng lợi

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết giá cà phê tăng liên tục là do cung không đủ cầu. Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cà phê vẫn thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng không được cải thiện.

 GIÁ CÀ PHÊ TĂNG MẠNH, VÌ ĐÂU?
Suốt thời gian 10 năm, từ 2012-2022, giá hạt cà phê trong nước chỉ dao động từ 35.000-40.000 đồng/kg, không vượt được qua ngưỡng 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, bước sang đầu năm 2023, giá cà phê tăng mạnh khi chạm mốc 43.000 đồng/kg vào ngày 31/1. Từ đó đến nay, giá cà phê liên tục “leo thang” và liên tiếp thiết lập các mức giá kỷ lục 50.000 đồng/kg vào 10/4 và mốc 60.000 đồng/kg vào ngày 25/5.

Theo hệ thống báo giá nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá cà phê trong nước ngày 8/6/2023 cao nhất là 62.800 đồng/kg tại Đắk Nông và Kon Tum; tại Gia Lai có mức giá 62.500 đồng/kg, và Ia Grai giao dịch quanh mức 62.500 đồng/kg; thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 62.100 đồng/kg.

Trên thị trường cà phê thế giới, ở cả 2 sàn cà phê lớn nhất đồng loạt tăng mạnh. Theo khảo sát giá cà phê sáng ngày 8/6, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tăng liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 60 USD, lên 2.674 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 53 USD, lên 2.636 USD/ tấn.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 2,80 cent, lên 185,40 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 2,15 cent, lên 181,70 cent/lb.

Việc cà phê Robusta tăng mạnh đã kéo theo cả cà phê Arabica tăng, trong bối cảnh nhu cầu tăng cao nhưng nguồn cung lại khan hiếm. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự kiến sản lượng cà phê năm nay của Indonesia sẽ giảm tới 20% so với vụ trước, xuống còn 8,4 triệu bao, do mưa quá nhiều trong giai đoạn ra hoa đã ngăn cản quá trình thụ phấn. Không chỉ Việt Nam và Indonesia, ngay cả cà phê Robusta của Brazil – ba nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới cũng đã bị ảnh hưởng tiêu cực từ hạn hán.

Theo các nhà phân tích trên thị trường thế giới, giá cà phê trên sàn London vẫn duy trì đà tăng còn do báo cáo tồn kho cà phê Robusta tính đến ngày 6/6 tiếp tục giảm thêm 1.970 tấn, tức giảm 2,41% so với một tuần trước đó, xuống ở mức 79.640 tấn.

Khối lượng thương mại tăng vọt cho thấy, dòng vốn đầu cơ ồ ạt chảy về chọn các sàn cà phê phái sinh có tính thanh khoản cao làm nơi trú ẩn tạm thời, khi USDX tiếp tục suy yếu trước suy doán Fed sẽ tạm ngừng nâng lãi suất tại phiên họp điều hành tiền tệ sắp tới.

Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ dự báo hiện tượng thời tiết El Nino vào cuối năm nay sẽ gây khô hạn cục bộ cho các nước sản xuất cà phê Robusta chính quanh vành đai Thái Bình Dương, nhu cầu của thị trường tiêu dùng toàn cầu về loại cà phê “giàu vị đắng, có giá rẻ” ngày càng tăng cao vì kinh tế khó khăn. Điều này bao gồm ảnh hưởng đến lượng mưa và nhiệt độ. Đối với các nhà sản xuất hạt cà phê robusta lớn nhất thế giới là Brazil và Việt Nam, tác động này có thể dẫn đến sản lượng giảm.

XUẤT KHẨU CÀ PHÊ TĂNG NHẸ
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 5/2023 đạt 165 nghìn tấn, trị giá 396 triệu USD, tăng 0,9% về lượng, nhưng giảm 0,7% về trị giá so với tháng 4/2023, so với tháng 5/2022 tăng 15,7% về lượng và tăng 21,8% về trị giá. 

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 882 nghìn tấn, trị giá 2,02 tỉ USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Trong tháng 5/2023, giá cà phê thế giới biến động tăng mạnh do nguồn cung robusta tại các nước sản xuất hàng đầu ở mức thấp.

Trong khi đó, giá cà phê xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.295 USD/tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, trong các tháng cuối năm, giá trị xuất khẩu sẽ còn cao hơn nữa khi các hợp đồng theo giá mới được giao.

Năm 2022 là một năm rất thành công đối với hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam, với lượng xuất khẩu 1,78 triệu tấn và kim ngạch đạt trên 4,06 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay. Với kết quả 5 tháng đầu năm 2023, có thể tự tin rằng kim ngạch cà phê năm 2023 sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới.

"Thực tế do thiếu vốn, nên không có mấy doanh nghiệp mua trữ cà phê lúc giá thấp. Trái lại thu mua cà phê vào lúc này, giá cà phê mua vào tăng gấp rưỡi so với năm ngoái, trong khi giá xuất khẩu chỉ tăng 2,4%, khiến lợi nhuận lại giảm đi".

Ông Thái Vĩnh Hiệp, Phó chủ tịch Vicofa.

Tuy nhiên, trái với sự mừng vui theo số liệu của các quan chức năng, thì cả nông dân và một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lại cho rằng họ không được hưởng lợi từ giá cà phê tăng. Tình hình thị trường cà phê biến động lớn như hiện nay, đặc biệt là chi phí tài chính quá cao, khiến các doanh nghiệp Việt không dám trữ hàng. Hiện cà phê trong dân và các đại lý gần như cạn kiệt. Phần lớn cà phê đang nằm ở trong kho các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, nên các doanh nghiệp này được hưởng lợi chính trong đợt tăng giá kỷ lục.

Ông Thái Vĩnh Hiệp, Phó Chủ tịch Vicofa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vĩnh, cho rằng giá cà phê tính theo đồng tiền Việt đúng là cao nhất từ trước đến nay, nhưng nếu nói giá cà phê 60.000 đồng/kg là cao cũng không đúng, vì 30 đến 40 năm trước đây giá cà phê cũng đã 40.000 - 50.000 đồng/kg. Nếu nhân tỷ số lạm phát của từng năm, cộng chi phí lao động, trượt giá đồng tiền, vật tư nông nghiệp đầu vào … thì giá cà phê 60.000 đồng/kg là không cao. Thực tế, lợi nhuận cũng chưa đủ làm hài lòng nông dân trồng cà phê.

Theo ông Hiệp, do suy thoái kinh tế người tiêu dùng thế giới giảm chi tiêu, để giảm giá thành sản phẩm các nhà rang xay quốc tế dùng Robusta thay thế một phần Arabica nên lượng tiêu thụ Robusta ngày càng tăng, trong đó thị trường Trung Quốc cũng góp phần cộng hưởng vào giá cả. Mặt khác, những năm gần đây chất lượng cà phê Robusta của Việt Nam đã tốt dần lên, được các nhà rang xay quốc tế tin dùng thay thế cà phê Arabica trong công thức chế biến của họ.

“Giá cà phê Robusta 60.000 đồng/kg vẫn rẻ hơn nhiều so với cà phê Arabica giá từ 200.000 – 400.000 đồng/kg, thậm chí có loại lên đến 500.000 đồng/kg. Trước đây, cà phê Robusta thay thế cà phê Arabia chỉ chiếm từ 10 - 15%, để giảm giá thành tỷ lệ này đã tăng lên từ 30 - 50%”, Phó chủ tịch Vicofa nói.

Theo lãnh đạo Vicofa, giá cà phê trong nước cao lúc này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê không được hưởng lợi. Năm nay do lãi suất ngân hàng cho vay cao, nên các doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu tới đâu thì mua hàng tới đó, chứ không mua hàng dự trữ như trước đây.

Vicofa cho biết do biến đổi khí hậu cộng với El Nino nên diễn biến thời tiết năm nay khá phức tạp, đã ảnh hưởng tới năng suất cây cà phê. Nhiều dự báo cho rằng vụ cà phê 2023-2024, sản lượng cà phê của Việt Nam có thể giảm 20%. Nếu đúng như dự báo này, thì giá cà phê trong nửa cuối năm sẽ càng tăng, nhưng do sản lượng giảm, nên khối lượng cà phê xuất khẩu có thể giảm, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ chỉ tăng nhẹ, chứ không thể tăng cao như kỳ vọng.

Nguồn: TBKTVN