Giải mã Temu: Startup 1 tuổi đang làm rung chuyển thị trường thương mại điện tử toàn cầu
Không quá lời nếu nói Temu đang quét qua thị trường thương mại điện tử toàn cầu như một cơn bão.
Ra mắt vào tháng 9/2022, Temu đã hiện diện tại 17 quốc tra trên thế giới. Đặc biệt, tính đến ngày 7/6/2023 tại Mỹ và hầu khắp các thị trường của mình, Temu đều đứng đầu trong danh mục ứng dụng mua sắm của Apple Store, vượt qua cả những ông lớn trong ngành như Amazon hay Walmart.
Temu đứng đầu trên App Store danh mục mua sắm tại nhiều quốc gia (số liệu tính đến 7/6/2023). Ảnh: data.ai. |
Chính sách giá rẻ “giật mình” của Temu
Temu là một ứng dụng mua sắm trực tuyến có trụ sở tại Boston, Massachusetts. Nhưng công ty mẹ của Temu là PDD Holdings, tập đoàn đã niêm yết trên sàn Nasdaq và đang sở hữu nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo vô cùng phổ biến tại Trung Quốc.
Giống như hầu hết các ứng dụng thương mại điện tử khác, Temu cung cấp hàng loạt sản phẩm từ hơn 250 danh mục khác nhau, gồm quần áo, phụ kiện, đồ gia dụng, đồ nội thất...
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất là mức giá sản phẩm Temu đưa ra vô cùng thấp nếu so với tiêu chuẩn của người Mỹ. Bằng cách bán trực tiếp hàng hóa từ nhà sản xuất Trung Quốc tới tay khách hàng toàn cầu, Temu cắt giảm các khâu trung gian để chiết khấu tối đa. Một bộ đồ bơi nữ được bán trên Temu chỉ có giá 6,5 USD, một cặp tai nghe không dây giá 8,5 USD. Thậm chí, không ít mặt hàng trên Temu có giá chưa tới 1 USD như kính râm, rao cạo lông mày, dây buộc tóc…
Yếu tố cốt lõi trong mô hình Temu là thay vì mua hàng hóa của một thương hiệu lớn trên thị trường, ví dụ bàn chải đánh răng điện tử Phillips, giờ đây, người tiêu dùng có thể mua bàn chải đánh răng điện tử trực tiếp từ nhà sản xuất đã sản xuất bàn chải đánh răng của Phillip, nhưng với chi phí thấp hơn nhiều .
Michael Felice, chuyên gia đến từ công ty tư vấn quản lý Kearney, cho biết: “Temu có thể đang để lộ sự thật trên thị trường, rằng các thương hiệu lớn đã sản xuất với chi phí cực thấp, nhưng lại có quá nhiều chi phí khác được thêm vào xuyên suốt chuỗi giá trị của họ để thu về nhiều lợi nhuận”.
Một số đối thủ cạnh tranh của Temu có thể kể đến như Amazon, Etsy, eBay, Wish, Ali Express và trong lĩnh vực thời trang là Shein.
“Trong bối cảnh môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức hiện tại và sự hậu thuẫn của công ty mẹ PDD Holdings (Pinduoduo), Temu sở hữu vị thế tốt để tiếp tục chiến lược tăng trưởng tại thị trường Mỹ”, ông Abe Yousef, nhà phân tích cấp cao tại Sensor Tower khẳng định.
Trong khi đó, Humphrey Ho đến từ công ty quảng cáo Hylink Digital nhìn nhận: “Mua sắm ở đâu cũng là mua sắm. Mọi thứ đều từ Trung Quốc. Chỉ khác là bây giờ hàng hóa được chuyển thằng từ nhà sản xuất Trung Quốc sang Mỹ”.
Nhiều chuyên gia đồng ý rằng, Temu là một ví dụ thú vị về cách cơ sở sản xuất ở Trung Quốc đã trở nên lớn mạnh đến mức không cần đến các kênh, các nhà phân phối để đưa sản phẩm tới tay khách hàng, những người đang bị suy giảm về kinh tế và luôn tìm kiếm một món hời khi mua sắm. Điều này cũng đặt áp lực lên các nhà sản xuất hàng hóa nói chung, phải làm sao để tiết giảm chi phí và cơ cấu lại lợi nhuận một cách hợp lý hơn nữa.
Vung tiền cho marketing, khuyến mại và miễn phí vận chuyển
Không chỉ đưa ra sản phẩm ở mức giá hấp dẫn, nền tảng thương mại điện tử Temu còn sẵn sàng chi trả mạnh tay cho những chiến dịch quảng cáo. Đầu tháng 3/2023, Temu xuất hiện trên Super Bowl, một trong những chương trình nổi tiếng đông người xem tại Mỹ với nội dung nói về việc người dùng có thể “mua sắm như tỷ phú” thế nào trên nền tảng này.
Theo Statista, việc Temu quảng cáo tại Super Bowl 2023 với độ dài 30 giây có thể tiêu tốn trung bình khoảng 7 triệu USD.
Một cảnh trong video quảng cáo của Temu tại Super Bowl. |
Chưa dừng lại ở đó, để thu hút người dùng, Temu sẵn sàng triển khai các chương trình khuyến mãi sâu với mức giảm giá lên tới 90%; tặng tiền, tặng quà miễn phí nếu khách hàng giới thiệu thêm được người dùng mới.
Ashlee Nordquist, một phụ nữ Mỹ sống ở North Dakota cho biết sau khi mời vô số người quen sử dụng Temu, cuối cùng chị cũng nhận được những phần quà mà Temu cam kết bao gồm một bộ nồi lẩu nướng cỡ to và nhỏ, một chiếc máy bay không người lái (Drone) có gắn máy ảnh, một bộ hộp đựng đồ và một máy thái thịt. Gần nhất vào tháng 2/2023, việc tiếp tục mời mọi người dùng Temu đã giúp Ashlee mang về thêm một chiếc đàn guitar.
Điểm đặc biệt là hầu hết các sản phẩm khách hàng mua trên Temu đều được miễn phí vận chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ. Temu nói rằng hàng hóa sẽ mất khoảng 7 đến 15 ngày để đến tay khách hàng, nhưng thực tế thường sớm hơn dự định.
Sau tất cả, nhiều người đã đặt câu hỏi: Liệu Temu có đủ tiền để tiếp tục các chiến dịch thu hút khách hàng đầy tốn kém? Câu trả lời là có, bởi sự hẫu thuẫn từ công ty mẹ đầy tiềm lực. Số liệu cho thấy PDD Holdings đang kinh doanh có lãi với nền tảng Pinduoduo tại Trung Quốc. Trong năm tài chính 2022, PDD Holdings đã tạo ra dòng tiền trị giá 7 tỷ USD. Còn vào quý I/2023, khi Temu đang hoạt động hết công suất với các chiến dịch truyền thông của mình, PDD Holdings vẫn tạo ra thu nhập ròng 1,2 tỷ USD.
Trong năm 2023, PDD dự kiến tiếp tục dành ra 1 tỷ USD cho các chiến dịch truyền thông, tiếp thị của Temu.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn một số ý kiến trái chiều liên quan đến mô hình hoạt động của nền tảng thương mại điện tử này. Michael Felice, luật sư tại công ty tư vấn Kearney cho biết: “Nhiều người Mỹ không thích sản phẩm giá rẻ của Temu vì họ vẫn quan niệm rằng ‘của rẻ là của ôi’”.
Trong khi đó, không ít người bày tỏ nghi ngờ về khả năng Temu có thể duy trì mức giá thấp, chính sách giao hàng miễn phí và các ưu đãi khác trong thời gian dài. “Có vẻ như Temu đang sẵn sàng chịu lỗ để giành lấy thị phần, điều mà Amazon cũng từng áp dụng trong một thời gian rất dài”, Douglas Schmidt, giáo sư tại Đại học Vanderbilt khẳng định.
Nguồn: Báo đầu tư