Hai yếu tố cản trở đầu tư công

Tại chuỗi sự kiện hội thảo “Tìm ổn định trong bất định” được tổ chức bởi Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cấp cao  Đại Học Fulbright Việt Nam đã có những chia sẻ về kinh tế Việt Nam dưới tác động của biến động toàn cầu và thách thức nội địa. 

Theo đó, trong bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn đang theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao là 6,5%, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là trợ lực kéo tăng trưởng. 5 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm đạt hơn 20% kế hoạch, thấp hơn mức 22% của cùng kỳ năm trước. 

Buổi hội thảo của Mirae Asset tổ chức cuối tuần vừa qua. Ảnh: KD.

Hội thảo “Tìm ổn định trong bất định". Ảnh: KD.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, lý do mà nhiều người thường hay nói đến đó là vì sợ, vì không ai dám ký, không ai dám giải ngân, nhưng đấy cũng không phải tất cả câu chuyện. 

“Một câu chuyện năm ngoái mà năm nay đã khắc phục đó là năm ngoái hậu COVID-19 thì mới quyết định chi nhiều. Nhưng năm ngoái là chuẩn bị dự án không kịp, một phần là những dự án chuẩn bị thì cũng không dám chi, nhưng rất nhiều dự án chuẩn bị chưa xong, nên chưa thể tăng nguồn vốn được. Thế cuối cùng là quyết chi nhiều, mục tiêu bội chi 4% ngân sách năm 2022 thì lại thặng dư đến 2,5%”, ông Thành nói.  

Ngược lại, chúng ta sẽ thấy năm nay quyết định chi đến hơn 2 triệu tỉ đồng, và đầu tư công được đẩy mạnh để làm sao có được mức bội chi cao hơn dự toán của năm ngoái là 4,4%. 

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, năm 2023 sẽ là năm chi rất mạnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, 2023 sẽ là năm chi rất mạnh.

“Ở đây, sẽ có 2 quan điểm. Có quan điểm tiếp tục bi quan là có khi cũng giống như năm ngoái, năm ngoái cũng bội chi 4%, cuối cùng thành ra thặng dư 2,5%, có khi năm nay lại tiếp tục như thế”, ông Thành nói. 

Ông Thành chia sẻ, trong 2 yếu tố cản trở đầu tư công là khâu chuẩn bị dự án và sợ rủi ro thì điều khác biệt của năm nay đó là khắc phục câu chuyện chuẩn bị dự án. Đến thời điểm này, phần lớn các dự án đã được phân bổ vốn, gần 100% trong hơn 700.000 tỉ đồng đã được phân bổ đến các dự án. “Quan điểm của tôi thì theo hướng lạc quan. Tôi đánh giá năm nay cũng sẽ là một năm chi rất mạnh và tốc độ tăng nó sẽ tăng dần”, ông Thành nói. 

Mặc dù 5 tháng đầu năm chỉ đạt 20%, thấp hơn so với năm ngoái nhưng theo đánh giá của ông Thành, khả năng sẽ phải chi rất lớn, đặc biệt cho các dự án giao thông, cơ sở hạ tầng và chi lớn nhất là cho giao thông. 

“Về mặt tiền tệ còn có rủi ro là bị đảo chiều, còn về mặt chính sách tài khóa là một quyết tâm và sẽ có tác động trong trung và dài hạn chứ không chỉ là trong ngắn hạn”, ông Thành nói thêm. 

Nguồn: Nhipcaudautu