Hàng hóa chuyển qua Shopee, Lazada, Tiki, TikTok… hàng tỷ USD mỗi tháng, có nên miễn thuế GTGT?

Hàng ngày trung bình có khoảng 45-63 triệu USD, một tháng khoảng 1,3 -1,9 tỷ USD giá trị hàng hoá được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok,…, trong khi Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi (Dự thảo) quy định miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ.

Chiều 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi, trước khi bế mạc phiên họp thứ 32.

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, song còn băn khoăn về một số quy định mới.

Chẳng hạn, Điểm b khoản 26 Điều 5 dự thảo Luật bổ sung quy định quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nói, trên thực tế, việc miễn thuế nhập khẩu đối với quà biếu, quà tặng đang được quy định tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Việc miễn thuế GTGT gắn với miễn thuế nhập khẩu theo quy định pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện còn đang được điều chỉnh bởi Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg đang cho phép hàng hoá nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu đồng thời với việc miễn thuế GTGT ở khâu nhập khẩu.

Việc miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dựa trên thực tế là số thuế thu được không đáng kể so với chi phí quản lý thu của cơ quan hải quan và chi phí tuân thủ của người nộp thuế.

Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, trước đây, số lượng hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu không quá nhiều nên tác động tổng thể tới số thu là không đáng kể. Hiện nay, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, xu hướng chung của nhiều quốc gia cho thấy lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua.

Báo cáo thẩm tra dẫn số liệu của Tổng công ty cổ phần bưu chính viễn thông cho biết, tại thời điểm tháng 3/2023, có trung bình khoảng 4-5 triệu đơn hàng/ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, với giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ từ 100-300 ngàn đồng; hàng ngày trung bình có khoảng 45-63 triệu USD, một tháng khoảng 1,3 -1,9 tỷ USD giá trị hàng hoá được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok,…

“Hiện nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tham khảo xu thế chung để cân nhắc bỏ quy định này, tạo điều kiện mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay. Đồng thời, đề nghị Chính phủ giải trình về cơ sở pháp lý của Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg đối với nội dung nêu trên”, ông Mạnh nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra.

Một điểm đáng chú ý khác ở lần sửa đổi này là Khoản 25 Điều 5 Dự thảo Luật sửa đổi quy định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (theo quy định của Luật hiện hành) thành “dưới mức do Chính phủ quy định”.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT là cần thiết để phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và cần được quy định cụ thể trong Luật để xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng .

Do đó, đề nghị Chính phủ tính toán, cân nhắc các yếu tố liên quan trên bình diện chung của các chính sách hiện hành (như mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, chuẩn nghèo đa chiều mới, GDP/đầu người tại thời điểm hiện nay đã tăng hơn 2 lần so với thời điểm năm 2013 khi mức ngưỡng doanh thu 100 triệu đồng được xây dựng,…) để quy định cụ thể mức ngưỡng này trong dự thảo Luật.

Quan điểm này nhận được sự đồng tình của Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường.

Với định hướng tăng mức thuế suất phổ thông 10%, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh nêu rõ, mức thuế suất phổ thông 10% tại Việt Nam hiện nay là thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Cụ thể, thuế suất trung bình trong khu vực châu Á là 12%, khu vực Mỹ La tinh là 14%, châu Phi 16%, khối OECD 19%, EU 22%, thuế suất trung bình toàn cầu hiện nay là 15%.

“So sánh này cho thấy Việt Nam có dư địa để tăng thuế suất thuế GTGT trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh cần mở rộng cơ sở thu. Một số nước, trong đó có các nước trong khu vực ASEAN, đã và đang tăng thuế suất GTGT như một giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu ngân sách từ sau đại dịch. Indonesia đã tăng thuế suất từ 10% lên 11% vào tháng 4/2022. Singapore đã tăng thuế suất theo lộ trình 2 năm, từ 7% lên 8% vào 1/2023 và 9% vào 1/2024”, ông Mạnh phân tích.

Vẫn theo Thường trực cơ quan thẩm tra, chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 cũng đã xác định định hướng “nghiên cứu tăng thuế suất thuế GTGT theo lộ trình”. Đây là định hướng phù hợp với xu thế chung của các nước trong khu vực và thế giới và nhu cầu ngân sách nhà nước hiện nay.

Vì vậy, Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá tác động đối với một số phương án tăng thuế suất theo lộ trình để có thể cân nhắc khả năng quy định lộ trình tăng thuế suất trong dự án Luật một cách phù hợp, sau khi nền kinh tế đã được phục hồi, có thể vào cuối giai đoạn 5 năm 2026-2030.

Nhìn tổng thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét, Dự thảo đã tập trung tháo gỡ được nhiều mâu thuẫn với các luật có liên quan nhưng vẫn cần tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất.

Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo tiếp tục được hoàn thiện, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 tới. 

Nguồn: Báo Đầu tư