Hội nghị “Giao dịch ngoại thương hiện thời: Sự đổi hướng trong chiến lược kinh doanh và quản lý tranh chấp”

Chiều 04/7/2024, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội nghị “Giao dịch ngoại thương hiện thời: Sự đổi hướng trong chiến lược kinh doanh và quản lý tranh chấp”. Hội nghị thu hút sự tham gia của gần 121 đại biểu là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cùng nhiều đại diện từ các hiệp hội, hội doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Hồ Thị Quyên, phó Giám đốc ITPC nhận định Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, điều này tạo cho doanh nghiệp nhiều cơ hội mới trong mở rộng thị trường và kết nối đối tác. Đứng trước xu hướng phát triển chung của toàn cầu Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách để chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Quá trình chuyển đổi này cũng cần gắn liền với sự tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật, tuân thủ tiêu chuẩn được đặt ra từ các thị trường mà doanh nghiệp tiến hành xuất khẩu. 

Đại diện VIAC, LS Châu Việt Bắc, phó Tổng Thư ký VIAC cũng đưa ra đánh giá chung liên quan đến tình hình doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng xuất nhập khẩu thời gian qua. 

Mở đầu phiên Hội nghị, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ tham luận “Yêu cầu về chuyển đổi xanh và vấn đề đặt ra với hoạt động xuất nhập khẩu”. Theo TS Võ Trí Thành, khi sự nhận thức về phát triển bắt đầu thay đổi một cách rõ rệt hơn, các quốc gia và bản thân các cá nhân trong xã hội không chỉ quan tâm đến tăng trưởng kinh tế nói riêng mà còn để tâm nhiều hơn đến sự phát triển bền vững nói chung.

Nối tiếp TS. Võ Trí Thành, ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Chi nhánh khu vực TP.HCM cũng có nhiều trao đổi liên quan đến việc tận dụng các cam kết, hiệp định liên quan đến xuất nhập khẩu nhằm thuận lợi hóa giao dịch giữa doanh nghiệp Việt với đối tác quốc tế. 

Dưới góc độ pháp lý, LS. Bùi Văn Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới đã trình bày “Giải pháp hợp đồng cho một số thị trường xuất nhập khẩu trọng điểm và phương thức hạn chế sự chi phối của đối tác trong giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài”. 

Sau đó, ông Vũ Quang Huy, Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Tổng Giám đốc Công tycổ phần Tekom chia sẻ về thực tiễn bức tranh xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp mỹ nghệ và chế biến gỗ cũng như ngay chính tại doanh nghiệp mà ông Huy điều hành. 

Cũng từ góc nhìn doanh nghiệp, bà Tôn Nữ Xuân Quyên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần BluSaigon cũng đã có những trình bày hữu ích thông qua thực tiễn vận hành của doanh nghiệp. Cụ thể, bà Quyên cho rằng, bản thân doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, lên phương án thích nghi với các yêu cầu mới, đặc biệt là yêu cầu về tăng trưởng bền vững.

Sau phần chia sẻ của các chuyên gia, phiên thảo luận tập trung giải đáp, trao đổi sôi nổi, tích cực của các chuyên gia và khách mời tham dự.

Nguồn: Phòng Thông tin ITPC.