Hội nghị Sơ kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2023 - 2024

Sáng ngày 29/11/2024, tại Thành phố Cần Thơ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) phối hợp UBND các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị sơ kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2023 - 2024. 

Tham dự hội nghị có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; đồng chí Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành ĐBSCL; lãnh đạo các sở ngành, cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL và đông đảo doanh nghiệp.

Theo báo cáo được trình bày tại hội nghị, hợp tác kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL giai đoạn năm 2023-2024 đạt nhiều kết quả tích cực. 

Với chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã tổ chức các sự kiện hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc sản của các địa phương đến người dân Thành phố và khách du lịch, kết hợp giới thiệu các hoạt động văn hóa đặc trưng, được công nhận là di sản văn hóa của các vùng miền.

ITPC đã tổ chức thành công Lễ hội tinh hoa làng nghề và đặc sản Việt Nam năm 2023 thu hút 20 địa phương cùng hơn 200 đơn vị. Trong đó các tỉnh ĐBSCL tham dự chương trình bao gồm các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà vinh, An Giang, Tiền Giang. Chương trình là một trong những sự kiện hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc sản của các địa phương đến người dân Thành phố và khách du lịch, kết hợp giới thiệu các hoạt động văn hóa đặc trưng, được công nhận là di sản văn hóa của các vùng miền.

Với chương trình kết nối doanh nghiệp sản xuất - đầu tư TP.HCM với các địa phương, ITPC đã phối hợp khảo sát nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp Thành phố tại các địa phương; Tổ chức đoàn doanh nghiệp Thành phố khảo sát nhu cầu đầu tư và  kết nối xúc tiến thương mại, đầu tư tại các địa phương; Hợp tác, liên kết giới thiệu tiềm năng, lợi thế và cơ hội đầu tư của từng địa phương; Thường xuyên cập nhật và cung cấp các dự án đầu tư tiêu biểu của TP.HCM và các địa phương để giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi có yêu cầu.

Ở lĩnh vực hạ tầng giao thông, TPHCM đã cùng các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tổ chức tọa đàm về kết nối giao thông liên vùng; triển khai tuyến vận tải hành khách theo tuyến cố định bằng đường thủy từ huyện Cần Giờ (TPHCM) đi huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) và ngược lại. Sở GTVT TPHCM cũng đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nạo vét luồng, xây dựng kè bảo vệ bờ sông Chợ Đệm - Bến Lức (đoạn từ km 18+150 đến km 22+950). Ngoài ra, Sở GTVT TPHCM cũng phối hợp tham mưu điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM.

Để hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2024-2025 của TPHCM với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đạt hiệu quả hơn, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết, TP Cần Thơ sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm (như quốc lộ 91; quốc lộ 61C; đường cao tốc TPHCM - Cần Thơ; đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…). Qua đó rút ngắn thời gian di chuyển đến các tỉnh, thành phố lân cận, giảm chi phí logistics. Đồng thời, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về môi trường đầu tư - kinh doanh. Đối với giao thông liên vùng, các địa phương và đơn vị liên quan phải phối hợp tốt trong thực hiện các thủ tục, sớm thực hiện dự án nâng cấp mở rộng đường cao tốc TPHCM - Trung Lương; dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ; dự án đường ven biển kết nối TPHCM - vùng ĐBSCL.

Dù các chương trình hợp tác đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, song theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, những kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Một số nội dung, lĩnh vực mới chỉ dừng lại ở bước khởi động, nghiên cứu hoặc đề xuất.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thời gian tới, TPHCM sẽ hợp tác, hỗ trợ các tỉnh, thành phố ĐBSCL về chuyển đổi số, giúp nghiên cứu giống thích ứng với biến đổi khí hậu. TPHCM sẽ nghiên cứu chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư về chế biến ứng dụng công nghệ cao ở ĐBSCL. Đồng thời tăng cường sự kết nối cung cầu, tạo không gian ĐBSCL tại TPHCM. Từ nay đến cuối năm 2025, các địa phương tăng cường phối hợp Bộ GTVT đề xuất Chính phủ dành nguồn lực tương xứng để đầu tư các tuyến đường vành đai, đường cao tốc, đường sắt, cảng biển, mở rộng quốc lộ, các dự án giao thông trọng điểm kết nối với các vùng…

Lãnh đạo nhiều địa phương vùng ĐBSCL bày tỏ mong muốn được hợp tác với TP.HCM trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cộng đồng doanh nghiệp TPHCM và ĐBSCL cũng đã đề đạt nhiều ý kiến mong muốn tăng cường giao thương hàng hóa; riêng doanh nghiệp tỉnh Bến Tre đề xuất được hợp tác với các doanh nghiệp TPHCM đầu tư vào công nghệ chế biến dừa, thân thiện với môi trường.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến, sự chủ động của TPHCM và ĐBSCL trong ký thỏa thuận hợp tác; đồng thời cho rằng, kết quả hợp tác của TPHCM và ĐBSCL là hình mẫu tốt trong phối hợp thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, Bộ KH-ĐT sẽ xem xét, nhân rộng trên cả nước. Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, TPHCM phải đóng vai trò hạt nhân dẫn dắt ĐBSCL; phát huy hơn nữa vai trò của TPHCM là trung tâm tài chính và sáng tạo. Bộ KH-ĐT cam kết đồng hành cùng TPHCM và ĐBSCL, sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng cho ĐBSCL.

Nguồn: Phòng Thông tin.