Hơn 2,31 triệu tỉ đồng được đăng ký bổ sung vào nền kinh tế

Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2024 đã có 121.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,42% so với cùng kỳ năm 2023; với số vốn đăng ký hơn 1,15 triệu tỉ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2023; số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là gần 735.100 lao động, giảm 3,37% so với cùng kỳ năm 2023.

 

Riêng tháng 9/2024, có 11.216 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 92.818 tỉ đồng, giảm 5,03% về số doanh nghiệp và giảm 5,81% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 2,31 triệu tỉ đồng (giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2023). Quy mô vốn đăng ký bình quân/một doanh nghiệp đạt 9,5 tỉ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2023 và thấp hơn mức bình quân của giai đoạn 9 tháng đầu năm trong 5 năm 2019-2023 (12 tỉ đồng).

Doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 - 10 tỉ đồng) với 112.888 doanh nghiệp (chiếm 92,6%, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023), chủ yếu thuộc nhóm ngành dịch vụ với 92.427 doanh nghiệp, chiếm 75,8% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,36% so với năm ngoái. 

Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có 28.267 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 23,2% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 1.204 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 5,64% so với cùng kỳ năm trước.

 

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Yagi, kinh tế quý III và 9 tháng đầu năm tăng vượt dự báo với nhiều điểm sáng nổi bật: kim ngạch xuất nhập khẩu duy trì tăng trưởng hai chữ số, thặng dư thương mại lớn, sản xuất công nghiệp tích cực, tình hình sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp cải thiện, dòng vốn FDI giải ngân cao nhất 5 năm trở lại đây, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vượt cả năm 2023, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo và lạm phát, tỷ giá được kiểm soát. Agriseco Research dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt trên 7% và vượt kế hoạch đề ra của Chính phủ. 

Số liệu tăng trưởng kinh tế tiếp tục xu hướng tăng tích cực tạo cơ sở cho sự phục hồi kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết. Tỉ giá đã được kiểm soát và hạ nhiệt giúp Chính phủ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Môi trường lãi suất duy trì ở mức thấp so với bình quân năm 2023 sẽ giúp giảm chi phí tài chính của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tín dụng đang được đẩy mạnh và định hướng tăng trưởng với 15% (cao hơn mức 14% của năm 2023) sẽ tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp gia tăng quy mô, doanh thu hoạt động.

Tuy nhiên, Agriseco Rresearch cũng cho rằng các yếu tố khó khăn, rủi ro cần lưu ý như xung đột chính trị thế giới gay gắt làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương, tổng cầu phục hồi chậm, rủi ro suy thoái ở một số nền kinh tế lớn. Những yếu tố này làm giảm kỳ vọng của nhà đầu tư về sức bật của nền kinh tế và thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2024. 

Nguồn: Nhipcaudautu