Quay lại

Intel và Boeing: Nguy cơ sụp đổ của hai biểu tượng sản xuất Mỹ

Cách đây một thế hệ, Intel và Boeing là hai cái tên tiêu biểu trong danh sách các nhà sản xuất hàng đầu nước Mỹ. Tuy nhiên, cả hai hiện đang gặp phải những khó khăn lớn. Intel đã phải tạm ngừng chia cổ tức, cắt giảm nhân sự và chi tiêu vốn, đồng thời đang là mục tiêu bị thâu tóm. Trong khi đó, Boeing bị cuốn vào các cuộc điều tra liên quan đến những vụ tai nạn hàng không, sự cố kỹ thuật, đình trệ sản xuất và thậm chí là đình công. Việc chia tách hay thậm chí phá sản của hai "gã khổng lồ" này không còn là điều quá xa vời.

Trong 5 năm qua, giá trị thị trường của Intel và Boeing đã giảm một nửa. Điều này không chỉ là thử thách đối với cổ đông, mà còn có thể trở thành thảm họa cho quốc gia, khi Mỹ đang trong cuộc cạnh tranh địa chính trị gay gắt với Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh này không chỉ dựa trên sức mạnh quân sự mà còn là ưu thế về kinh tế và công nghệ. Lãnh đạo của cả hai đảng tại Mỹ đều nhận thức rõ vấn đề này và đã đưa ra các biện pháp như áp thuế và trợ cấp để đối phó.

Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi mà Intel và Boeing đang gặp phải: Mỹ có thể thiết kế những sản phẩm sáng tạo nhất thế giới, nhưng lại đang dần đánh mất khả năng sản xuất chúng. Vào cuối năm 1999, 4 trong số 10 công ty có giá trị nhất nước Mỹ là các nhà sản xuất, nhưng hiện nay, không có công ty sản xuất nào nằm trong danh sách này. Ngôi sao duy nhất đang nổi lên là Tesla, hiện xếp thứ 11.

Intel và Boeing từng được coi là chuẩn mực cho sự xuất sắc trong sản xuất các sản phẩm đột phá, chất lượng cao. Nhưng hiện tại, cả hai đang tụt lại phía sau, không phải vì sự cạnh tranh giá rẻ từ nước ngoài, mà chính vì những sai lầm nội bộ. Văn hóa doanh nghiệp của họ đã dần chuyển trọng tâm từ kỹ thuật sang hiệu quả tài chính, điều từng khiến một biểu tượng sản xuất khác General Electric sụp đổ.

Intel từng bỏ qua cơ hội sản xuất chip cho chiếc iPhone đầu tiên của Apple, cho rằng lợi nhuận sẽ không đủ lớn. Công ty cũng chậm trễ trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất các vi mạch nhỏ nhất và bỏ lỡ cơ hội trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Boeing, trong khi đó, đã chọn cách nâng cấp động cơ cho dòng máy bay 737 bằng phần mềm thay vì thiết kế lại hoàn toàn, dẫn đến hai vụ tai nạn chết người. Việc thuê ngoài chuỗi cung ứng và sa thải các thợ máy có kinh nghiệm trong đại dịch cũng đã gây ra các vấn đề về chất lượng và chậm trễ sản xuất.

Vì những vấn đề này do chính công ty tạo ra đã khiến các nhà đầu tư tỏ ra thờ ơ trước số phận của hai nhà sản xuất. Giá trị hiện tại của Intel dưới 100 tỉ USD, trong khi Microsoft, Apple và Nvidia có tổng giá trị lên tới 10 nghìn tỉ USD.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những sản phẩm của các “gã khổng lồ” công nghệ như Microsoft, Apple sẽ trở nên vô dụng nếu không có các chip tiên tiến, vốn chủ yếu được sản xuất bởi TSMC. Nếu Trung Quốc thực hiện lời đe dọa thôn tính Đài Loan trong vài năm tới, toàn bộ ngành công nghệ Mỹ có thể sẽ rơi vào tay Bắc Kinh.

Dù TSMC đang xây dựng các nhà máy tại Mỹ nhờ khoản trợ cấp 6,6 tỉ USD từ Đạo luật Chips, việc này sẽ mất nhiều năm để giúp Mỹ giảm bớt sự phụ thuộc vào Đài Loan.

Intel là công ty duy nhất tại Mỹ có khả năng cạnh tranh với TSMC, nhưng hiện cũng đang gặp khó khăn. Tương tự, trong lĩnh vực hàng không, SpaceX của Elon Musk đã vượt qua Boeing trong mảng vận tải không gian, nhưng không có nhà cung cấp nào khác có thể thay thế Boeing trong sản xuất máy bay thương mại cỡ lớn. Nếu không có Boeing, thị trường này sẽ thuộc về Airbus và sau đó có thể là Comac, công ty nhà nước Trung Quốc, với dòng máy bay C919 đang cạnh tranh trực tiếp với Boeing 737 và Airbus A320.

Intel là công ty duy nhất tại Mỹ có khả năng cạnh tranh với TSMC. Ảnh: WSJ.

Intel là công ty duy nhất tại Mỹ có khả năng cạnh tranh với TSMC. Ảnh: WSJ.

Sự sụp đổ của Intel hoặc Boeing sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho toàn ngành. Mỗi công ty duy trì một hệ sinh thái rộng lớn bao gồm các nhà thiết kế, công nhân, quản lý và nhà cung cấp. Khi hệ sinh thái này dịch chuyển ra nước ngoài, việc mang nó trở lại gần như là không thể.

Ông Rob Atkinson, Chủ tịch Quỹ Công nghệ và Đổi mới Thông tin, nhận định Boeing là nhà xuất khẩu sản xuất lớn nhất của Mỹ, là một trong những công ty có yêu cầu kỹ thuật cao nhất thế giới và là nhà đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Nếu Intel thất bại, điều đó sẽ giáng một đòn mạnh vào nỗ lực của Mỹ trong việc củng cố hệ sinh thái chất bán dẫn và giành lại thị phần từ Đông Á.

Do đó, dù các nhà lãnh đạo quốc gia có muốn phớt lờ những khó khăn của Intel và Boeing, họ cũng không thể. An ninh quốc gia yêu cầu Mỹ phải duy trì năng lực sản xuất máy bay và chất bán dẫn, đảm bảo sức mạnh kinh tế và công nghệ.

Nguồn WSJ - NHIPCAUDAUTU