Khủng hoảng năng lượng đã “ngốn” của châu Âu gần 800 tỷ Euro

“Hoá đơn” mà châu Âu phải trả để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp trong khu vực khỏi sự leo thang của giá năng lượng đã tăng tăng lên mức gần 800 tỷ Euro - một báo cáo công bố ngày 13/2 cho biết, đồng thời hối thúc các quốc gia chi tiêu có trọng điểm hơn để ứng phó với khủng hoảng năng lượng.

Hãng tin Reuters dẫn báo cáo từ viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở ở Brussels, Bỉ cho biết từ tháng 9/2021, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đã phân bổ 681 tỷ Euro xử lý cuộc khủng hoảng này, cộng thêm 103 tỷ Euro được phân bổ ở Anh và 8,1 tỷ Euro ở Na Uy.

Tổng số tiền đã phân bổ là 792 tỷ Euro, cao hơn so với con số ước tính 706 tỷ Euro mà Bruegel đưa ra trong đánh giá vào tháng 11 năm ngoái. Số tiền tăng thêm phản ánh rằng trong mùa đông này, châu Âu tiếp tục hứng chịu ảnh hưởng từ việc Nga cắt giảm gần hết lượng khí đốt cung cấp cho khu vực.

Đức là nước chi nhiều hơn cả để đưa người dân và doanh nghiệp vượt qua “cơn bão giá” năng lượng. Berline đã phân bổ gần 270 tỷ Euro, tiếp theo là Anh (103 tỷ Euro), Italy (93 tỷ Euro) và Pháp (92 tỷ Euro). Hầu hết các nước EU khác chỉ phân bổ số tiền bằng một phần nhỏ so với các nước này.

Nếu tính theo bình quân đầu người, Luxembourg, Đan Mạch và Đức là 3 nước có mức chi lớn nhất để ứng phó với khủng hoảng năng lượng.

Tổng số tiền mà các chính phủ trong EU phân bổ cho cuộc khủng hoảng này hiện kém không nhiều so với mức 750 tỷ Euro mà khối rót vào quỹ phục hồi hậu Covid-19. Đây là quỹ được EU nhất trí thành lập vào năm 2020 để các nước cùng vay nợ chung và giúp nhau vượt qua đại dịch.

Dữ liệu cập nhật của Bruegel được đưa ra trong bối cảnh các nước EU đang thảo luận nới lỏng hơn nữa các quy định về trợ cấp nhà nước đối với các dự án năng lượng xanh, giữa lúc châu Âu muốn cạnh tranh với việc Mỹ và Trung Quốc trợ cấp cho các dự án trong lĩnh vực này.

Kế hoạch nới lỏng các quy định đó đang khiến một số nước EU lo ngại rằng việc khuyến khích trợ cấp nhà này sẽ gây ra những đảo lộn trong thị trường nội khối. Đức vốn dĩ đã bị chỉ trích vì gói trợ cấp năng lượng khổng lồ của nước này – gói chi tiêu vượt xa khả năng tài chính của bất kỳ nước EU nào khác.

Bruegel cho rằng trong thời gian qua, các chính phủ ở châu Âu đã tập trung chủ yếu vào các biện pháp không có trọng điểm nhằm kéo giá bán lẻ năng lượng đến người tiêu dùng, chẳng hạn cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với giá xăng hay áp trần giá đối với giá bán lẻ điện.

Theo Bruegel, cách làm đó của châu Âu cần được điều chỉnh, vì các chính phủ không còn nhiều dư địa tài khoá để thực hiện hỗ trợ trên diện rộng như vậy.

“Thay cho biện pháp ghìm giá năng lượng mà về bản chất là trợ cấp giá nhiên liệu hoá thạch, các chính phủ nên tập trung nhiều hơn vào các chính sách hỗ trợ thu nhập hướng tới hai nhóm thu nhập thấp nhất và các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế”, nhà nghiên cứu Gionvanni Sgaravatti của Bruegel nhận định.

Dù sao, với những khoản trợ cấp khổng lồ của chính phủ, mức dự trữ khí đốt dồi dào và thời tiết ấm hơn thường lệ, châu Âu đã vượt qua mùa đông này một cách tương đối an toàn. Giá khí đốt ở châu Âu liên tục giảm trong thời gian gần đây và hiện đang ở mức thấp nhất trong 1 năm rưỡi.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/2, giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan – giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu - giảm 4,2%, còn dưới 52 Euro/megawatt giờ, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021. Nếu so với kỷ lục mọi thời đại gần 350 Euro/megawatt giờ thiết lập vào tháng 8 năm ngoái, giá khí đốt ở châu Âu hiện đã giảm gần 87%.

Nguồn: TBKTVN