Kinh tế Anh phục hồi vững chắc

Tăng trưởng vượt trội hơn hầu hết các thành viên G7

Cơ quan Thống kê Quốc gia của Vương quốc Anh hôm 15/8 công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 0,6% trong quý II/2024 sau mức tăng 0,7% của quý I. Kết quả tăng trưởng quý II phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế và phản ánh sức mạnh trong chi tiêu của chính phủ và lĩnh vực dịch vụ.

Các số liệu cho thấy Anh đang tiến gần đến tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản và Mỹ, đưa Thủ tướng Starmer đến gần hơn với mục tiêu đầy tham vọng của mình là đạt được tốc độ nhanh nhất trong các nền kinh tế G7.

"Có lý do chính đáng để kỳ vọng rằng nửa cuối năm 2024 cũng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khi xét đến tiền lương đang tăng theo giá trị thực và Ngân hàng Trung ương Anh đã bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ", ông Jake Finney, chuyên gia kinh tế từ hãng kiểm toán PwC, phân tích. "Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài phía trước nếu chính phủ Anh muốn đạt được mục tiêu đầy tham vọng của mình", ông Finney nói thêm.

Những số liệu kinh tế trên khó có thể thay đổi tính toán của các quan chức Ngân hàng Trung ương Anh bởi họ vốn kỳ vọng mức tăng trưởng cao hơn 0,7%. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey đang tìm cách cân bằng rủi ro lạm phát trong thời gian tới khi nền kinh tế xuất hiện yếu điểm trong các cuộc khảo sát kinh doanh vừa qua.

Các nhà đầu tư đang đặt cược Ngân hàng Trung ương Anh sẽ thực hiện 1 hoặc 2 đợt cắt giảm lãi suất khoảng 0,25 điểm phần trăm trong năm nay sau đợt cắt giảm đầu tiên vào đầu tháng.

"Tốc độ tăng trưởng hai quý đầu năm nay đã gấp đôi khả năng nền kinh tế có thể đạt được mà không gây ra lạm phát, nhưng chúng tôi nghi ngờ rằng điều này sẽ cản trở Ngân hàng Trung ương Anh hạ lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay. Hiện tại, có rất ít dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Anh đang tăng trưởng nóng", ông Dan Hanson, nhà kinh tế trưởng tại Bloomberg Economics, nhận xét.

Các yếu số ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế

Theo bà Anna Leach, nhà kinh tế trưởng tại Viện Giám đốc (IOD), tốc độ tăng trưởng trên của Anh sẽ không kéo dài. “Các cuộc khảo sát kinh doanh chỉ ra động lực khiêm tốn trong những tháng mùa hè, chắc chắn bị ảnh hưởng bởi lãi suất vẫn ở mức cao”, bà Leach lưu ý.

Các số liệu GDP chỉ ra những biến số dễ ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế Anh khi sản lượng kinh tế "đi ngang" trong tháng 6 do sản lượng dịch vụ sụt giảm. Sản lượng kinh tế tháng 6 của Anh bị kìm hãm bởi chiến dịch bầu cử, thời tiết lạnh và các cuộc đình công trong hệ thống y tế công. Trong quý II, chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh tại Anh đều thấp hơn dự báo.

Mặc dù sản lượng dịch vụ ghi nhận giảm nhẹ trong tháng 6, nhưng đây là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong quý II với mức tăng 0,8%. Sản lượng dịch vụ đã bù đắp cho mức giảm 0,1% của lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng trong cùng quý.

"Quý thứ hai liên tiếp tăng trưởng trên xu hướng cho thấy nền kinh tế Anh cuối cùng đã thoát khỏi tình trạng trì trệ trong những năm gần đây", ông Ben Jones, chuyên gia kinh tế trưởng tại CBI - nhóm vận động hành lang kinh doanh lớn nhất của Anh. "Chúng tôi cho rằng dữ liệu hàng quý có thể đã phóng đại động lực cơ bản trong nền kinh tế Anh", ông Jones nói thêm.

Các nhóm ngành được khảo sát đã cho biết tăng trưởng sẽ chậm lại trong thời gian còn lại của năm nay, trừ khi lãi suất giảm và chính phủ Anh xóa bỏ thêm các rào cản tăng trưởng. Họ đang trông đợi kế hoạch ngân sách đầu tiên của tân Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves vào ngày 30/10, mà trong đó nữ Bộ trưởng ám chỉ những quyết định khó khăn để thu hẹp khoảng cách trong tài chính công.

Thủ tướng Starmer, người vừa nhậm chức vào tháng 7/2024, đã cam kết đưa tăng trưởng kinh tế Anh lên mức 2,5% và đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm G7. Đó cũng là lời cam kết đầy tham vọng cho một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng chậm chạp trong những năm gần đây.

Các nhà phân tích cho rằng chính phủ Anh sẽ đạt tăng trưởng nhanh nếu cung cấp đủ kinh phí cải thiện các dịch vụ công đang xuống cấp.

Chính quyền của Thủ tướng Starmer đã bắt tay vào một loạt chính sách để cải thiện tăng trưởng, đáng chú ý nhất là các cải cách để đại tu hệ thống lập quy hoạch then chốt. Ngoài ra, động lực tăng trưởng còn đến từ tiền lương thực tế phục hồi sau cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và động thái hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh.

Hiện vẫn chưa chắc chắn về thời điểm Ngân hàng Trung ương Anh sẽ cắt giảm lãi suất một lần nữa và liệu có cắt giảm thêm một lần nữa trong năm nay hay không. Theo lịch dự kiến, Ủy ban Chính sách Tiền tệ thuộc Ngân hàng Trung ương Anh sẽ họp thêm ba lần nữa trong thời gian còn lại của năm nay.

Sau khi thông tin lạm phát tháng 7 đã tăng lên 2,2%, cao hơn mục tiêu 2%, thị trường đang kỳ vọng khoảng 55% khả năng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ giữ nguyên lãi suất vào tháng 9, trong khi khả năng hạ lãi suất vào tháng tới chỉ tăng nhẹ, theo dữ liệu của tập đoàn chứng khoán London LSEG. Mặt khác, kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 11 đã tăng lên hơn 90%.

Nguồn: Báo Đầu tư