Kinh tế TP.HCM có thể tăng trưởng 7%-7,5%

Tại tọa đàm ra mắt "Báo cáo kinh tế TP.HCM: Phục hồi và thách thức" do Đại học Kinh tế TP HCM (UEH) và Cục Thống kê TP.HCM phối hợp tổ chức chiều 29/7, GS Sử Đình Thành, Giám đốc UEH, cho biết chuỗi Báo cáo thường niên kinh tế TP.HCM là ấn phẩm nghiên cứu khoa học do UEH và Cục Thống kê TP.HCM phối hợp thực hiện. Ấn phẩm cung cấp cái nhìn toàn diện về kinh tế TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2024, phân tích các thách thức, dự báo khả năng phục hồi cũng như đề xuất các chính sách gợi ý cho chính quyền thành phố. Kinh tế TP.HCM đang trên đà phục hồi nhưng chưa bền vững và đối mặt với không ít thách thức cả về khách quan và nội tại. Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, kết quả kinh tế - xã hội nửa đầu năm 2024 cho thấy các chỉ số kinh tế của thành phố đang trên đà phục hồi; trong đó có một số chỉ số tích cực như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, thu ngân sách…Tuy nhiên, xét về tổng thể và so sánh với giai đoạn trước COVID-19, sự tăng trưởng đó chưa bền vững và kinh tế thành phố vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Cụ thể, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp nhưng song song đó cũng có rất nhiều hàng rào kỹ thuật được dựng lên từ tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu xanh hoá sản xuất buộc doanh nghiệp phải tuân thủ. Thêm vào đó, sau đại dịch, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khủng hoảng mới từ xung đột, lạm phát khiến nhu cầu tiêu dùng bị thu hẹp, xuất khẩu khó khăn. Trong nước, kinh tế TP.HCM sau thời kỳ phát triển nhanh đang dần giảm nhịp độ. Tỷ lệ đóng góp của thành phố vào tổng GRDP, số thu ngân sách, xuất khẩu cả nước giảm dần. Các lợi thế vượt trội trong thu hút đầu tư ngày càng ít khi phải cạnh tranh với nhiều tỉnh, thành khác trong khi quỹ đất ngày càng thu hẹp và chi phí ngày càng tăng.

Tiến sĩ Hồ Hoàng Anh, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, nửa đầu năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi và đạt được mức tăng trưởng tương đối cao so với dự báo, đặc biệt là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là Mỹ và Trung Quốc. Trong bối cảnh thuận lợi này, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng GDP tương đối cao so với cùng kỳ năm trước, phản ánh sự phục hồi ổn định của tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ. Xuất khẩu là một yếu tố đóng góp vào sự phục hồi của tổng cầu. Tuy nhiên, tiêu dùng và đầu tư (đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp tiêu dùng nội địa) vẫn chưa thực sự phục hồi mạnh mẽ so với trước dại dịch COVID-19.

Theo nhóm nghiên cứu, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng cao hơn dự báo và mặt bằng lãi suất trong nước xuống khá thấp trong 6 tháng đầu năm 2024, việc các doanh nghiệp nội địa trên địa bàn TP.HCM đang có dấu hiệu gặp khó khăn cần được phân tích, đánh giá một cách đầy đủ hơn. Song có thể do một số nguyên nhân như nhu cầu của thị trường vẫn chưa tăng trưởng mạnh, kết hợp với môi trường kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều rủi ro và bất định khiến các doanh nghiệp nội địa trì hoãn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân thứ hai là tình hình nợ xấu có chiều hướng gia tăng khiến các ngân hàng khắt khe hơn với các tiêu chuẩn cho vay nhằm bảo toàn thanh khoản phòng ngừa cho các biến cố trong hệ thống. Các doanh nghiệp nội địa vừa và nhỏ không có nhiều tài sản cầm cố giá trị sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Mặt khác, các ngân hàng gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi mặt bằng lãi suất xuống thấp.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, những tháng cuối năm, họat động xuất khẩu của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, tất cả các nền kinh tế này đều đang phải đối mặt với các vấn đề khó khăn riêng và chưa thực sự đi vào quỹ đạo hồi phục một cách vững chắc. Vì thế rủi ro và bất ổn vẫn có thể xảy ra, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu.

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thông tin tăng trưởng kinh tế  - xã hội TP.HCM nửa đầu năm 2024 là kết quả việc triển khai đồng bộ các biện pháp kích thích cả tổng cung và tổng cầu. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn chưa đúng nhịp độ mong muốn dù tăng mạnh về giá trị tuyệt đối. Thực tế đầu tư công của thành phố trong hai năm qua đều ì ạch ở quý I, quý II và chỉ chạy nước rút ở quý cuối của năm nên không đạt chỉ tiêu.

Theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, vấn đề tăng trưởng của TP.HCM không chỉ nằm ở con số mục tiêu của năm 2024 mà phải nhìn xa hơn, dài hơi hơn. Mặc dù 2 năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của thành phố có phần “trầm lắng” nhưng cũng là giai đoạn hệ thống cơ sở hạ tầng mới tại TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh, tạo nền tảng để kinh tế khu vực chuyển mình những năm tới. Song song với hạ tầng cứng cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ TP.HCM cần đẩy nhanh phát triển hạ tầng số với 4 trung tâm dữ liệu đang được đề xuất đầu tư nhằm tạo nguồn lực cho doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách hiệu quả.

Theo dự báo của nhóm nghiên cứu, trong nửa cuối năm 2024, xuất khẩu của TP HCM nói riêng và Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Dù vậy, rủi ro và bất ổn vẫn có thể xảy ra, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu. "Lúc này, kích cầu tiêu dùng và đầu tư nội địa nếu được triển khai sẽ giúp tổng cầu hồi phục nhanh hơn và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, qua đó giảm thiểu tính chu kỳ của nền kinh tế trước những biến động của kinh tế thế giới. Vấn đề này sẽ càng trở nên bức thiết hơn trong bối cảnh TP HCM và cả nước phải thích nghi với kinh tế thế giới ngày càng trở nên rủi ro và bất định" - TS Hồ Hoàng Anh, giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, UEH - đại diện nhóm nghiên cứu, nói.

Theo các chuyên gia của UEH, nếu kinh tế thế giới diễn biến thuận lợi như kỳ vọng trong nửa cuối năm, cộng thêm việc TP HCM quyết liệt triển khai hiệu quả đồng bộ các giải pháp, cả năm nay kinh tế TP có thể đạt mức tăng trưởng 7%-7,5%. 

Nguồn: Phòng Thông tin ITPC.