Kinh tế Trung Quốc phục hồi không đều

Số liệu công bố đầu tuần này cho thấy hoạt động của các nhà máy tư nhân ở Trung Quốc tăng mạnh nhất trong vòng 3 năm - một dấu hiệu về nhu cầu mạnh của thị trường trong và ngoài nước đối với hàng hóa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, kết quả này trái ngược với một cuộc khảo sát chính thức của Chính phủ Trung Quốc công bố trước đó một ngày. Theo khảo sát chính thức, hoạt động tại các nhà máy quốc doanh của nước này suy giảm. Hai số liệu trên phản ánh tình trạng phục hồi kinh tế Trung Quốc vẫn còn chưa đều.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin ngành sản xuất tăng lên mức 51,8 điểm trong tháng 6 từ mức 51,7 điểm của tháng 5 - theo một tuyên bố từ công ty nghiên cứu S&P Global, đơn vị thực hiện khảo sát. Số liệu này không những mạnh hơn kỳ vọng của thị trường mà còn phản ánh tháng tăng thứ 6 liên tiếp của chỉ số.

Trong khi đó, chỉ số PMI tháng 6 của Tổng cục Thống kê Trung Quốc không thay đổi từ mức 49,5 điểm của tháng 5, cho thấy sự suy giảm hoạt động. Đối với chỉ số PMI, ngưỡng trên 50 điểm phản ánh tăng trưởng, thấp hơn phản ánh suy giảm.

Sự trái chiều của chỉ số PMI Caixin và PMI chính thức đã gia tăng trong tháng 6 và có thể xuất phát từ sự khác biệt về lĩnh vực mà hai chỉ số này bao trùm - theo một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs.

Cuộc khảo sát của Caixin tập trung vào các công ty nằm trong các lĩnh vực liên quan nhiều đến xuất khẩu và tiêu dùng. Trong khi đó, chỉ số PMI chính thức nghiêng nhiều hơn về các nhà sản xuất những nguyên vật liệu công nghiệp như xi măng, sắt thép và hóa chất, nên dễ bị ảnh hưởng bởi sự giảm tốc của hoạt động đầu tư tài sản cố định.

Giới phân tích tin rằng các số liệu trên phản ánh thực trạng kinh tế Trung Quốc, với một bên là xuất khẩu và tiêu dùng đang mạnh, nhưng đầu tư suy yếu.

“Nhu cầu đối với hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian đang mạnh hơn so với hàng hóa đầu tư”, nhà phân tích Wang Zhe của Caixin Insight Group nhận định. “Nhìn chung, lĩnh vực sản xuất tiếp tục cải thiện trong tháng 6, với nguồn cung, nhu cầu trong nước và cả xuất khẩu đều tiếp tục tăng trưởng”.

Dữ liệu hải quan tháng 6 của Trung Quốc chưa được công bố, nhưng thống kê tháng 5 cho thấy kim ngạc xuất khẩu của nước này trong tháng 5 tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự báo của các nhà phân tích. Dù vậy, các nhà sản xuất vẫn đang kém lạc quan về triển vọng kinh doanh, một phần do việc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) gần đây công bố áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc.

“Chỉ số về kỳ vọng sản lượng trong tương lai đã giảm hơn 3 điểm so với tháng trước, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2019”, ông Wang nhấn mạnh. “Trong cuộc khảo sát Caixin, các doanh nghiệp bày tỏ mối lo ngại chủ yếu về áp lực suy giảm tăng trưởng trong nền kinh tế và mức độ cạnh tranh lớn trên thị trường”.

Tháng trước, EU tuyên bố áp thuế quan bổ sung lên tới 38,1% đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc, dựa trên cáo buộc rằng Bắc Kinh có các biện pháp hỗ trợ không bình đẳng đối với các hãng xe trong nước, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất châu Âu. Thuế quan này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4/7, trong khi công tác điều tra vẫn tiếp diễn. Quyết định cuối cùng về thuế quan này sẽ được đưa ra vào ngày 2/11, khi cuộc điều tra hoàn tất.

Vào tháng 5, Mỹ tăng gấp 4 lần thuế quan áp lên ô tô điện Trung Quốc, từ 25% lên 100%, nhằm mục đích hỗ trợ công ăn việc làm và nền sản xuất trong nước.

Nguồn: TBKTVN