Một số vấn đề về quan hệ kinh tế nội lực và ngoại lực

Những kết quả tích cực

Kết quả tích cực của quan hệ nội lực và ngoại lực thể hiện ở nhiều mặt. Rõ nhất là về vốn đầu tư. Trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, đầu tư nước ngoài năm 2022 chiếm 16,2%, cao hơn tỷ trọng 15,8% của năm 2021; 6 tháng đầu năm 2023 là 17,3%. Nếu kể cả các nguồn vốn có nguồn gốc nước ngoài (như ODA…), thì tỷ trọng còn cao hơn nữa.

Tuy nhiên, nhờ đổi mới, tỷ trọng phần vốn trong nước vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (năm 2022 chiếm 83,8%, 6 tháng đầu năm 2023 chiếm 82,7%), nhờ có tỷ trọng vốn ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng cao (năm 2022 chiếm 58,2%, 6 tháng đầu năm 2023 chiếm 55,4%).

Trong khu vực doanh nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 3,3% về số doanh nghiệp, trên 34,6% về số lao động, trên 19% về vốn đầu tư kinh doanh, trên 23% về giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn, gần 30% về doanh thu thuần, trên 38% về tổng thu nhập, gần 49% lợi nhuận trước thuế, có tỷ suất lợi nhuận đạt gần 5,7%. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn về nhiều chỉ tiêu chủ yếu.

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng một nửa giá trị sản xuất công nghiệp, khoảng 3/4 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa - tức là đóng góp lớn vào sản xuất, xuất khẩu. Đặc biệt, khu vực này liên tục xuất siêu và góp phần vào vị thế xuất siêu của Việt Nam trong 7 năm qua và có thể đạt năm thứ 8 liên tiếp.

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP, tỷ trọng trong GDP (sản xuất) đã tăng từ 17,46% năm 2015 lên 19,54% năm 2018 và chiếm trên 20% năm 2022, nhờ khu vực này có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng chung của cả nước, cũng tức là cao hơn tốc độ tăng của khu vực trong nước.

Một số vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả tích cực, quan hệ giữa nội lực và ngoại lực cũng đang đặt ra một số vấn đề. Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với nhiều mục tiêu để tận dụng cơ hội chênh lệch giữa tỷ giá sức mua tương đương tỷ giá hối đoái, tuy đã giảm từ trên 5 lần trước kia xuống còn 2,44 lần hiện nay.

Cơ hội này kết hợp hoặc dẫn đến các cơ hội khác, gồm lao động đông, giá nhân công rẻ; việc kiểm soát ô nhiễm môi trường chưa nghiêm ngặt; tận dụng việc tiêu thụ ở trong nước khi dân số tăng mỗi năm gần 1 triệu người, mức sống tăng lên; tận dụng cơ hội tiêu thụ ra nước ngoài với nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết; dễ chuyển giá….

Với đa mục tiêu như vậy, lợi ích đầu tư phần lớn thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng có một số lợi thế về vốn đầu tư, tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, đóng góp ngân sách, xuất khẩu, xuất siêu…, nhưng so với ưu đãi về đất đai, miễn giảm thuế…, thì lợi ích thấp hơn.

Nguồn vốn đầu tư lớn đến từ nhiều nền kinh tế châu Á (Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, chiếm khoảng 61,6% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký) tuy có ưu thế về giá cả, trình độ sử dụng…, nhưng chưa thật cao về kỹ thuật - công nghệ. Còn nguồn vốn từ Hà Lan, Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Bỉ - có kỹ thuật công nghệ cao hơn chỉ chiếm 11,3%.

Tính lan tỏa về trình độ quản lý, khoa học - công nghệ giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sang khu vực trong nước còn rất ít.

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có một số hạn chế, rõ nhất là tính gia công, lắp ráp còn cao, phụ thuộc nhập khẩu lớn, kể cả những doanh nghiệp có trình độ kỹ thuật hiện đại. So sánh kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu của khu vực này ở một số mặt hàng, có thể thấy rõ hơn nhận định này (máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xuất khẩu 25,579 tỷ USD so với nhập khẩu 36,449 tỷ USD, nhập siêu 11,370 tỷ USD…).

Tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khá phổ biến, thể hiện ở việc nhiều doanh nghiệp lỗ dài sau nhiều năm đầu tư, nhưng vẫn tiếp tục đầu tư… Trong khi đó, không ít doanh nghiệp trong nước không được hưởng ưu đãi lớn và dài về đất đai, về thuế suất như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nguồn: Báo Đầu tư