Ngân hàng Trung ương Nga gây ngạc nhiên vì giữ nguyên lãi suất 21%
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) hôm 20/12 gây bất ngờ khi giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 21%, nói rằng mức độ thắt chặt cao của chính sách tiền tệ đã tạo điều kiện cho việc kiểm soát tốc độ lạm phát đang nóng ở nước này.
“Điều kiện tiền tệ hiện nay đã thắt chặt hơn nhiều so với những gì được dự kiến khi chúng tôi đưa ra quyết định lãi suất chủ chốt hồi tháng 10”, một báo cáo của CBR cho biết, đề cập đến những yếu tố bên ngoài chính sách tiền tệ của cơ quan này.
“Xét tới việc lãi suất đã tăng đáng kể đối với người đi vay và hoạt động tín dụng chậm lại, mức độ thắt chặt đã đạt được của điều kiện tiền tệ tạo ra tiền đề để nối lại tiến trình giảm lạm phát và đưa lạm phát trở về mức mục tiêu, dù tốc độ tăng giá hiện tại và nhu cầu nội địa đều còn cao”, tuyên bố viết.
Trước đó, thị trường kỳ vọng CBR tăng lãi suất thêm 2 điểm phần trăm trong lần họp này, sau khi tăng lãi suất như vậy trong cuộc họp tháng 10 - động thái tiếp tục nỗ lực kiềm chế lạm phát leo thang. Giá cả ở Nga đã tăng mạnh thời gian qua do chi phí quân sự quân sự tăng cao vì chiến tranh với Ukraine và các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Moscow.
Kết thúc cuộc họp ngày 20/12, CBR cho biết sẽ tiếp tục đánh giá về sự cần thiết của việc tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 2. Dự báo hiện tại của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Nga là tốc độ lạm phát hàng năm sẽ giảm về mức 4% vào năm 2026 và duy trì ở ngưỡng mục tiêu này trong thời gian sau đó.
Hiện tại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nga đang tăng với tốc độ hơn gấp đôi so với con số mục tiêu nói trên. Mức tăng CPI hàng năm tính đến ngày 16/12 là 9,5% - theo CBR. Cơ quan này lưu ý rằng áp lực giá cả đang dai dẳng ở mức cao, đối với cả các hộ gia đình vào doanh nghiệp. Hồi tháng 11, CPI cả năm tăng 8,9%, tăng tốc từ mức tăng 8,5% ghi nhận trong tháng 10. Sự leo thang này chủ yếu được thúc đẩy bởi giá thực phẩm tăng, đặc biệt là giá sữa và các sản phẩm từ sữa.
CBR giữ nguyên lãi suất dù Tổng thống Vladimir Putin - trong cuộc hỏi đáp hàng năm với người dân Nga mới đây - thừa nhận rằng lạm phát ở nước này là một vấn đề lớn và có bằng chững cho thấy nền kinh tế đang quá nóng. Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh rằng Nga vẫn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 3,9-4% trong năm nay.
“Dĩ nhiên, lạm phát là một tín hiệu báo động. Mới hôm qua, khi đang chuẩn bị cho sự kiện ngày hôm nay, tôi đã trò chuyện với Thống đốc CBR, bà Elvira Nabiullina. Bà ấy nói với tôi rằng lạm phát đang ở mức khoảng 9,5%. Nhưng tiền lương đang tăng trưởng với tốc độ thực tế 9% là điều tôi muốn nhấn mạnh. Đó là mức tăng lương sau khi trừ đi lạm phát. Và thu nhập khả dụng của người dân cũng tăng lên”, ông Putin nói.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Nga tăng trưởng 3,6% trong năm nay, trước khi giảm tốc về 1,3% vào năm 2025. Định chế ở Washington nói sự giảm tốc mạnh này sẽ đến từ “tình trạng giảm tốc của tiêu dùng và đầu tư trong khu vực tư nhân, cộng thêm thị trường lao động bớt thắt chặt và tiền lương tăng trưởng chậm lại”.
“Điều chúng tôi đang nhận thấy ở thời điểm này trong nền kinh tế Nga là nền kinh tế đang chống lại sự hạn chế của công suất”, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của IMF, ông Alfred Kammer, phát biểu khi công bố báo cáo triển vọng kinh tế Nga hồi tháng 10.
“Bởi vậy, Nga đang có một khoảng cách sản lượng dương so với công suất, nói cách khác nền kinh tế Nga đang quá nóng. Chúng tôi cho rằng trong năm tới, với công suất nguồn cung như vậy, nền kinh tế không thể duy trì tốc độ tăng trưởng hiện nay. Bởi thế, nền kinh tế phải giảm tốc dần về mức tăng trưởng phù hợp. Và dĩ nhiên, sự giảm tốc cũng được hậu thuẫn bởi chính sách tiền tệ thắt chặt của CBR”, ông Kammer nói.
“Chính sách tiền tệ thắt chặt, ngoài tác dụng kéo lạm phát xuống, còn làm giảm tổng cầu. Năm 2025, chính sách tiền tệ thắt chặt của Nga sẽ có hiệu ứng như vậy đối với GDP. Đó là lý do vì sao chúng ta sẽ thấy nền kinh tế Nga giảm tốc trong năm 2025”, vị chuyên gia IMF phát biểu.
Nguồn: TBKTVN