Ngành bông sợi Australia tăng cường hợp tác với ngành dệt may Việt Nam

Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade) cho biết Phái đoàn thương mại bông sợi Australia đến thăm Việt Nam với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các nhà sản xuất bông sợi Australia và các nhà máy dệt may Việt, với các hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh, Huế và Hà Nội từ ngày 7-11/8/2023. 

Đây là chuyến thăm lần thứ 2 đến Việt Nam trong vòng 12 tháng của ngành bông sợi Australia – nêu bật tầm quan trọng của thị trường Việt Nam đối với Australia; đặc biệt là trong năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia.

VIỆT NAM LÀ QUỐC GIA NHẬP KHẨU BÔNG SỢI LỚN NHẤT CỦA AUSTRALIA
Theo Tập đoàn dệt may Việt Nam, năm 2022 xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 44,5 tỷ USD, tăng 10,5-11% so với năm 2021, vẫn đứng vị trí thứ 3 sau Trung Quốc, Bangladesh.

Trong đó, quần áo may mặc các loại vẫn là mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, tới 35 tỷ USD. Ngoài quần áo, ngành dệt may Việt Nam cũng xuất khẩu vải trên 2,5 tỷ USD, xuất khẩu xơ sợi gần 5 tỷ USD, xuất khẩu phụ liệu may 1,5 tỷ USD, vải địa 0,9 tỷ USD…

Trong khi đó, nhu cầu về nguyên liệu bông của các doanh nghiệp dệt may trong nước ngày càng lớn, kéo theo khối lượng và kim ngạch nhập khẩu bông tăng mạnh. Năm 2022, Việt Nam chi tới 3,3 tỷ USD để nhập khẩu gần 1,7 triệu tấn bông từ 11 thị trường, trong đó lớn nhất là Mỹ, kế đến là Brazil, thứ ba là Australia.

Bà Rebecca Ball – Tham tán Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia.

Bà Rebecca Ball – Tham tán Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia.

"Hiện tại, có 3 FTA hỗ trợ xuất khẩu bông Australia sang Việt Nam bao gồm: Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Australia/ New Zealand (AANZFTA); Hiệp định CPTPP; và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Bông sợi thô Australia khi đáp ứng các điều kiện nêu trong các nghị định quốc tế liên quan sẽ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi theo các hiệp định này". 

Phát biểu tại hội thảo về Hợp tác giữa Ngành bông sợi Australia và ngành dệt may Việt Nam, ngày 9/8/2023, Bà Rebecca Ball – Tham tán Thương mại và Đầu tư Cấp cao, Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade) cho biết năm 2022, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu bông sợi lớn nhất của Australia với 38,8% thị phần.

"Từ 2020 – 2022, nhập khẩu bông từ thị trường Australia vào Việt Nam đã tăng từ 78 triệu AUD (đô la Úc) lên 1,69 tỷ AUD. Theo xu hướng hiện tại, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục dẫn đầu thị phần trong những năm tới", bà Rebecca Ball nhận định, đồng thời cho biết các yếu tố chính như điều kiện thời tiết thuận lợi, giá cả cạnh tranh và vị trí địa lý gần là những lợi thế chính giúp thúc đẩy xuất khẩu bông Australia sang Việt Nam.

Theo bà Rebecca Ball, kể từ khi trở thành ngành nông nghiệp Australia đầu tiên thực hiện đánh giá tác động môi trường vào năm 1991, ngành Bông Australia đã cam kết liên tục cải thiện tính bền vững. Ngành bông Australia đã áp dụng khuôn khổ bền vững, góp phần thực hiện 11 trong số 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc. Từ năm 1992 đến nay, dữ liệu nghiên cứu ngành cho thấy sự cải thiện trong nhiều khía cạnh. Sau những nỗ lực áp dụng, cải thiện khuôn khổ bền vững, Australia đã giảm 52% lượng nước, 97% lượng thuốc trừ sâu và 34% diện tích đất để trồng và sản xuất ra một kiện bông.

“Bông Australia mang một câu chuyện mà chúng tôi rất tự hào, đại diện cho nền nông nghiệp hiện đại của Australia – với nhiều thực hành bền vững, ngành công nghiệp đã giảm đáng kể lượng thuốc trừ sâu và lượng nước để sản xuất ra loại bông sợi cao cấp này”, bà Rebecca Ball chia sẻ.

XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ SÂU SẮC HƠN VỚI NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM
Bà Rebecca Ball cho hay đại diện ngành bông Australia quay trở lại Việt Nam lần này với phái đoàn lớn và đa dạng hơn mọi năm, bao gồm các thương hiệu “biểu tượng” lâu đời cũng như các thương hiệu trẻ sáng tạo, các thương hiệu quần áo bảo hộ lao động, quần áo học sinh, cùng chuyên gia bông sợi hàng đầu ở Australia.

Tuần lễ thăm Việt Nam của phái đoàn doanh nghiệp bông sợi Australia được tổ chức bởi Hiệp hội Bông sợi Australia (ACSA) và Cotton Australia cùng sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade); bao gồm các chuyến thăm nhà máy và chuỗi hội thảo tại TP.HCM, Huế và Hà Nội.

"Phái đoàn thương mại bông Australia đền Việt Nam lần này gồm đại diện từ các thương hiệu Sportscraft, Struddys, Big W, AS Colour, Modibodi, Workwear Group, New Romantic và Michell Wool. Tuần lễ thăm Việt Nam là cơ hội để tri ân, thắt chặt những mối quan hệ hiện có và tạo dựng, kết nối những mối quan hệ mới",

Ông Rob Cairns, Chuyên gia tư vấn Tiếp thị Xuất khẩu của ACSA. 

Chuỗi hội thảo chia sẻ các thông tin về ngành bông sợi Australia, các cập nhật về mùa vụ 2023, nhu cầu của các thương hiệu; cũng như mang đến sự hiểu biết sâu hơn cho các nhà sản xuất bông Australia về các nhà máy dệt may Việt Nam.

Ông Rob Cairns, Chuyên gia tư vấn Tiếp thị Xuất khẩu của ACSA cho hay: Ngành Bông Australia muốn xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với ngành dệt may Việt Nam để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường trong những năm tới.

“Chuyến thăm này là chuyến đi đầu tiên bao gồm đầy đủ các đại diện từ ACSA, Cotton Australia cùng các thương hiệu và các nhà nghiên cứu CSIRO để truyền tải đầy đủ lý do bông Australia là loại bông sợi phù hợp nhất cho ngành dệt may Việt”, ông Rob Cairns nói.

Bà Ashley Hollis, Giám đốc Quan hệ Thương hiệu của Cotton Australia bày tỏ: Thông qua chuyến đi này chúng tôi được nghe từ các đại diện nhà máy dệt may Việt về sự yêu thích của họ đối với chất lượng, màu sắc và độ bền của bông Australia.

Bên cạnh đó, việc tham gia của các thương hiệu Australia đã mở ra những cuộc thảo luận giá trị, chia sẻ thông tin về bông Australia đến Việt Nam, đặc biệt là về các chuyến lược truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chất lượng, tác động xã hội và môi trường. Đây là những lý do mang đến sự tăng trưởng trong nhu cầu nhập khẩu và sử dụng bông Australia của Việt Nam.

Nguồn: TBKTVN