Quay lại

Ngành tài chính tiêu dùng: Chuyển mình sau cơn bão

ĐỐI PHÓ THÁCH THỨC KÉP

Giảm giá sâu, khuyến mãi khủng nhưng sức cầu vẫn yếu - thị trường xe máy vốn thường nhộn nhịp “săn sale” vào các dịp cận Tết lại mang một gam màu ảm đạm trong tháng cận Tết Giáp Thìn. Số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho thấy sự suy giảm đáng kể về doanh số bán hàng năm 2023: chỉ gần 2,52 triệu xe được 5 hãng thành viên bán ra, giảm 16,21% so với năm trước.

Sản phẩm điện tử, điện lạnh cũng nằm trong nhóm người dân “thắt chặt chi tiêu”. MWG, “ông lớn” ngành bán lẻ thu về hàng tỷ đô la mỗi năm chứng kiến mức sụt giảm hơn 20.100 tỷ đồng doanh thu trong năm, tương đương giảm 14%, ở hai thương hiệu Thế giới di động và Điện máy xanh.

Xét riêng ở nhóm các công ty tài chính, nơi cung ứng vốn cho nhóm phân khúc khách hàng dưới chuẩn (thường khó tiếp cận tín dụng ngân hàng), dư nợ tín dụng tiêu dùng theo số liệu cập nhật mới nhất giảm khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Cụ thể, đến cuối quý 3/2023, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính chỉ còn 134.000 tỷ đồng, trong khi nợ xấu tăng 10-15%.

Dư nợ cho vay khách hàng của FE Credit - công ty tài chính có quy mô lớn nhất ngành ước tính giảm 14,6% so với thời điểm đầu năm. Năm 2023, FE Credit báo lỗ 3.699 tỷ đồng. Các công ty tài chính có vốn ngoại Mirae Asset Finance, JACCS và Shinhan Finance đều thua lỗ khá lớn.

EVN Finance, Home Credit hay Mcredit vẫn giữ được lợi nhuận dương dù giảm so với cùng kỳ. Trong các công ty tài chính tiêu dùng, EVN Finance báo lãi giảm ít nhất (gần 10,4%) nhưng cũng chủ yếu nhờ hiện thực hoá lợi nhuận khá nhiều lượng cổ phiếu trong danh mục.

Theo ông Lê Quốc Ninh - Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, hoạt động của các công ty tài chính năm qua cùng lúc đối diện với thách thức “kép”. Bên cạnh nhu cầu tiêu dùng yếu đi thấy rõ, khả năng trả nợ của khách hàng năm vừa qua cũng bị ảnh hưởng. Thu nhập của người lao động đã sụt giảm mạnh trong bối cảnh thất nghiệp gia tăng, các đơn hàng giảm sút, không còn các khoản thu nhập thêm nhờ tăng ca…

Cùng đó, hiện tượng rủ nhau “bùng nợ” từ một bộ phận khách hàng không chỉ làm tăng nợ xấu mà còn khiến các hoạt động giải ngân cho vay tiêu dùng phải quản trị rủi ro chặt chẽ hơn. Tỷ lệ khách hàng vay không trả nợ ngày càng cao, trong khi đó chế tài với khách vay chưa đầy đủ, việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp.

ĐỘNG LỰC MỚI TỪ CHÍNH SÁCH

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, nhu cầu của thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh cao là các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp sản xuất hiện nay. Do đó, việc tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, trong đó có tiêu dùng, cũng chính là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm được người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ưu tiên thực hiện.

Cơ chế chính sách mới từ phía cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy tín dụng tiêu dùng sẽ sớm được kích hoạt từ ngày 1/7/2024. Các khoản vay nhỏ lẻ theo đó sẽ không phải chứng minh mục đích sử dụng vốn, nhờ vậy có thể kích thích mạnh mẽ hoạt động cho vay bán lẻ - đặc biệt là các khoản vay nhỏ lẻ.

Từ phía ngành ngân hàng, ngay từ đầu năm, nhiệm vụ đẩy mạnh cho vay tiêu dùng được đặt lên hàng đầu. Dù thủ tục được “gỡ rào”, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh các tổ chức tín dụng sẽ không đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ bằng mọi giá mà vẫn thận trọng trước xu hướng nợ khó đòi có thể còn tiếp tục tăng nhanh, hành lang pháp lý cho thu hồi, xử lý nợ vẫn còn nhiều trở ngại.

Bên cạnh chính sách thúc đẩy giải ngân tín dụng, các chuyên gia kỳ vọng công tác thu hồi nợ sẽ sớm thuận lợi hơn cho các ngân hàng và công ty tài chính khi dữ liệu có thể sớm được liên kết trực tiếp dữ liệu của Bộ Công an. Cho đến nay, Bộ Công an đã phối hợp với 5 ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, Pvcombank, VIB, BIDV) và 1 tổ chức tín dụng (Mcredit) hoàn thiện giải pháp kỹ thuật, triển khai sản phẩm đánh giá khả tín khách hàng vay.

Kích cầu tiêu dùng là bài toán chung của nền kinh tế. Với lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, sự phục hồi thường có độ trễ hơn so với những tín hiệu về kinh tế vĩ mô, ông Lê Quốc Ninh - Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) cho rằng năm nay vẫn chưa phải là năm sẽ có những tín hiệu thật sự tốt đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo ông Ninh, thị trường đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất và không thể xấu hơn, nhất là với những nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua thúc đẩy tiêu dùng của Chính phủ. Đồng thời, những khó khăn của năm 2023 cũng chính là cơ hội để ngành tài chính tiêu dùng nhìn lại và chuyển mình.

“Lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ cần một số cơ chế quản lý mới từ NHNN. Sau những biến cố, những cái tự phát sẽ được nhìn nhận lại và trở thành quy trình. Cả công ty tài chính và khách hàng đều sẽ là người hưởng lợi từ sự thay đổi này”, CEO Mcredit nhấn mạnh.

Tại Mcredit, trung thành với chiến lược “cho vay nhân văn” và “thu hồi nợ nhân văn”, lấy khách hàng là trung tâm. Chân dung khách hàng được xây dựng rõ ràng, chi tiết để đưa ra những sản phẩm vay và sản phẩm tiêu dùng phù hợp với nhu cầu và năng lực tài chính của họ, từ đó, giúp tăng trưởng tín dụng bền vững, kiểm soát tốt chất lượng nợ.

Nguồn: TBKTVN