Quay lại

Người tiêu dùng muốn ăn sạch, nông sản hữu cơ đắt khách

Theo báo cáo của Euromonitor, thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam đã đạt giá trị 100 triệu USD năm 2023, với mức tăng trưởng 20% so với năm 2020. Sự gia tăng này được chứng minh qua sự hiện diện ngày càng nhiều của các sản phẩm hữu cơ tại các siêu thị lớn như Co.opmart, Winmart, Lotte Mart hay MM Mega Market...

Ông Lê Thành Trung, Quản lý thương mại Chuỗi giá trị mảng thực phẩm tươi sống tại Central Retail Việt Nam, cho biết rau củ hữu cơ dù đắt hơn hàng thông thường 25 - 35%, vẫn được ưa chuộng. "Nhiều khách phải đặt trước vì sản phẩm thường xuyên cháy hàng trên kệ," ông Trung chia sẻ. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Co.opmart Phú Thọ, cũng cho hay thực phẩm xanh và hữu cơ đã chứng kiến mức tăng trưởng hai con số trong 6 tháng đầu năm.

Sự quan tâm đến hàng hóa hữu cơ không chỉ dừng lại ở thực phẩm mà còn mở rộng sang đồ uống. Đại diện Vinamilk cho biết doanh thu năm 2023 của hai dòng sữa Organic và Green Farm tăng 40% so với 2022, và quý 1 năm nay tiếp tục tăng 30%. Tương tự, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh, cho biết cà phê hữu cơ của công ty không chỉ được yêu thích ở nước ngoài mà đang tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường nội địa. "Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu nội địa của công ty tăng trưởng 50%," ông Thông chia sẻ.

Rau củ hữu cơ dù đắt hơn hàng thông thường 25 - 35%, vẫn được ưa chuộng.

Rau củ hữu cơ dù đắt hơn hàng thông thường 25 - 35%, vẫn được ưa chuộng.

Sự ưa chuộng của người tiêu dùng là động lực cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ bước chân vào lĩnh vực này. TS Nguyễn Đức Chinh, người sáng lập Nông trại GenXanh, chia sẻ các sản phẩm rau hữu cơ trong nông trại rộng 2,5ha của anh ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đang sản xuất theo mô hình “mùa nào rau nấy”, sau đó vận chuyển trực tiếp từ nông trại đến tận tay người tiêu dùng, đồng thời bày bán tại một số cửa hàng ở nội thành Hà Nội đã có liên kết tiêu thụ.

Do nông sản hữu cơ không thể sản xuất ồ ạt nên mỗi tuần nông trại của anh chỉ cung ứng ra thị trường Hà Nội khoảng 4 - 5 tấn rau xanh và rau gia vị. Đến nay, anh đã thiết lập được thêm 2 cơ sở tại Sa Pa (Lào Cai) và Hòa Bình. Tương tự, lại Lâm Đồng, chị Ma Điểm, dân tộc Churu, Trưởng nhóm phụ trách kinh doanh cho tổ hợp tác rau hữu cơ IEM Gõh Churu cho biết những năm qua, nhờ trồng rau hữu cơ mà các hội viện của hợp tác xã có thêm thu nhập và bớt cảnh nghèo khó.

Theo chị Ma Điểm, với giá bán trung bình 20.000 - 35.000 đồng một kg rau, thu nhập của các hộ trong hợp tác xã dao động 3 - 5 triệu đồng mỗi tháng, có hộ cao hơn. Hiện, hợp tác xã có 11 hộ tham gia canh tác và 4 hộ đang cải tạo đất để trồng rau vào năm 2024. "Sản lượng rau củ năm nay tăng khoảng 10 - 15% so với năm ngoái nên tổ hợp tác xã có doanh thu dự kiến trên 400 triệu đồng - mức cao nhất từ trước tới nay", Ma Điểm cho hay.

Từ ngày trồng rau hữu cơ cung cấp cho siêu thị, nhiều phụ nữ dân tộc Churu tại Lâm Đồng đã thoát nghèo.

Từ ngày trồng rau hữu cơ cung cấp cho siêu thị, nhiều phụ nữ dân tộc Churu tại Lâm Đồng đã thoát nghèo.

Theo các doanh nghiệp, sự gia tăng trong nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hữu cơ không chỉ là một xu hướng nhất thời mà đã trở thành một phần của lối sống hiện đại. Khi người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm, thị trường hữu cơ tại Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Đặc biệt, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ chiếm khoảng 25 triệu người vào năm 2025 (chiếm 25% dân số). Nhóm người tiêu dùng này có thể hiểu và cảm thấy việc tiêu thụ những sản phẩm hữu cơ để sử dụng hàng ngày là nhu cầu quan trọng, sẵn sàng trả nhiều hơn cho thực phẩm hữu cơ, thậm chí lựa chọn mua sắm ở các cửa hàng hữu cơ chuyên biệt.

Số liệu khảo sát của AC Nielsen cho thấy hiện tại Việt Nam, 24% người tham gia khảo sát đang tiêu dùng thực phẩm hữu cơ hàng ngày, 16% và 21% người tiêu dùng sử dụng thực phẩm hữu cơ 4 – 5 lần/ tuần và 2 – 3 lần/tuần... Khoảng 90% người khảo sát đồng ý rằng thực phẩm hữu cơ là đắt so với các sản phẩm khác cùng loại. Tuy vậy, phần lớn người tiêu dùng đồng ý chi trả thêm một khoản cho thực phẩm hữu cơ.

Ngoài ra, mặc dù người tiêu dùng đều đồng ý rằng việc tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ hiện nay được xã hội khuyến khích và ủng hộ, xong họ chưa đánh giá cao tính hiệu quả của các văn bản pháp lý. Nói cách khác, người tiêu dùng Việt Nam cần một cơ sở để đảm bảo rằng họ thực sự mua được sản phẩm hữu cơ, thực sự mua đúng sản phẩm mà họ chấp nhận chi trả thêm, đắt hơn sản phẩm thông thường.

Phần lớn người tiêu dùng đồng ý chi trả thêm một khoản cho thực phẩm hữu cơ.

Phần lớn người tiêu dùng đồng ý chi trả thêm một khoản cho thực phẩm hữu cơ.

Theo Mordor Intelligence, quy mô thị trường thực phẩm và đồ uống hữu cơ toàn cầu đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Được dự đoán quy mô thị trường đạt hơn 174 tỷ USD vào năm 2024, con số này dự kiến vọt lên trên 233 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 6,02%. Đặc biệt, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang dẫn đầu xu hướng tăng trưởng, với triển vọng tăng trưởng ấn tượng nhất trong giai đoạn dự báo.

Chưa phát triển nhanh như các khu vực trên, nhưng Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến bùng nổ của hàng hóa sạch, hữu cơ. Chính phủ Việt Nam đã tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững trong ba năm qua, nhằm ổn định thị trường và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Đồng thời, Hiệp định EVFTA đã tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm hữu cơ từ châu Âu vào thị trường Việt Nam với mức giá cạnh tranh hơn, mang đến nhiều lựa chọn hợp túi tiền cho người tiêu dùng.

Ông Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, hiện nay trên thế giới có 191 quốc gia phát triển dòng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tại Việt Nam, nông dân đã canh tác hữu cơ truyền thống từ lâu đời. Tuy nhiên, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam còn rất khiêm tốn.

Tính đến cuối năm 2023, cả nước hiện có 495.000ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chiếm 4,3% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Mặc dù diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam nhỏ nhưng vẫn có rất nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, giúp nâng tầm sản phẩm nông nghiệp Việt.

Quy mô thị trường thực phẩm và đồ uống hữu cơ toàn cầu đang trên đà phát triển mạnh mẽ.

Quy mô thị trường thực phẩm và đồ uống hữu cơ toàn cầu đang trên đà phát triển mạnh mẽ.

Chẳng hạn Lâm Đồng hiện có trên 1.500ha được cấp giấy chứng nhận hữu cơ; trong đó, diện tích đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế là 1.308ha, chứng nhận tiêu chuẩn Việt Nam là 270ha, theo thống kê của Sở Nông nghiệp Và Phát triển nông thôn. Đến hết năm 2023, Lâm Đồng hỗ trợ xây dựng được 10 chuỗi liên kết, sản xuất tiêu thụ sản phẩm hữu cơ và đem lại lợi nhuận cao hơn cho người dân.

Tương tự, hiện tỉnh Bình Dương có 600ha diện tích sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ trên các loại cây trồng. Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương, cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt kế hoạch về việc thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030. Mục tiêu đến năm 2025 duy trì diện tích trồng trọt đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hiện có.

Nguồn: TBKTVN