Nguyên nhân phía sau đà tăng mạnh của đồng đôla Đài Loan
Theo tờ báo Financial Times, một nguyên nhân quan trọng phía sau đà tăng này là ngành bảo hiểm nhân thọ và khu vực xuất khẩu khổng lồ của Đài Loan đẩy mạnh việc phòng hộ sự suy yếu của tỷ giá đồng USD.
Hôm thứ Ba tuần này (1/7), đôla Đài Loan tăng giá 2,5% so với USD, đạt mức 29,16 đôla Đài Loan đổi 1 USD. Đây là phiên tăng giá mạnh nhất của đôla Đài Loan kể từ đầu tháng 5, thời điểm đồng tiền này bắt đầu tăng giá mạnh và đặt các công ty bảo hiểm nhân thọ của Đài Loan trước rủi ro thua lỗ lớn ở danh mục tài sản Mỹ mà họ nắm giữ. Sáng nay (3/7), đồng đôla Đài Loan có lúc giảm giá còn hơn 32 đôla Đài Loan đổi 1 USD.
Financial Times cho biết các công ty bảo hiểm nhân thọ của Đài Loan đang nắm 1,7 nghìn tỷ USD tài sản ở nước ngoài, phần lớn trong số đó là trái phiếu Mỹ. Thực tế này đặt các hãng bảo hiểm nhân thọ Đài Loan trước rủi ro mà xu hướng mất giá của đồng USD đặt ra. Từ đầu năm đến nay, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt đã giảm gần 11%. So với USD, đôla Đài Loan đã tăng hơn 11% trong cùng khoản thời gian.
Trao đổi với Financial Times, chiến lược gia Chandresh Jain của ngân hàng BNP Paribas nói rằng cú tăng giá mạnh của đôla Đài Loan hôm 1/7 có thể đến từ việc các công ty bảo hiểm nhân thọ Đài Loan đẩy mạnh việc phòng hộ cho sự mất giá của đồng USD bằng cách mua vào đồng đôla Đài Loan.
“Hoạt động phòng hộ tỷ giá này của các công ty bảo hiểm nhân thọ Đài Loan có thể tiếp diễn, và bản thân đồng USD cũng đang mất giá trên diện rộng nữa. Những yếu tố này có thể tạo thành vòng xoáy tự mạnh lên đối với tỷ giá đôla Đài Loan”, trưởng nghiên cứu ngoại hối của ngân hàng Maybank, ông Saktiandi Supaat, nhận định.
Trước cú tăng mạnh hôm 1/7, đồng đôla Đài Loan giảm 2,5% trong phiên ngày 30/6, sau khi có những đồn đoán cho rằng Ngân hàng Trung ương Đài Loan đã tiến hành can thiệp vào thị trường.
Đồng nội tệ tăng giá mạnh dang đặt ra thách thức đối với lĩnh vực xuất khẩu của Đài Loan. Kim ngạch xuất khẩu 475 tỷ USD của Đài Loan trong năm ngoái đóng góp khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của vùng lãnh thổ, cao hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân toàn cầu là 29% - theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).
Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Đài Loan đã cảnh báo các công ty xuất nhập khẩu về đầu cơ tỷ giá, nhấn mạnh rằng hoạt động đầu cơ “có thể làm tỷ giá biến động mạnh hơn, rốt cục gây tổn hại cho lợi ích của doanh nghiệp”.
Tương tự như đối với Đài Loan, đồng USD mất giá đang làm gia tăng sức ép tăng giá đối với đồng tiền của các nền kinh tế châu Á khác nắm lượng lớn tài sản ở nước ngoài gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Ông Jain nhấn mạnh rằng trong 2 tháng qua, các công ty bảo hiểm nhân thọ Đài Loan đã sử dụng biện pháp “phòng hộ trung gian” để bán khống đồng USD thông qua các đồng tiền khác như won Hàn Quốc hay đôla Singapore, vì cho rằng các đồng tiền này sẽ tăng giá nhanh hơn đôla Đài Loan. Dù vậy, đến hiện tại, các công ty bảo hiểm nhân thọ Đài Loan đang bắt đầu phòng hộ tỷ giá bằng chính đồng nội tệ.
“Đồng đôla Đài Loan đang tăng giá nhanh hơn cả các đồng tiền được dùng để phòng hộ trung gian”, ông Jain nói.
Tuy nhiên, giới phân tích cho biết họ tin rằng các hãng bảo hiểm nhân thọ của Đài Loan sẽ tiếp tục dùng đồng won Hàn Quốc để làm trung gian phòng hộ tỷ giá, và hoạt động này sẽ khiến đồng won tăng giá thêm.
Năm nay, won Hàn Quốc đã tăng hơn 8% so với đồng USD, do dòng tiền đổ vào thị trường cổ phiếu Hàn Quốc và kỳ vọng vào chính sách tài khóa mở rộng sau khi nước này có thủ tướng mới sau cuộc bầu cử vào tháng 6.
Theo nhà kinh tế Dhiraj Nim của ngân hàng ANZ, các nhà đầu tư nước ngoài - bao gồm các công ty bảo hiểm nhân thọ Đài Loan - có vẻ đang phòng hộ chứ không bán tháo tài sản Mỹ. Ông cũng cho rằng các nhà đầu tư có thể sẽ tăng tỷ trọng nắm giữ tài sản của các thị trường mới nổi.
“Nhưng vấn đề là tài sản gì có thể thay thế tài sản Mỹ. Thứ gì có thể thay được cho trái phiếu kho bạc Mỹ?” ông nói.
Nguồn: TBKTVN