Nhằm “cai” khí đốt Nga, Đức và Na Uy chuẩn bị xây đường ống dẫn hydgrogen khổng lồ

Theo trang CNN Business, nhà sản xuất năng lượng Đức RWE và hãng năng lượng quốc doanh Equinor của Na Uy ngày 5/1 công bố kế hoạch xây dựng một loạt nhà máy phát điện chạy bằng khí hydrogen ở Đức trong vài năm tới đây. Cùng với đó, một đường ống lớn dẫn hydrogen nối giữa hai nước cũng sẽ được xây dựng.

Thoả thuận nói trên, dù chưa có sự ràng buộc về mặt pháp lý, là một phần trong nỗ lực của Đức nhằm tiến tới chấm dứt hoàn toàn hoạt động phát điện bằng than vào năm 2030 và phi carbon hoá ngành năng lượng của nước này. Kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, Đức đã ra sức dịch chuyển khỏi Nga với tư cách một nhà cung cấp năng lượng. Trong nỗ lực đó, Đức cần tìm các nhà cung cấp năng lượng mới để thay thế cho năng lượng Nga.

“Thông qua sự cộng tác này, chúng tôi sẽ tăng cường an ninh năng lượng dài hạn cho quốc gia công nghiệp số 1 ở châu Âu”, ông Anders Opedal - CEO của Equinor - nói trong một tuyên bố chung.

Loạt nhà máy điện hydrogen dự kiến được xây dựng sẽ thuộc quyền đồng sở hữu của RWE và Equinor. Ban đầu, các nhà máy này sẽ chạy bằng khí đốt do Na Uy cung cấp, sau đó chuyển sang dùng hydrogen. Khí hydrogen này cũng được sản xuất ở Na Uy bằng khí đốt tự nhiên và được bơm qua tuyến đường ống chạy ngầm dưới biển.

Hơn 95% khí carbon dioxide thải ra từ quá trình sản xuất khí hydgrogen sẽ được thu và giữ lại dưới đáy biển - RWE và Equinor cho hay. Equinor có kế hoạch đến năm 2030 phát triển năng lực sản xuất đạt 2 gigawatt khí hydrogen. Mục tiêu cuối cùng của kế hoạch là sản xuất được khí hydrogen xanh bằng năng lượng tái sinh từ các trang trại điện gió ngoài khơi, nhưng hai đối tác Đức và Na Uy không đưa ra mốc thời gian cụ thể cho mục tiêu này.

Liên minh châu Âu (EU) đã đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt công suất sản lượng 40 gigawatt hydrogen tái chế.

“Thúc đẩy nền kinh tế hydrogen là một nhu cầu cấp bách”, CEO Markus Krebber của RWE nói trong một tuyên bố. “Hydrogen với khối lượng lớn có thể là một sự khởi đầu, và tiếp đó là chuyển đổi sang nguồn cung hydrogen xanh”.

RWE và Equinoir chưa công bố về số nhà máy điện hydrogen mà họ dự kiến xây, cũng như giá trị của thoả thuận này.

Na Uy hiện là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của châu Âu - theo dữ liệu thống kê chính thức của EU. Từ khi chiến tranh nổ ra, Nga đã cắt giảm mạnh xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Cùng với đó, Na Uy đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, lấp chỗ trống mà Nga để lại.

“Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, chúng ta đã nhận thấy tầm quan trọng của Na Uy với tư cách một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy của châu Âu. Chúng ta cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc nhanh chóng chuyển đổi sang những nguồn năng lượng tái sinh”, Thủ tướng Na Iuy Jonas Gahr Stoere phát biểu trước báo giới ở Oslo ngày 5/1.

Ngay trước chiến tranh Nga-Ukraine, Đức đã huỷ kế hoạch đưa đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 nối giữa nước này với Nga vào hoạt động. Đây là đường ống do hãng khí đốt quốc doanh Nga Gzaprom xây dựng để vận chuyển tới 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, tương đương hơn một nửa lượng khí đốt mà Đức tiêu thụ mỗi năm.

Vài tháng sau, Nga cắt giảm mạnh dòng chảy khí đốt đi qua đường ống Nord Stream 1. Dòng chảy này đã ngừng hẳn vào cuối tháng 8 và đến nay đường ống vẫn chưa hoạt động trở lại.

Hồi tháng 9, cả hai đường ống Nord Stream 1 và 2 cùng gặp một loạt sự cố rò rỉ. Đan Mạch và Thuỵ Điển cho rằng đã có hành động tấn công có chủ đích nhằm vào hai đường ống. Thậm chí, cơ quan an ninh Thuỵ Điển nói không thể loại trừ khả năng “có một thế lực nước ngoài đứng sau”.

Sự nghi ngờ đã hướng về phía Nga - nước bị cho là duy nhất trong khu vực có đủ khả năng và động cơ để hành động như vậy. Về phần mình, Moscow đã phủ nhận những nghi ngờ cho rằng họ có hành động tấn công đường ống.

Sau sự cố, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã cam kết “có sự đáp trả đoàn kết và quyết đoán” nếu xác định được đó là hành động có chủ đích.

Nguồn: TBKTVN