Nhãn Halal - Lợi thế cạnh tranh trên thị trường hồi giáo

(Được tạo bởi Quản trị viên 2 - 01-01-2016)

Chứng chỉ Halal là 1 loại chứng chỉ xác nhận rằng Sản phẩm nào đó đạt yêu cầu về các thành phần và điều kiện sản xuất đáp ứng yêu cầu của Kinh Qua'ran và luật Shariah.Halal không phải là chứng nhận về mặt chất lượng hay kỹ thuật. Mục tiêu của chứng nhận Halal nhằm đảm bảo sản phẩm được sản xuất hay chế biến theo đúng yêu cầu của kinh Qur'an và luật Shari'ah của người Hồi giáo.Theo Giám đốc điều hành Trần Xuân Giáp của Văn phòng Chứng nhận Halal (Halal Certificati on Agency - HCA ), không phải mọi DN đều hiểu đúng và phát huy ưu thế của việc được cấp chứng nhận này. 

Thực phẩm và các sản phẩm được xác nhận Halal có ý nghĩa đặc biệt cho kinh doanh tại thị trường các nước Hồi giáo hoặc các nước có nhiều người theo đạo Hồi. Nó là hình thức chứng minh các nghĩa vụ xã hội và làm tăng sự tin tưởng của khách hàng. Chứng nhận Halal là không bắt buộc để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước Hồi giáo, nhưng nó là lợi thế cạnh tranh so với các hàng hoá khác. Đối với người Hồi giáo, những sản phẩm mà họ mua để sử dụng cho con người (như đồ uống, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm..) đều phải được gắn nhãn Halal. Và họ luôn ưu tiên lựa chọn mua những sản phẩm có dấu Halal.

Để được cấp chứng nhận Halal phải đáp ứng 2 yêu cầu chính. Thứ nhất, trong quá trình sản xuất sản phẩm không sử dụng những thành phần mà trong luật Shari'ah cấm và kết quả xét nghiệm trong sản phẩm không chứa những thành phần Haram (Haram trong tiếng A rập nghĩa là bị cấm). Thứ hai, điều kiện để sản xuất ra sản phẩm đó phải tinh khiết và đảm bảo vệ sinh. Điều đó cho thấy, chứng nhận Halal là chứng nhận về mặt tôn giáo để cộng đồng người Hồi giáo có thể sử dụng được, chứ nó không phải là chứng nhận về mặt chất lượng hay môi trường.

Quy trình chứng nhận Halal là quá trình độc lập, khách quan và thực hiện qua nhiều giai đoạn đảm bảo phù hợp với chuẩn mực quốc tế theo ISO/IEC Guide 65 và ISO/TS 220003. Trước hết muốn chứng nhận Halal cho DN thì bản thân tổ chức chứng nhận phải tuân thủ các chuẩn mực và được thừa nhận trước, vì nếu không thì chứng chỉ Halal đó không được thừa nhận. Điều này không phải DN nào cũng nắm được và vô hình chung làm cho hoạt động chứng nhận Halal trở thành bất hợp pháp và không được thừa nhận. Màu xanh, đỏ và chữ Ả rập

Nhiều DN bán hàng sang các nước Hồi giáo ít khi nghiên cứu văn hóa của họ khi thiết kế bao bì sản phẩm. Họ chỉ nghĩ theo cái đẹp thông thường, nhưng vấn đề có phù hợp với văn hóa Hồi giáo và có được người tiêu dùng cuối cùng chấp nhận hay không thì lại là việc khác. Ví dụ người Hồi giáo rất thích màu xanh lá cây và màu đỏ. Khi họ mua hàng, điều quan tâm đầu tiên của họ là việc trên bao bì có chữ Ả rập hay không. Những sản phẩm có chữ Ả rập thường tạo ra sự thân thiện với người tiêu dùng Hồi giáo.

Ngoài ra, người Hồi giáo không thích có cả hình con vật nguyên vẹn trên bao bì, nó phải thiếu một bộ phận nào đó như mắt, mũi, vây, đuôi chẳng hạn. Con vật thiếu một bộ phận nghĩa là nó không còn linh hồn nữa. Đối với mọi nước Hồi giáo chỉ cần thiết kế một loại bao bì  vì người Hồi giáo dù ở nước nào cũng đều nói được tiếng Ả rập. Hơn nữa, người Do thái cũng mua sản phẩm có dấu Halal, vì những sản phẩm này phù hợp với những nguyên tắc giết mổ, thực hành sản xuất,... về mặt tôn giáo đối với họ.

Những khác biệt văn hóa nào cần quan tâm khi giao tiếp với người Hồi giáo

Người Hồi giáo rất sợ khi nghe anh nói: "Tôi không theo đạo". Họ cho rằng, không theo tôn giáo nào cả nghĩa là không có đức tin và người như vậy không đáng tin cậy.Khi giao tiếp người hồi giáo không bắt tay phụ nữ và đưa cho họ vật gì đó thì không nên đưa bằng tay trái mà nên đưa bằng tay phải, vì họ quan niệm rằng, tay phải là tay sạch sẽ còn tay trái là để rửa những thứ gì bẩn thỉu.

Người Hồi giáo ít khi làm việc vào ngày thứ Sáu, do vậy nên hạn chế giao tiếp công việc với họ, nhất là sau 12 giờ trưa, vì đó là giờ hành lễ của họ.

Nên hạn chế liên lạc hay tiếp xúc với họ vào các tháng Ramadan, tức là các tháng nhịn ăn của người Hồi giáo. Họ nhịn ăn, nhịn uống từ 5 giờ sáng đến 6 giờ chiều và thời gian đó họ thực hiện các nghi lễ tại thánh đường. Nếu làm việc nhiều khi đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.

Người Hồi giáo không ăn thịt lợn, thịt chó, rắn, rết, những động vật hoang dã, có móng vuốt, hoặc các loại động vật không được giết mổ theo nghi lễ Hồi giáo, các loại đồ uống có cồn. Họ ưa thích thủy sản, gà, cừu, dê, đặc biệt là thịt cừu vì phù hợp với khẩu vị của những người xứ nóng.

Sự chân thật, trung thực đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh. Họ rất ghét sự giả dối, nói một đằng làm một nẻo - như chúng ta thường gọi là lật kèo.Đừng lạm dụng dấu Halal

Địa chỉ liên hệ

Văn phòng Chứng nhận Halal (Halal Certificati on Agency - HCA ) tại Hà Nội là tổ chức duy nhất ở Việt Nam được sự cho phép hoạt động của Ban Tôn giáo Chính phủ và được thừa nhận bởi Liên minh các Tổ chức Chứng nhận Halal Quốc tế (International Halal Intergrity Alliance - IHI Alliance) có trụ sở tại Malaysia. Điều có nghĩa là chứng nhận của chứng tôi được công nhận tại các quốc gia Hồi giáo.Hiện có khoảng 300 tổ chức cấp chứng nhận Halal trên thế giới nhưng chỉ có 107 tổ chức được quốc tế thừa nhận, trong đó có chúng tôi là tổ chức duy nhất tại Việt Nam.

Theo thống kế không chính thức thì tại Việt Nam hiện có khoảng 100 DN được cấp chứng nhận Halal, trong đó phần lớn là các DN chế biến thủy sản. Hiệu lực của chứng chỉ Halal chỉ trong vòng 1 năm. Lý do chứng nhận Halal chỉ có hiệu lực trong vòng 1 năm và phải được giám sát định kỳ 6 tháng một lần là để đảm bảo: thứ nhất, điều kiện sản xuất được tuân thủ về mặt VSATTP; thứ hai, không sử dụng dấu Halal cho sản phẩm khác.

Hiện có rất nhiều công ty sử dụng dấu Halal cho các sản phẩm mà không được chứng nhận, (thậm chí cho cả sản phẩm có thành phần thịt lợn!) hoặc không đánh giá thực tế mà vẫn sử dụng chứng chỉ. Đương nhiên, đó là các DN không phải do chúng tôi cấp chứng nhận vì chúng tôi hoạt động theo chuẩn mực quốc tế. Chúng tôi đã cảnh báo các cơ quan chức năng liên quan về việc này và chúng tôi có cả bao bì sản phẩm của các DN để chứng minh họ gian lận.

HCA phải giám sát tất cả các khách hàng đã được cấp chứng nhận Halal. Ngoài ra, chúng tôi có mạng lưới cộng đồng Hồi giáo tại các tỉnh và họ cung cấp thông tin cho chúng tôi. Nếu một DN nào đó gian lận thương mại thì trong vòng 1 tuần cả thế giới Hồi giáo đều biết, vì thông tin trong cộng đồng Hồi giáo có sức lan tỏa rất nhanh. Khi sinh hoạt cộng đồng họ sẽ thông tin cho nhau về những gì mà họ cho là vi phạm các điều cấm trong kinh Qur'an. Vì thế, chúng tôi lưu ý DN không nên lạm dụng chứng nhận Halal vì sản phẩm của anh rất dễ bị cộng đồng Hồi giáo tẩy chay.



Võ Hoàng Bích Ngọc – XTTM, ITPC (Tổng hợp)