Những "quả bom" nợ trên thị trường bất động sản thương mại thế giới
Ở New York và London, chủ sở hữu của những tòa nhà văn phòng bóng bẩy đang chìm trong núi nợ. Chủ sở hữu của trung tâm mua sắm lớn nhất ở thành phố San Francisco đang muốn bỏ trốn, còn một tòa nhà chọc trời mới xây ở Hồng Kông chỉ cho thuê được 1/4 diện tích.
Theo Bloomberg, những cơn đau này đang len lỏi bên trong thị trường bất động sản thương mại, tựa như một căn bệnh sắp đổ ập lên nền kinh tế toàn cầu. Ngay cả khi thị trường chứng khoán phục hồi và các nhà đầu tư kỳ vọng tốc độ tăng lãi suất sẽ giảm, thì rắc rối về bất động sản sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm.
Sau một thời gian dài điên cuồng mua sắm do tiền rẻ, chủ sở hữu và người vay đang gặp nhiều khó khăn với những thay đổi khi lãi suất tăng, trong khi nhu cầu, thói quen của người dân thay đổi mạnh hậu đại dịch.
Đồng thời, lãi suất cao hơn khiến việc mua hoặc tái cấp vốn cho các tòa nhà trở nên đắt đỏ hơn. Chỉ riêng ở Mỹ, khoảng 1.400 tỉ USD các khoản vay bất động sản thương mại sẽ đáo hạn trong năm nay và năm tới. Khi đến hạn trả nợ, các chủ nợ sẽ phải đối mặt với khoản tiền gốc khổng lồ hoặc sẽ nhiều người lựa chọn vỡ nợ thay vì cố gồng lãi.
Trong bối cảnh đó, Blackstone, Brookfield và Pimco là các chủ sở hữu lựa chọn ngừng thanh toán nợ của một số tòa nhà khi họ có cách thức sử dụng tiền mặt và tài nguyên tốt hơn.
Số lượng giao dịch đang giảm xuống và nếu có giao dịch thì giá cũng giảm rõ rệt. Tại Mỹ, nơi tỉ lệ quay lại văn phòng thấp hơn so với ở châu Á và châu Âu, giá trị của các tòa nhà văn phòng đã giảm tới 27% kể từ tháng 3/2022, thời điểm lãi suất bắt đầu tăng. Chi phí xây cao ốc cũng giảm 21%, còn chi phí xây dựng trung tâm thương mại giảm 18%. Ở châu Âu, giá văn phòng dự kiến giảm 25% còn ở châu Á là 13%.
Nhìn lại quá khứ, phải mất 6 năm để giá văn phòng ở Mỹ phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, mặc dù giai đoạn đó tập trung vào bất động sản nhà ở. “Lần này chúng tôi nghĩ sẽ mất 10 năm,” ông Richard Barkham, nhà kinh tế toàn cầu của CBRE Group, cho biết.
Những tai ương của bất động sản thương mại sẽ gây thêm căng thẳng cho hệ thống tài chính vốn đã quay cuồng với cuộc khủng hoảng năm nay tại các ngân hàng khu vực. Và khi suy thoái trầm trọng hơn, một số thành phố sẽ chịu tác động khi có nhiều tòa nhà trống và doanh thu đến từ thuế bất động sản thấp hơn.
Câu hỏi đặt ra là liệu vấn đề với bất động sản thương mại có đủ nghiêm trọng để gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung hay không. Dù nghe có vẻ không nghiêm trọng như khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản nhà ở nhưng vấn đề này không chỉ nằm trong các tòa nhà chọc trời giữa các đô thị mà nó còn lan tới cả khu vực trung tâm các thị trấn nhỏ, các tòa chung cư ở ngoại ô hay cả những nhà kho rộng lớn.
Hiện tại, tình trạng nợ nần đã kéo dài từ Los Angeles đến Thụy Điển và Hàn Quốc. Viễn cảnh tăm tối này là điều mà nhiều trung tâm tài chính và kinh doanh lớn trên thế giới đang phải trải qua, trong bối cảnh nhu cầu làm việc tại văn phòng đi xuống còn thương mại điện tử thì lên ngôi.
Nguồn: Nhipcaudautu