Quay lại

Những thuận lợi, cơ hội và khó khăn thách thức với hàng Việt tại thị trường Campuchia

Cơ hội - Thuận lợi

Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới trên đất liền dài khoảng 1.255km đi qua 9 tỉnh của Campuchia là Ratanakiri, Mondulkiri, Kratié, Tbong Khmum, Svay Rieng, Prey Veng, Kandal, Takéo, Kampot và 10 tỉnh của Việt Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. Giữa hai nước có 11 cửa khẩu quốc tế, 10 cửa khẩu quốc gia, 25 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để quan hệ hợp tác thương mại, kinh tế, du lịch của hai nước phát triển.

Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Campuchia sau Mỹ, với kim ngạch 1,39 tỉ USD trong quý 1, tăng ấn tượng 53% so với cùng kỳ năm trước. Campuchia chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như hạt điều, sắn, dừa và cao su sang Việt Nam. Campuchia nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm xăng dầu tinh chế và sắt thép.

Campuchia là nguồn cung của nhiều loại nguyên liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp trong nước của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phát triển số lượng đáng ghi nhận các dự án tại Campuchia nhằm cung cấp nguyên liệu phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp trong nước, nhất là cao su, góp phần giúp Campuchia ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế.

Cả hai nước đều là thành viên của ASEAN và đều được hưởng lợi từ những cam kết trong khu vực, hầu hết các mặt hàng XNK giữa Việt Nam và Campuchia (trừ một số mặt hàng bảo lưu) đều được hưởng thuế từ 0- 5%. Bên cạnh đó, Việt Nam và Campuchia có nhiều đặc điểm tương đồng về văn hóa, nhu cầu thị trường, thói quen tiêu dùng. Đây là những yếu tố hết sức thuận lợi để hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam được đón nhận tại thị trường Campuchia”

Khó khăn –Thách thức   

Khi xuất khẩu hàng hoá vào Campuchia là kênh phân phối tại Campuchia còn khá sơ khai, nhiều mặt hàng nhỏ lẻ được thực hiện xuất nhập khẩu và phân phối qua các chợ đầu mối, nhất là nhóm hàng nông, thuỷ sản. Các nhà nhập khẩu tại Campuchia cũng chưa tập trung.

Hàng Việt tại Campuchia bị cạnh tranh gay gắt về giá và chất lượng, mẫu mã của các sản phẩm đến từ Trung Quốc, Thái Lan. 

Các thủ tục hành chính, tính minh bạch trong quy trình hải quan và thuế còn chưa hoàn thiện đã làm tăng gánh nặng chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp Việt xuất khẩu vào thị trường Campuchia.

Hạ tầng vận tải và giao thông  kết nối với thị trường Campuchia chưa đồng bộ nên chưagiảm bớt chi phí vận chuyển và thời gian cho hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận thị trường Campuchia một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Những kiến nghị đối với doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường CampuchiaTrước tiên, các doanh nghiệp cần nắm vững thông tin về thị trường Campuchia, bao gồm xu hướng tiêu dùng, quy định pháp lý và các chuẩn mực kỹ thuật, để có thể điều chỉnh chiến lược kinh doanh và sản phẩm phù hợp.

Thứ hai, các doanh nghiệp cần tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao và giá cả cạnh tranh để thu hút người tiêu dùng Campuchia. Việc tìm hiểu và thích nghi với nhu cầu và sở thích của khách hàng địa phương là một yếu tố quan trọng trong việc thành công trên thị trường xuất khẩu.

Cuối cùng, các doanh nghiệp cần xây dựng mạng lưới phân phối rộng lớn và ổn định trong thị trường Campuchia để đảm bảo rằng sản phẩm của họ có thể tiếp cận được người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất.

Nguồn: Phòng Thông tin.