Quay lại

Những vấn đề lớn của nền kinh tế Ấn Độ

Nền kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng ấn tượng: thị trường chứng khoán nước này bùng nổ, Chính phủ đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng và các dự án năng lượng sạch, GDP dự kiến tăng trưởng 6% trong năm nay, vượt tốc độ tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, có một vấn đề là đầu tư của doanh nghiệp Ấn Độ lại không tương xứng với sự phát triển như vậy. Lượng vốn mà các công ty nước này dành cho hoạt động kinh doanh trong tương lai như: mua máy móc và xây dựng nhà máy mới, đang đình trệ. 

Nếu xét trên tỷ trọng so với nền kinh tế, lượng vốn đầu tư của doanh nghiệp Ấn Độ thậm chí đang giảm. Dù nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào thị trường chứng khoán Ấn Độ, nhưng vốn đầu tư nước ngoài dài hạn vào nước này lại đang đi xuống.

Đến một thời điểm nào đó, khi Chính phủ Ấn Độ phải giảm bớt chi tiêu, áp lực suy giảm tăng trưởng đối với nền kinh tế sẽ xuất hiện nếu đầu tư của khu vực tư nhân không khởi sắc để lấp đầy khoảng trống mà đầu tư công để lại. Ở thời điểm hiện tại, không ai cho rằng kinh tế Ấn Độ sẽ đến lúc ngừng tăng trưởng, nhưng mức tăng 6% hàng năm vẫn chưa đủ để đáp ứng các tham vọng của New Delhi. Dân số lớn nhất thế giới của Ấn Độ vẫn không ngừng tăng lên. Chính phủ nước này đã đặt mục tiêu đuổi kịp Trung Quốc về kinh tế và trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2047. Phần lớn các nhà kinh tế học cho rằng một cú nhảy vọt như vậy đòi hỏi mức tăng  khoảng 8-9% mỗi năm.

Tình trạng thiếu đầu tư của khu vực tư nhân cũng là một thách thức đối với ông Narendra Modi, người đã giữ cương vị Thủ tướng Ấn Độ từ năm 2014 đến nay và luôn đau đáu mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành một địa chỉ kinh doanh dễ dàng hơn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ đang cho thấy cả ưu điểm và nhược điểm, nhà đầu tư tiếp tục giữ quan điểm thận trọng.

ĐẦU TƯ CÔNG BÙNG NỔ, TƯ NHÂN VẪN DÈ DẶT
Nhiều người tin rằng Ấn Độ sẽ hưởng lợi từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và mối quan hệ giảm sút giữa Trung Quốc với phương Tây cũng mở ra cơ hội cho Ấn Độ thông qua việc thúc đẩy doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Ông Sriram Viswanathan, một nhà quản lý quỹ gốc Ấn làm việc cho quỹ đầu tư mạo hiểm Celesta của Thung lũng Silicon, cho rằng nhà đầu tư “muốn lấp đầy khoảng trống trong chuỗi cung ứng”. “Tôi cho rằng đó chính là cơ hội cho Ấn Độ”, ông nhấn mạnh trong một cuộc trao đổi với tờ báo New York Times.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã hoan nghênh cam kết của Ấn Độ về đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Trên thực tế, Chính phủ nước này đã đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng trong suốt thời gian đại dịch Covid-19, thời điểm mà khu vực kinh tế tư nhân gặp khó. Sau đó, việc đầu tư cho lĩnh vực này thậm chí được Ấn Độ đẩy mạnh hơn nữa, để cải thiện đường sá, hải cảng, sân bay, mạng lưới cung cấp điện… vốn dĩ yếu kém và lạc hậu, gây cản trở hoạt động đầu tư trong những thập kỷ trước.

Nhưng WB nói rằng điều quan trọng là hàng tỷ USD vốn đầu tư mà Chính phủ Ấn Độ rót vào cơ sở hạ tầng cần phải thúc đẩy được hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Năm 2023 đã là năm thứ ba liên tiếp mà WB dự báo hiệu ứng thúc đẩy của đầu tư công (crowd-in effect) sẽ sớm xuất hiện ở Ấn Độ. Hiệu ứng thúc đẩy là khi đầu tư công sẽ kéo theo sự gia tăng của đầu tư khu vực tư nhân. Chẳng hạn, khi nhà nước xây dựng một hải cảng mới gần một khu công nghiệp mới, doanh nghiệp sẽ bị thu hút tới đặt nhà máy tại khu công nghiệp đó. “Để thúc đẩy sự gia tăng niềm tin, đầu tư công là chưa đủ. Cần phải có cải cách sâu hơn để khu vực tư nhân đầu tư”, ông Auguste Tano Kouame, Giám đốc quốc gia WB tại Ấn Độ, phát biểu tại một cuộc họp báo hồi tháng 4/2023.

Niềm tin còn thấp là một lý do vì sao thị trường chứng khoán Ấn Độ lập kỷ lục mà nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn dè dặt với việc rót vốn đầu tư lâu dài vào nền kinh tế Ấn Độ thông qua các công ty khởi nghiệp (startup) hay các vụ thâu tóm doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán ở Mumbai, thủ phủ tài chính của Ấn Độ, đã đạt giá trị vốn hóa gần 4 nghìn tỷ USD, từ mức 3 nghìn tỷ USD cách đây 1 năm và vượt qua cả quy mô của thị trường chứng khoán Hồng Kông. Trong khi đó, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ trong vòng 1 năm qua đã giảm còn 13 tỷ USD, từ mức 40 tỷ USD trước đó.

Những vấn đề lớn của nền kinh tế Ấn Độ  - Ảnh 1

Theo New York Times, có một lý do khiến doanh nghiệp muốn theo dõi và chờ đợi trước khi đưa ra quyết định đầu tư ở Ấn Độ, đó là chính phủ đầy quyền lực của ông Modi. Một mặt, doanh nghiệp luôn mong muốn sự ổn định chính trị, và có thể nói, chưa bao giờ Ấn Độ có một nhà lãnh đạo với vị thế chắc chắn như đương kim Thủ tướng. Ông Modi đã đánh bại đảng đối lập chính tại 3 cuộc bầu cử lớn vào tháng 12 và gần như chắc chắn sẽ tái đắc cử trong cuộc bầu cử năm nay. Chưa kể, ông là một nhà lãnh đạo thân thiện với doanh nghiệp.

Nhưng mặt khác, trong công tác điều hành nền kinh tế, Chính phủ của ông Modi cũng theo đuổi chủ nghĩa can thiệp mà đôi khi có thể đặt ra rủi ro đối với doanh nghiệp. Chẳng hạn, tháng 8/2023, Chính phủ Ấn Độ bất ngờ công bố hạn chế nhập khẩu máy tính xách tay để thúc đẩy sản xuất mặt hàng này trong nước. Biện pháp này đã khiến các công ty phụ thuộc vào nguồn máy tính xách tay nhập khẩu điêu đứng, sau đó lệnh cấm bất ngờ được rút lại. Trước đó vào tháng 7, Chính phủ đột ngột áp thuế truy thu 28% đối với các công ty cá độ trực tuyến, khiến ngành công nghiệp trị giá 1,5 tỷ USD này suy sụp chỉ sau một đêm.

NHIỀU TRỞ NGẠI KHIẾN NHÀ ĐẦU TƯ THẬN TRỌNG
Những doanh nghiệp thân cận với Chính phủ của ông Modi kinh doanh đặc biệt thuận lợi. Hai ví dụ điển hình là Tập đoàn Reliance Industries của tỷ phú Mukesh Ambani và Tập đoàn Adani Group của tỷ phú Gutam Adani. Hai doanh nghiệp khổng lồ này có mặt trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống ở đất nước tỷ dân. Cả hai tập đoàn đã lớn mạnh rõ rệt trong những năm gần đây, với cổ phiếu công ty chủ lực của mỗi tập đoàn đã tăng gấp khoảng 6 lần so với ở thời điểm ông Modi mới trở thành Thủ tướng.

Không thể phủ nhận rằng trong 9 năm qua, ông Modi đã có những cải cách khiến môi trường kinh doanh ở Ấn Độ được cải thiện. Các hệ thống quan trọng vận hành tốt hơn, tham nhũng được hạn chế và việc số hóa thương mại đã mở ra những cơ hội tăng trưởng mới. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài phàn nàn rằng vẫn còn đó nhiều trở ngại truyền thống khi họ tìm đến Ấn Độ. Được đề cập đến nhiều nhất là tình trạng quan liêu: có quá nhiều quan chức ở mỗi cấp phê chuẩn và quy trình đánh giá pháp lý diễn ra quá chậm chạp, chưa nói tới việc thực thi...

Nguồn: TBKTVN