Nợ toàn cầu giảm lần đầu tiên từ năm 2015

Nhờ sự phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2022 từ đáy sâu của đại dịch, khối nợ tính bằng đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2015.

Hãng tin Reuters dẫn một nghiên cứu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) công bố ngày 22/2 cho thấy tổng giá trị nợ danh nghĩa toàn cầu giảm khoảng 4 nghìn tỷ USD trong năm ngoái, xuống dưới ngưỡng 300 nghìn tỷ USD - cột mốc được thiết lập vào năm 2021.

Nhưng trong bối cảnh lãi suất đi vay tăng lên, đặc biệt đối với các thị trường mới nổi, sự giảm nợ này hoàn toàn thuộc về các nước giàu hơn. Tổng nợ của các nước giàu đã giảm gần 6 nghìn tỷ USD, còn 200 tỷ USD - theo dữ liệu của IIF.

Ngược lại, tổng nợ của các nước đang phát triển lập kỷ lục mới ở mức 98 nghìn tỷ USD. Trong đó, Nga, Singapore, Ấn Độ, Mexico và Việt Nam là những nước chứng kiến nợ tăng mạnh nhất - IIF cho hay.

Một diễn biến khả quan khác là tỷ lệ nợ toàn cầu so với GDP đã giảm 12 điểm phần trăm trong năm ngoái, còn 338%, đánh dấu năm giảm thứ hai liên tiếp.

Dù vậy, một lần nữa, sự cải thiện này tập trung ở các nền kinh tế phát triển, với tỷ lệ nợ so với GDP giảm 20 điểm phần trăm, còn 390%. Trái lại, tỷ lệ nợ so với GDP của các nền kinh tế mới nổi tăng 2%, lên mức 250% GDP. Dẫn đầu sự gia tăng tỷ lệ nợ này là Trung Quốc và Singapore.

Đi sâu hơn vào các con số, IIF ước tính tỷ lệ nợ chính phủ so với GDP của các nền kinh tế mới nổi tăng lên mức khoảng 65% trong năm 2022, từ mức dưới 64% trong năm trước đó.

“Gánh nặng nợ nước ngoài của chính phủ nhiều nước đang phát triển đã gia tăng do sự mất giá nghiêm trọng của đồng nội tệ của các quốc gia trong năm 2022 so với đồng USD”, IIF nhấn mạnh. Cũng theo IIF, sự mất giá đồng tiền của các nền kinh tế đang phát triển đã khiến nhu cầu của nhà đầu tư quốc tế đối với các đồng tiền này giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm và “không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm hồi phục”.

Ngân hàng đầu tư JPMorgan đưa ra một góc nhìn khác về tình trạng nợ nần trên toàn cầu. Trong một báo cáo công bố ngày 2/2, các nhà phân tích của JPMorgan nói rằng cho dù nợ của các nền kinh tế phát triển giảm trong năm 2022, đà gia tăng nợ nần của nhóm nước này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 13 năm có thể ví như một sự bùng nổ.

JPMorgan tính rằng tỷ lệ nợ công so với GDP của các nước phát triển đã tăng thêm gần 50 điểm phần trăm lên mức 122% từ mức 73% trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính. Trong số 21 nền kinh tế lớn của thế giới, có 13 nước chứng kiến tỷ lệ  nợ công so với GDP tăng trên 30 điểm phần trăm trong khoảng thời gian trên; 8 nước còn lại có mức tăng hơn 45 điểm phần trăm.

Mức tăng xấp xỉ 50 điểm phần trăm trong vòng 13 năm nói trên là một vấn đề đang phải xem xét, vì trong vòng 40 năm xảy ra trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính, tỷ lệ nợ công so với GDP của các nước phát triển chỉ tăng 40%. Và trong 40 năm đó, thế giới cũng đã trải qua nhiều cú sốc lớn, bao gồm giai đoạn stagflation (lạm phát cao kết hợp tăng trưởng kinh tế trì trệ) trong thập niên 1970 và gia đoạn bùng nổ chi tiêu công trong thập niên 1980.

“Tốc độ gia tăng vượt bậc của nợ trong 13 năm qua đặt ra câu hỏi về sự bền vững”, báo cáo của JPMorgan viết, không quên đề cập tới biến động mạnh xảy ra trên thị trường tài chính Anh sau khi Chính phủ chỉ tồn tại trong thời gian chóng vánh của cựu Thủ tướng Anh Liz Truss công bố kế hoạch cắt giảm thuế trong khi đang ồ ạt chi tiêu.

Dựa trên một khuôn khổ vền vững nợ, JPMorgan ước tính rằng cân đối cơ bản (primary balance - tính bằng cho vay ròng trừ đi tiền lãi phải trả) của các nền kinh tế phát triển cần phải được cải thiện bình quân 3,8 điểm phần trăm từ mức âm 3,4% GDP hiện nay để giữ cho nợ không tăng thêm.

Bền vững nợ ở Mỹ cần mức cải thiện lớn hơn, 4,4 điểm phần trăm. Đối với Nhật Bản, quốc gia đang là nước nặng nợ nhất trong số các nền kinh tế phát triển, mức độ cần thắt chặt lên tới hơn 9 điểm phần trăm.

Nếu các nền kinh tế phát triển nói chung muốn giảm nợ về mức trước khủng hoảng tài chính, việc giảm gần 40 điểm phần trăm trong tỷ lệ nợ so với GDP sẽ đòi hỏi thặng dư cho vay cơ bản 4,3% trong vòng 10 năm - đồng nghĩa với thắt chặt tài khoá ở mức cao 7,7 điểm phần trăm duy trì trong vòng 1 thập kỷ.

“Bền vững nợ ư? Quên chuyện đó đi”, các nhà phân tích của JPMorgan nhận định.

Nguồn: TBKTVN