Quay lại

Nỗi lo về làn sóng hàng Trung Quốc ở Mỹ và châu Âu

Giữa tháng 3 năm nay, Lisa - một phụ nữ 27 tuổi và vừa kết hôn - được nhận vào làm trong một nhà máy sản xuất ô tô điện ở gần Bắc Kinh của hãng xe điện Trung Quốc Li Auto. Tuy nhiên, chỉ đến tháng 5, Lisa mất công việc này.

“Họ bảo chúng tôi doanh số bán xe điện thấp do điều kiện kinh doanh xấu, nên công ty phải giảm sản xuất”, Lisa cho biết. Cô nói thêm rằng hơn 1.000 công nhân tại nhà máy xe điện đó được đề nghị nghỉ việc luôn hoặc lĩnh lương tối thiểu và đợi cho tới khi tình hình trở nên khả quan hơn.

Theo tờ báo Nikkei Asia, áp lực đối với nhà chức trách Trung Quốc phải giữ công ăn việc làm cho những người như Lisa đang đặt ra nguy cơ làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc với phương Tây. Trong bối cảnh người tiêu dùng Trung Quốc không muốn hoặc không thể tiêu thụ được nhiều hàng hoá sản xuất trong nước, Mỹ và Liên minh châu ÂU (EU) lo ngại Bắc Kinh sẽ phớt lờ các nguyên tắc của thương mại toàn cầu và bán tháo hàng hoá giá rẻ được nhà nước trợ cấp sang các thị trường khác.

Trong một động thái thể hiện mối lo ngại này, Mỹ vào tháng trước đã công bố tăng gấp 4 lần thuế quan đối với xe điện của Trung Quốc lên 100%, đồng thời tăng thuế quan đối với các tấm pin mặt trời, chất bán dẫn và một số sản phẩm thép và nhôm có xuất xứ Trung Quốc, để chống lại “các hoạt động thương mại không công bằng”. EU dự kiến ​​sẽ sớm hoàn tất cuộc điều tra chống trợ cấp của riêng mình nhằm vào hàng Trung Quốc và kết quả điều tra có thể dẫn đến các mức thuế mới.

Về phần mình, Trung Quốc khẳng định những lo ngại của phương Tây là “vô căn cứ”. Trong chuyến thăm Paris vào tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng ngành năng lượng mới của Trung Quốc “đại diện cho năng lực sản xuất tiên tiến, không chỉ làm phong phú thêm nguồn cung toàn cầu và giảm bớt áp lực lạm phát toàn cầu mà còn đóng góp đáng kể cho các nỗ lực toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh.”.

“Không có cái gọi là ‘vấn đề dư thừa năng lực sản xuất của Trung Quốc’”, hãng thông tấn Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập.

“RA NƯỚC NGOÀI HOẶC PHÁ SẢN”

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã cảm nhận rõ áp lực sinh tồn. Tại một cuộc họp gần đây do Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM)tổ chức, ông Yao Xiaodong - Tổng thư ký của liên minh công nghiệp “phương tiện năng lượng mới” ở khu vực đồng bằng sông Dương Tử - nói rằng các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc phải “tiến ra thị trường nước ngoài hoặc phá sản”.

Trung Quốc hiện có ít nhất 77 nhà sản xuất ô tô và 129 thương hiệu ô tô - con số mà giới chuyên gia cho là quá nhiều ngay cả đối với thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Với tỷ lệ công suất hiệu dụng (capacity utilization rate) của các nhà máy ở nước này giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ sau đại dịch COVID-19, cách mà Trung Quốc và các công ty của nước này ứng phó thách thức có thể ảnh hưởng đến số phận của nền kinh tế trong nước cũng như các mối quan hệ quốc tế mong manh.

Giống như Li Auto, hầu hết xe điện Trung Quốc đều được sản xuất tại các nhà máy mới được thành lập và đủ điều kiện nhận trợ cấp từ chính quyền địa phương và tín dụng giá rẻ từ các ngân hàng quốc doanh. Các chính sách hỗ trợ đã giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành, nhưng đồng thời cũng dẫn tới số lượng lớn quá mức các nhà sản xuất ô tô điện ở một quốc gia mà nền kinh tế đang gồng mình vượt qua cuộc khủng hoảng bất động sản.

“Do sự khuyến khích từ các khoản trợ cấp của chính quyền địa phương, nhiều công ty đã tham gia vào lĩnh vực công nghệ năng lượng xanh mặc dù thiếu trình độ chuyên môn”, giáo sư Chen Zhiwu thuộc Đại học Hồng Kông (HKU) nhận định.

Không chỉ trong lĩnh vực ô tô, dư thừa công suất cũng đang xảy ra ở các ngành công nghiệp khác của Trung Quốc, chẳng hạn như ngành thép. Dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ công suất hiệu dụng của các nhà máy ô tô ở nước này đã giảm xuống còn 64,87% trong quý đầu năm nay, thấp hơn nhiều so với mức chuẩn 75%. Nghiên cứu của công ty Gasgoo, một nhà cung cấp dịch vụ thông tin ngành ô tô có trụ sở tại Thượng Hải, cho thấy tỷ lệ công suất hiệu dụng của lĩnh vực phương tiện sử dụng năng lượng mới tại Trung Quốc vào năm 2023 chỉ khoảng 47,5%.

Theo một tuyên bố hồi tháng 11 của CEO của các nhà sản xuất pin hàng đầu Trung Quốc, bao gồm CATL, tỷ lệ công suất hiệu dụng của các nhà máy sản xuất pin điện và pin lưu trữ năng lượng ở nước này đã lần lượt giảm xuống dưới 60% và 55% vào năm 2023.

Li Auto đã xử lý tình trạng dư thừa công suất bằng cách cắt giảm mục tiêu doanh số bán xe cả năm còn 560.000-640.000 từ 800.000 xe trước đó. Hãng cũng tuyên bố sa thải 18% lực lượng lao động.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp ở nước này sẽ chần chừ với việc giảm công suất của ngành sản xuất. Sự chần chừ này có thể làm gia tăng mâu thuẫn với phương Tây vốn đang tin rằng sự dư thừa công suất của Trung Quốc là mối đe doạ đối với các ngành công nghiệp trụ cột của họ, nhất là ngành ô tô.

“Các công ty Trung Quốc sẽ chủ động hạ giá và bán mạnh sản phẩm của họ sang Mỹ và EU, vì các nước đang phát triển không thể hấp thụ được công suất sản xuất lớn như vậy do sức mua hạn chế. Vì vậy, Mỹ và EU cần chuẩn bị trước cho cú sốc này”, giáo sư Chen nhận định.

THỪA CÔNG SUẤT HAY THIẾU NHU CẦU?

Mỹ và châu Âu đang tiến hành sự chuẩn bị như vậy. Tại Đức vào cuối tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã kêu gọi châu Âu hợp tác với Mỹ để giải quyết vấn đề này. “Nếu chúng ta không phản ứng một cách chiến lược và thống nhất, khả năng tồn tại của các doanh nghiệp ở cả nước chúng ta và trên toàn thế giới có thể gặp rủi ro”, bà Yellen nói.

“Bộ tam sản phẩm mới” - gồm ô tô điện, pin lithium và các sản phẩm quang điện - mang về cho Trung Quốc kim ngạch xuất khẩu 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (138 tỷ USD) trong năm 2023, tăng 30% so với năm trước đó. Theo CAAM, tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu ô tô điện đã vượt xa tăng trưởng doanh số bán trong nước từ năm 2020-2023. Trung Quốc mới chỉ xuất khẩu chưa đầy 15% ô tô điện sản xuất ở nước này, nhưng lượng xuất khẩu ngày càng tăng đã khiến phương Tây bất an. Năm 2023, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới.

Công suất công nghiệp của Trung Quốc tăng lên khi nước này dựa ngày càng nhiều vào sản xuất để tăng cường năng lực công nghệ và cạnh tranh với Mỹ. Trung Quốc không chỉ xây dựng ồ ạt các nhà máy xe điện, mà còn sản xuất ngày càng nhiều các sản phẩm công nghệ cao khác như điện thoại thông minh của Huawei và Xiaomi. Khi tỷ suất lợi nhuận giảm vì cạnh tranh khốc liệt, lại đối mặt với sự suy giảm của nhu cầu trong nước và tình trạng mất giá của nhân dân tệ so với USD, các công ty Trung Quốc càng có động lực để xuất khẩu.

Theo giới chuyên gia, có một số việc mà Trung Quốc có thể làm để xoa dịu mối lo của phương Tây, như nhập khẩu thêm hàng hoá Mỹ và châu Âu như máy bay thương mại; kêu gọi các công ty trong nước giảm bớt cuộc chiến giá cả; hay khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc xây nhà máy ở nước ngoài.

Ông Wang Guanghua, Giám đốc Viện Kinh tế Thế giới thuộc Đại học Phúc Đán, nói rằng một số doanh nghiệp Trung Quốc chắc chắn sẽ phải thu hẹp hoạt động khi các chính quyền địa phương hết khả năng tài chính để hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Wang cho rằng “thách thức căn bản” đối với Trung Quốc bây giờ không phải là dư thừa công suất mà là không có đủ nhu cầu tiêu dùng.

Theo ông Wang, khi không sống được ở thị trường trong nước, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải tìm cách xây dựng nhà máy ở nước ngoài, nhưng việc này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và việc làm ở Trung Quốc. Trong khi đó, đối với Trung Quốc, việc duy trì công ăn việc làm, nhất là cho lao động trẻ, đang là một vấn đề đặc biệt quan trọng. Ngành ô tô điện và các ngành liên quan đang là nơi cung cấp việc làm cho hàng triệu lao động nước này.

Chưa kể, ra nước ngoài cũng không phải là một việc dễ dàng. Trên thực tế, doanh số đáng thất vọng ở châu Âu đã khiến hãng xe Great Wall Motor của Trung Quốc đóng cửa trụ sở khu vực ở Munich. Một số hãng pin Trung Quốc cũng đã phải huỷ bỏ kế hoạch mở rộng hoạt động ở Đức.

Nguồn: TBKTVN