Quay lại

Ô tô, Tivi Trung Quốc tràn vào Nga

Tại Nga, hàng điện tử tiêu dùng và ô tô Trung Quốc đang lấp đầy chỗ trống mà các nhà sản xuất Hàn Quốc để lại sau khi rời khỏi thị trường này để phản ứng với cuộc chiến ở Ukraine.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu, trong 5 tháng đầu năm 2023, hai công ty sản xuất ô tô Trung Quốc Great Wall Motor và Geely đã lần lượt chiếm vị trí thứ 2 và thứ 3 về doanh số tại thị trường Nga. Vị trí dẫn đầu thuộc về nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Nga, AvtoVAZ.

So với cùng kỳ năm trước, doanh số của Great Wall và Geely đã tăng gấp hơn 3 lần và thế chân hai thương hiệu Kia và Hyundai Motor của Hàn Quốc. Trước khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, năm 2021, Kia và Hyundai đứng thứ 2 và thứ 3 về doanh số tại thị trường ô tô Nga. Trong 5 tháng đầu năm 2023, Kia tụt xuống vị trí thứ 7, còn Hyundai đứng thứ 11, chủ yếu bởi tập đoàn Hyundai Motor - cũng là công ty mẹ của Kia - đã dừng hoạt động sản xuất tại Nga.

Vào tháng 3/2022, không lâu sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Hyundai đã cho dừng hoạt động nhà máy ở St. Petersburg - nơi cũng sản xuất ô tô thương hiệu Kia. Truyền thông Hàn Quốc sau đó đã đưa tin về khả năng Hyundai sẽ bán nhà máy này.

Không chỉ ô tô, ở mảng điện tử tiêu dùng, trong đó có TV, các nhà sản xuất Trung Quốc như Haier và Hisense cũng đang thế chân các đối thủ Hàn Quốc như Samsung Electronics và LG Electronics - theo công ty bán lẻ điện tử Nga M.Video-Eldorado Group.

Số phận những công ty không thể rời Nga dù muốn

Ô tô, Tivi Trung Quốc tràn vào Nga - Ảnh 1

Cũng giống như các doanh nghiệp Nhật Bản và phương Tây, LG và Samsung đã ngừng xuất khẩu hàng hóa sang Nga với lý do quan ngại về vấn đề nhân đạo cũng như những vấn đề trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, Chính phủ Nga đã hợp pháp hóa hoạt động nhập khẩu song song - hoạt động không cần nhận được sự cho phép của các nhà sản xuất hay nhà phân phối chính thức - nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước đối với hàng điện tử tiêu dùng và hàng hóa tiêu dùng hàng ngày.

Theo Nikkei Asia, thời gian qua, hàng hóa Hàn Quốc vẫn được nhập khẩu vào Nga thông qua các nước thứ ba. Tuy nhiên, việc nhập khẩu thông qua con đường này phải chịu thêm phí vận chuyển và thời gian giao hàng chậm trễ.

Trong tháng 3, tại Nga, giá bình quân một chiếc TV do Hàn Quốc sản xuất đã tăng khoảng 20%. Do đó, với người tiêu dùng Nga, các lựa chọn giá rẻ hơn từ Trung Quốc hấp dẫn hơn.

Với điện thoại thông minh, một yếu tố quan trọng là khả năng tiếp tục sử dụng các ứng dụng thanh toán của Nga với chức năng tương tự như trước khi Moscow bị áp đặt trừng phạt. Theo M.Video, trong nửa đầu năm 2023, các nhà sản xuất điện thoại di động Trung Quốc đã chiếm lĩnh hơn 70% thị trường Nga. Ngày càng nhiều người Nga lựa chọn hàng Trung Quốc vì sự tiện lợi.

“Các nhà sản xuất Trung Quốc chẳng phải làm gì nhưng thị phần vẫn tăng lên”, ông Naoya Hase, giám đốc văn phòng Moscow của Hiệp hội Thương mại Nhật Bản với Nga & NIS, nhận xét.

Từ năm 2022 đến nay, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga để phản ứng với cuộc chiến tranh ở Ukraine đã mở ra cơ hội cho các thương hiệu ô tô và đồ điện tử Trung Quốc tăng thị phần tại thị trường Nga. Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc gồm Chery Automobile, Great Wall Motor và Geely Automobile chiếm tổng cộng 16,5% doanh số xe chở khách và xe thương mại cỡ nhỏ mới tại Nga năm 2022, tăng từ mức 6,3% một năm trước đó.

Theo truyền thông Nga, thị phần của các thương hiệu ô tô Trung Quốc có thể vượt 25% trong năm 2023 khi các hãng này được hưởng lợi nhờ việc vẫn duy trì được nguồn cung phụ tùng thuận lợi từ Trung Quốc.

Cũng giống Ấn Độ và nhiều quốc gia khác, Trung Quốc không tham gia áp đặt trừng phạt với Nga cùng với các nước phương Tây. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, năm 2022, thương mại giữa hai quốc gia tăng 30%, ghi nhận năm thứ hai liên tiếp đạt mức kỷ lục.

Nguồn: TBKTVN