Phấp phỏng lo kinh tế 2023

Lo là phải, khi sản xuất công nghiệp, động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế tiếp tục gặp khó. Mặc dù Chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2/2023 ước tính tăng 5,1% so với tháng 1/2023 và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nếu tính chung 2 tháng lại giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân không đâu khác chính là do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.

Số liệu thống kê về thương mại hàng hóa của Việt Nam càng cho thấy rõ điều này. Hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước chỉ đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 46,62 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu hàng hóa giảm mạnh hơn, nên cán cân thương mại hàng hóa đã thặng dư 2,82 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái nhập siêu 0,3 tỷ USD và trên một góc độ nào đó, đây là con số tích cực. Tuy vậy, nhập khẩu giảm mạnh cũng có thể là dấu hiệu cho thấy những khó khăn của sản xuất, của xuất khẩu trong những tháng tới đây. Đơn hàng giảm chính là lý do khiến lượng nguyên vật liệu nhập khẩu về giảm.

Thị trường ngoài nước đã vậy, thị trường trong nước cũng khó khăn không kém, khi sức mua của nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều. Loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 2 tháng đầu năm 2023 vẫn tăng 9,2% so với cùng kỳ và con số này là rất tích cực so với mức giảm 1,1% của cùng kỳ năm 2022. Thậm chí, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm 2023 vẫn tăng 24,9% so với hai tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Nhưng chính Tổng cục Thống kê cũng thừa nhận rằng, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 77,7% quy mô của chỉ tiêu này, nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.

Khi động lực của sản xuất bị sụt giảm, không quá khó hiểu vì sao, khu vực doanh nghiệp tiếp tục gặp khó. Hai tháng đầu năm 2023, cả nước chỉ có 37.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 51.400 doanh nghiệp, tăng 14,5%, cao hơn cả con số “mới sinh” và quay trở lại.

Nhìn con số bình quân mỗi tháng có 25.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, có thể thấy một điều rất rõ ràng rằng, kinh tế còn khó khăn, khu vực doanh nghiệp chưa thể sớm phục hồi.

Thực tế, khi năm 2023 bắt đầu, rất nhiều kỳ vọng được đặt vào khu vực dịch vụ. Song tổng mức bán lẻ thì chưa có nhiều cải thiện. Trong khi đó, ngành du lịch cũng vẫn đứng trước nhiều thách thức.

Hai tháng, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 1,8 triệu lượt người, gấp 36,6 lần so với cùng kỳ năm trước, song vẫn chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa có dịch Covid-19. Khi nào du lịch thực sự phục hồi mạnh mẽ, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là câu hỏi không dễ trả lời.

Câu chuyện nằm ở chỗ, trong khi kinh tế khó khăn như vậy, gây áp lực lên mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, thì áp lực lạm phát tăng cao ngày càng hiện hữu. Dù Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2023 chỉ tăng 0,45% so với tháng trước đó, nhưng đã tăng 0,97% so với tháng 12/2022 và tăng tới 4,31% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính bình quân của 2 tháng, mức tăng là 4,6%. Thậm chí, điều đáng chú ý là lạm phát cơ bản của 2 tháng đã tăng tới 5,08%, cao hơn mức CPI bình quân chung.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đúng khi ngay từ tháng 1/2023 đã cảnh báo rằng, các khó khăn, thách thức đang ngày càng gia tăng cả từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế. Cùng với đó, sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô đang ngày càng tăng cao.

Sau 2 tháng, có lẽ các cảnh báo này tiếp tục được đặt ra ở mức cao hơn, khi các khó khăn, thách thức hiển hiện rõ ràng hơn. Điều này một lần nữa đòi hỏi cần có giải pháp chủ động điều hành mới, chính xác, kịp thời, phù hợp với tình hình mới, đồng thời triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn, để góp phần hóa giải các khó khăn, thách thức và tận dụng thời gian, cơ hội để tiếp tục phục hồi nền kinh tế.

Nguồn: Báo Đầu tư