Sớm tăng thuế TTĐB đồ uống, nhanh mất lợi thế cạnh tranh trên sân nhà
Ngành đồ uống đã và đang ghi nhận sự sụt giảm mạnh từ doanh thu cho đến lợi nhuận. Sau đại dịch Covid-19, khi người dân đang phải thắt chặt chi tiêu, thế giới lại nổ ra nhiều cuộc xung đột dẫn đến chi phí nguyên liệu đầu vào, logistics tăng cao... là những yếu tố đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành đồ uống Việt Nam.
Nhu cầu sụt giảm, giá bán không thể tăng
Từ thực tiễn hoạt động của DN trong 3 năm gần đây, ông Lâm Du An, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) cho biết, từ năm 2021, doanh thu của DN giảm 10-15% so với năm 2019, năm 2022 doanh thu giảm 7% và năm 2023 doanh thu giảm 11%, lợi nhuận trước thuế giảm 23%.
“Hiện chi phí đầu vào và nguyên liệu thô cho sản xuất của DN như giá hoa houblon, vỏ lon, nắp chai, các nguyên phụ liệu, chi phí vận chuyển... đã tăng cao hơn so với mức lạm phát. Các nhà máy sản xuất đang chịu giá đầu vào tăng 20%-40% trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh và giá bán không thể tăng”, ông Lâm Du An nêu thực tế.
Năm 2023 doanh thu ngành đồ uống Việt Nam giảm 11%, lợi nhuận trước thuế giảm 23%
Qua thực tế nắm bắt tình hình hoạt động của các DN nói chung và DN đồ uống nói riêng, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận xét, ngành đồ uống đang gặp tác động tiêu cực kép từ đại dịch Covid-19, tác động của tình hình thế giới và những chính sách liên quan. Đáng chú ý hiện nay, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đang được xem xét sửa đổi theo hướng điều chỉnh tăng theo lộ trình, bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế…
Khẳng định việc áp dụng thêm mức thuế TTĐB tuyệt đối sẽ tạo sự mất công bằng lớn cho ngành đồ uống Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, khi các DN trong ngành đồ uống phải đóng thuế TTĐB nhiều hơn, bị mất lợi thế cạnh tranh đối với DN nước ngoài. Chính sự cạnh tranh thiếu công bằng vô lý này sẽ khiến các DN đồ uống trong nước kinh doanh thua lỗ, không còn động lực để đầu tư mở rộng hay chiều sâu và dẫn đến phá sản. Nguy hiểm hơn, sự mất cân đối lại tạo lợi thế, động lực cho các DN nước ngoài đầu tư mở rộng sản xuất, nhanh chóng thôn tính thị trường Việt Nam.
“Từ trước tới nay vẫn có tình trạng trốn thuế trong ngành đồ uống ở khu vực phi chính thức. DN kinh doanh không khai báo đăng ký thuế, đồng thời có sự khai man sản lượng tiêu thụ để trốn thuế… Việc áp mức thuế tuyệt đối để tính thuế TTĐB cho sản lượng tiêu thụ trong khu vực phí chính thức là bất khả thi, chưa nói tới việc áp mức thuế tuyệt đối quá cao cho sản phẩm đồ uống bình dân giá thấp lại khuyến khích họ càng trốn thuế nhiều hơn”, ông Hải chỉ ra.
Đánh giá tác động một cách toàn diện
Tình hình kinh tế năm 2024 dự đoán sẽ còn tiếp tục khó khăn, các DN ngành đồ uống đang bày tỏ mong muốn Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm, xem xét, cân nhắc, đánh giá các chính sách một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện thực tế. Thời điểm hiện tại xem xét chưa tăng thuế TTĐB đối với ngành đồ uống.
Bày tỏ việc tăng thuế TTĐB thời điểm này đối với ngành đồ uống là chưa phù hợp, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) chỉ ra bất lợi, tiến trình này có thể dẫn đến những ảnh hưởng nặng nề không chỉ với DN sản xuất mà còn với cả chuỗi cung ứng và người tiêu dùng. “VBA kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét lùi lộ trình sửa đổi Luật Thuế TTĐB ít nhất từ năm 2025 trở đi, để tạo các điều kiện giúp các DN phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại”, ông Hưng đề xuất.
Chuyên gia cho rằng, không nên ban hành chính sách chỉ làm lợi cho một số DN, lại gây thiệt hại cho cả ngành đồ uống thương hiệu Việt
Cho rằng các lý lẽ, quan điểm ủng hộ việc tính thuế TTĐB bằng phương pháp hỗn hợp là hoàn toàn không khả thi, vì vậy ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI nêu quan điểm, không nên ban hành chính sách chỉ làm lợi cho một số DN, lại gây thiệt hại cho cả ngành đồ uống thương hiệu Việt, cũng như làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước và đặc biệt là quyền lợi người tiêu dùng. “Phương pháp tình thuế hỗn hợp cũng không phải là phương pháp tiên tiến, hội nhập cho Việt Nam. Xét thực tiễn ở Việt Nam, chỉ có cách tính thuế TTĐB đồ uống theo phương pháp tương đối là khả thi, đơn giản và công bằng nhất”, ông Hải khẳng định.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc tăng thuế 10% đối với sản phẩm bia có thể khiến sản lượng của ngành đồ uống giảm đáng kể. Theo bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), lộ trình mức tăng thuế TTĐB theo dự kiến của Bộ Tài chính là tương đối cao. Vì vậy, các chính sách ban hành cần bảo đảm nhất quán với định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ phục hồi và phát triển DN. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB cần phải đánh giá tác động một cách toàn diện khi đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế TTĐB.
Nguồn: VOV