Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam ổn định, lãi suất duy trì thấp

Theo báo cáo công bố ngày 5/11 của Ngân hàng Standard Chartered, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ổn định với mức GDP năm 2024 đạt 6,8%, nhờ đà phát triển tích cực trong các lĩnh vực xuất khẩu và công nghiệp.

cang(2).jpg

Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định

Báo cáo cũng cho thấy triển vọng lãi suất được duy trì ở mức thấp, tạo động lực thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong bối cảnh quốc tế còn nhiều biến động. Dù đối mặt với những thách thức từ áp lực lạm phát dự kiến tăng vào năm 2025, Việt Nam vẫn sẽ duy trì thặng dư thương mại, củng cố sự ổn định cho nền kinh tế trong dài hạn.

Standard Chartered cho biết, tháng 10 vừa qua, kinh tế Việt Nam trải qua điều chỉnh nhẹ so với đà tăng trưởng mạnh của tháng 9, phản ánh nhiều lĩnh vực kinh tế đã bước vào giai đoạn phát triển ổn định thay vì tăng trưởng đột phá. Điều này cho phép Ngân hàng Nhà nước duy trì mức lãi suất thấp, giúp giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và hộ gia đình, từ đó hỗ trợ nền kinh tế tốt hơn.

Theo dự báo mới nhất, tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam được điều chỉnh từ mức 6,0% lên 6,8%, nhờ sự phục hồi mạnh trong các quý trước. Tuy nhiên, Standard Chartered cho rằng tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại từ quý III, do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế quốc tế với áp lực lạm phát cao và nguy cơ suy thoái.

Trong quý IV, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 6,9%. Một số chỉ tiêu khác cho thấy dấu hiệu chững lại, khi doanh số bán lẻ được dự báo tăng 6,2% so với mức 7,6% trước đó, và xuất khẩu đạt 6,2%, giảm so với mức 10,7% của năm ngoái.

bieu-do-tang-truong.png

Dù vậy, xuất khẩu điện tử ghi nhận dấu hiệu tích cực, chứng tỏ lĩnh vực này vẫn đóng vai trò là một động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, nhập khẩu và sản xuất công nghiệp được kỳ vọng tăng lần lượt 4,0% và 9,2%. Tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước, thể hiện dòng vốn ổn định vào nền kinh tế.

Về ngoại thương, Việt Nam tiếp tục ghi nhận nhiều tháng xuất siêu liên tiếp trong năm nay, với thặng dư thương mại tháng 10 được dự báo đạt 3,8 tỷ USD, tăng từ mức 2,3 tỷ USD của tháng trước. Thành quả này không chỉ góp phần gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Việt Nam và Thái Lan của Standard Chartered, chia sẻ: “Mặc dù kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với một số áp lực ngắn hạn, chúng tôi nhận thấy nền kinh tế đang có sự phát triển tích cực hơn kỳ vọng. Chính phủ Việt Nam đang áp dụng các biện pháp thúc đẩy kinh tế, tạo điều kiện duy trì lãi suất thấp trong tương lai gần. Lạm phát gần đây đã giảm, nhưng có khả năng sẽ tăng trở lại mức 3,0% vào tháng 10 và dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2025, với một đợt điều chỉnh lãi suất 50 điểm cơ bản của Ngân hàng Nhà nước vào quý II/2025.”

tim-leelahaphan.jpg

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Việt Nam và Thái Lan của Standard Chartered, cho rằng kinh tế Việt Nam đang có sự phát triển tích cực hơn kỳ vọng

Báo cáo của Standard Chartered nhấn mạnh rằng, dù Việt Nam đang đạt những kết quả tích cực, vẫn có những thách thức cần đối mặt trong dài hạn. Tăng lạm phát có thể là trở ngại chính, đặc biệt khi các yếu tố địa chính trị và biến đổi khí hậu tiếp tục ảnh hưởng đến giá cả toàn cầu. Đồng thời, việc đồng VND có thể yếu đi so với các ngoại tệ chính sẽ tạo áp lực điều hành lên Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu phải linh hoạt trong điều chỉnh lãi suất để ổn định thị trường tài chính.

Để duy trì động lực phát triển bền vững, Việt Nam cần tiếp tục các chính sách ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành xuất khẩu. Lãi suất thấp sẽ là yếu tố hỗ trợ quan trọng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Nguồn: Tap chí DNSG