Quay lại

Tám bước để tiếp thị doanh nghiệp của bạn

(Được tạo bởi Phongthongtin - 01-08-2022)

1. Thực hiện nghiên cứu thị trường

Nghiên cứu thị trường là một phần quan trọng trong chiến lược tiếp thị. Điều này bao gồm thu thập thông tin chuyên sâu về suy nghĩ, hình thức mua hàng, và vị trí của khách hàng. Ngoài ra, nghiên cứu thị trường cũng có thể hỗ trợ bạn thực hiện dự báo cho việc bán hàng, theo dõi xu hướng thị trường và hoạt động của đối thủ cạnh tranh.

2. Lập hồ sơ thị trường mục tiêu của bạn

Cố gắng tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ đến tất cả mọi người là một việc hết sức tốn kém và kém hiệu quả. Phân nhóm những khách hàng tiềm năng dựa trên những đặc tính nhất định sẽ giúp bạn tập trung để nỗ lực quảng bá sản phẩm.

Việc phân nhóm thường dựa vào những yếu tố như sau:

- Địa lý - vị trí

- Nhân khẩu học - tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn, thu nhập, nghề nghiệp

- Hành vi - mức độ trung thành, thái độ/quan điểm, mức độ sẵn sàng mua hàng, tỉ lệ sử dụng

- Lối sống - tầng lớp xã hội, tính cách, giá trị cá nhân

Thị trường mà bạn nhắm tới cần phải có nhu cầu với sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn và sẵn lòng chi trả cho chúng.

3. Xác định lợi thế bán hàng độc đáo của bạn (USP)

USP là lý do độc nhất mà khách hàng phải chọn bạn chứ không phải đối thủ của bạn - điều khiến doanh nghiệp của bạn nổi bật so với đám đông. Điều quan trọng là phải xác định điều khiến bạn khác biệt và có thể truyền đạt nó đến cho khách hàng tiềm năng. Điều này thường phản ánh kiến thức hoặc kĩ năng đặc biệt của bạn.

USP có thể là một ưu đãi mới, độc đáo hoặc dịch vụ đặc biệt mới có. Hãy bắt đầu phát triển USP của bạn bằng cách trả lời những câu hỏi sau:

- Điều bạn yêu thích nhất ở sản phẩm, dịch vụ của bạn là gì?

- Bạn có kĩ năng hay kiến thức đặc biệt gì?

- Điều gì khiến khách hàng chọn bạn thay vì đối thủ của bạn?

- Khách hàng được lợi gì khi chọn mua sản phẩm, dịch vụ của bạn?

- Bạn thường nêu bật khía cạnh gì khi giới thiệu doanh nghiệp của mình cho một người lạ?

4. Phát triển thương hiệu

Mọi doanh nghiệp, bất kể quy mô nào, đều cần có thương hiệu. Một thương hiệu không chỉ là logo, màu sắc hay vài dòng giới thiệu. Một thương hiệu tốt có thể kết nối về mặt cảm xúc với khách hàng tiềm năng, truyền tải thông điệp bạn là ai, bạn đại diện cho điều gì và bạn có thể cung cấp những gì.

5. Chọn cách thức tiếp thị

Dù có rất nhiều loại hình tiếp thị có sẵn nhưng hãy cân nhắc đối tượng hướng tới khi bạn quyết định lựa chọn.

Các lựa chọn bao gồm trang web doanh nghiệp, phương tiện truyền thông xã hội,  blog, brochure, tờ rơi, sự kiện, quảng cáo in ấn, truyền miệng, gọi điện thoại và gửi thư.

6. Đặt mục tiêu và ngân sách

Đặt mục tiêu tiếp thị sẽ giúp bạn xác định những gì muốn đạt được thông qua các hoạt động tiếp thị. Mục tiêu của bạn phải SMART trên cơ sở: cụ thể, có thể đo lường được, có thể đạt được, phù hợp và có thời hạn.

Bạn cũng cần phân bổ ngân sách cho các hoạt động tiếp thị. Ngân sách tiếp thị cần bao gồm các yếu tố như:

- Phát triển và bảo trì trang web

- Chiến lược tối ưu hóa công cụ tìm kiếm

- Thiết kế thương hiệu

- In ấn tài liệu quảng cáo (danh thiếp, tài liệu quảng cáo, bảng hiệu,….)

- Quảng cáo

- Quyên góp và tài trợ

- Tuyển dụng nhân viên đảm nhận các hoạt động marketing.

7. Chăm sóc khách hàng trung thành của bạn

Khách hàng là chìa khóa thành công của bạn, vì vậy điều quan trọng là phải chăm sóc họ và khuyến khích lòng trung thành của khách. Cung cấp dịch vụ khách hàng đặc biệt có thể giữ chân khách quay lại và khiến bạn trở nên khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh.

Các chiến lược để xây dựng lòng trung thành ở khách hàng bao gồm:

- Giao tiếp thường xuyên với khách hàng thông qua mạng xã hội, blog hoặc tin tức điện tử

- Cung cấp dịch vụ sau bán hàng

- Thực hiện lời hứa của bạn

- Cung cấp những lợi ích vượt quá mong đợi ban đầu

- Xem phản hồi và khiếu nại như một cơ hội để cải thiện dịch vụ

- Lắng nghe khách hàng

- Đào tạo nhân viên ở bộ phận dịch vụ khách hàng và bán hàng.

8. Theo dõi và xem xét

Điều quan trọng là phải thường xuyên theo dõi và xem xét các hoạt động tiếp thị để xác định xem liệu chúng có đạt được kết quả mong muốn hay không, chẳng hạn như tăng doanh số bán hàng. Thoạt đầu, bạn nên xem xét kế hoạch tiếp thị ba tháng một lần để đảm bảo các hoạt động tiếp thị đang hỗ trợ cho chiến lược của bạn. Một khi doanh nghiệp trở nên vững chắc hơn, hãy xem lại kế hoạch khi bạn giới thiệu một sản phẩm hoặc dịch vụ mới, nếu một đối thủ cạnh tranh mới tham gia vào thị trường hoặc nếu một vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến ngành của bạn.

Hoạt động giám sát bao gồm việc xem xét số liệu bán hàng một cách thường xuyên (hàng tháng) hoặc giám sát hoạt động của khách hàng trong suốt chiến dịch quảng cáo. Bạn cũng có thể truy cập và xem xét các công cụ phân tích miễn phí để xác định hiệu quả của các chiến dịch trên mạng xã hội hoặc trang web.