Quay lại

Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 và triển vọng 2024

Tính đến tháng 10/2023, đa số các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ tăng nhẹ so với các kỳ dự báo trước đó, nhưng vẫn thấp hơn tương đối so với tốc độ tăng trưởng năm 2022.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ từ 3,5% vào năm 2022 giảm xuống còn 3,0% vào năm 2023 và tiếp tục giảm xuống còn 2,9% vào năm 2024, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình lịch sử là 3,8% từ năm 2000 đến 2019 (IMF 2023). Ủy ban châu Âu cũng dự báo mức tăng trưởng tương đương về kinh tế toàn cầu năm 2023, đạt 3,2%, điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 5/2023.

Ngân hàng Thế giới (WB) bi quan hơn khi giảm mức dự báo tăng trưởng xuống còn 2,1% trong năm 2023 (mặc dù hồi đầu năm, tổ chức này dự báo mức tăng chỉ đạt 1,7%);  Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng trưởng 3%, trước khi giảm còn 2,7% vào năm 2024.

TÌNH HÌNH TĂNG TRƯỞNG TOÀN CẦU NĂM 2023 

Sự suy giảm tăng trưởng dự kiến ở các nền kinh tế phát triển sẽ rất lớn, đi từ mức tăng trưởng 2,6% vào năm 2022 xuống còn 1,5% vào năm 2023 và tiếp tục giảm xuống 1,4% vào năm 2024. Sự suy giảm này chủ yếu là do các biện pháp siết chặt chính sách tiền tệ lẫn tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, cùng các tác động từ cuộc chiến ở Ukraine.

Khu vực đồng tiền Euro có sự suy giảm rõ rệt hơn, với tốc độ tăng trưởng giảm từ 3,3% năm 2022 xuống chỉ còn 0,7% năm 2023, do tác động từ cuộc chiến ở Ukraine. Hoạt động kinh tế ở Liên minh châu Âu (EU) đã rất chậm trong nửa đầu năm 2023, GDP thực tế của EU đã tăng 0,2% trong quý thứ nhất và vẫn giữ nguyên trong quý thứ hai. Trong khu vực đồng tiền Euro, tăng trưởng trong cả hai quý chỉ đạt 0,1% (theo Gentiloni, Ủy viên Ủy ban châu Âu).

Sự trì trệ của tiêu dùng cá nhân cho thấy giá tiêu dùng cao đối với hầu hết hàng hóa và dịch vụ đã gây ảnh hưởng nặng hơn so với dự kiến, mặc dù giá năng lượng giảm và việc mở rộng tiếp tục của việc làm và tăng lương. Ngoài ra, việc chậm rãi cung cấp tín dụng ngân hàng cho thấy chính sách tiền tệ đang góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu.

Tính đến hết quý 1/2023, nợ công tại khu vực Eurozone đã giảm 2,3% so với quý 2/2023, từ 86% xuống còn 83,7%. Đây có thể coi là một bước tiến chung của khu vực sau hơn một năm cố gắng giảm thiểu tác động tiêu cực từ cuộc chiến tại Ukraine.

Nhờ sự giảm mạnh nhanh chóng của giá năng lượng, thực phẩm và hàng công nghiệp, tỷ lệ lạm phát toàn khu vực đồng Euro đã giảm xuống còn 5,3% vào tháng 7/2023, bằng một nửa so với mức đỉnh ghi nhận vào tháng 10/2022 và vẫn duy trì ổn định trong các tháng cuối năm. Dự kiến lạm phát sẽ tiếp tục giảm mạnh, đạt trung bình 5,6% vào năm 2023 và giảm xuống còn 2,9% vào năm 2024 ở khu vực đồng Euro. Trong Liên minh châu Âu, lạm phát có thể sẽ giảm xuống 6,5% năm 2023 và 3,2% năm 2024.

Ở Đức, GDP trong nửa đầu năm 2023 đã yếu đáng kể hơn so với những dự kiến trước đây. Sự suy giảm về mức lương thực tế đã gây áp lực lên tiêu dùng tại Đức, trong khi nhu cầu thế giới giảm đã dẫn đến sự suy giảm xuất khẩu hàng hóa. Nền kinh tế Đức dự kiến sẽ giảm 0,5% năm 2023, một sự đảo ngược mạnh so với mức tăng trưởng dự kiến 0,2% hồi đầu năm. Trong năm 2024, GDP thực tế của Đức dự kiến ​​sẽ phục hồi với tốc độ tăng trưởng là 1%, chủ yếu nhờ sự phục hồi về tiêu dùng.

Ở Pháp, hoạt động kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ trong quý II/2023, chủ yếu nhờ xuất khẩu ròng. Tuy nhiên, nhu cầu nội địa hồi phục vẫn rất chậm. Dự kiến ​​tăng trưởng kinh tế của Pháp có thể đạt 1,0% vào năm 2023 và 1,2% vào năm 2024. Đây là mức tăng so với dự báo đầu năm của Ủy ban châu Âu rằng nước này có thể về tăng trưởng 0,7% vào năm 2023 và 1,4% vào năm 2024...

Các nền kinh tế phát triển tiên tiến khác như Nhật Bản và Anh cũng sẽ trải qua sự suy giảm tốc độ tăng trưởng chậm hơn

Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có thể chứng kiến mức suy giảm tăng trưởng tương đối thấp, từ 4,1% năm 2022 sẽ xuống còn 4,0% vào cả hai năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, có sự chênh lệch lớn ở các khu vực, tốc độ tăng trưởng của khu vực các nước mới nổi tại châu Á sẽ tăng từ 4,5% năm 2022 lên 5,2% năm 2023 trước khi giảm xuống và còn 4,8% vào năm 2024, chủ yếu nhờ vào sức tăng trưởng từ Ấn Độ.

Các nước mới nổi tại châu Âu dự kiến sẽ thấy tốc độ tăng trưởng tăng từ 0,8% năm 2022 lên 2,4% năm 2023 và 2,2% năm 2024, nhờ vào nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng trưởng mạnh mẽ ở một số nước.

Trung Đông và Trung Á sẽ thấy một sự suy giảm đột ngột tốc độ tăng trưởng từ 5,6% năm 2022 xuống còn 2,0% năm 2023 trước khi tăng lên 3,4% năm 2024, chủ yếu do giá dầu yếu giảm gây tác động tiêu cực đối với một số quốc gia.

CÁC YẾU TỐ CHÍNH ẢNH HƯỞNG ĐẾN TĂNG TRƯỞNG TOÀN CẦU 

Về tổng thể, nền kinh tế toàn cầu năm 2023 đang chịu tác động kéo dài của nhiều cú sốc tiêu cực cả cũ lẫn mới, như: đại dịch Covid-19; xung đột giữa Nga và Ukraine và diễn biến bất ngờ từ đụng độ dữ dội chưa từng thấy giữa Hamas và Israel ngày 7/10/2023; nhiều quốc gia phát triển vẫn đang duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát; kéo theo đó là vấn đề thu hẹp tiêu dùng và sụt giảm lượng đơn hàng xuất khẩu vẫn rất phổ biến; các vấn đề chung về tái cấu trúc nền kinh tế cùng thị trường bất động sản suy thoái...

Việc giá năng lượng và chi phí đi vay vẫn ở mức cao, đang kéo giảm khả năng cạnh tranh của nhiều nền kinh tế phát triển, từ đó làm gia tăng các khoản nợ xấu cũng như sự an toàn tài chính chung của nhiều quốc gia. Hệ thống ngân hàng toàn cầu cũng đang chịu áp lực lớn kéo dài, nhiều vụ phá sản đến từ các ngân hàng lâu đời đã diễn ra trong năm nay, trong khi tại một số nơi lại chứng kiến lượng tiền ứ đọng lớn không thể giải ngân do nhu cầu đầu tư xuống rất thấp.

Công nghệ số tiếp tục tạo động lực tăng trưởng nhưng cũng gây ra nhiều quan ngại toàn cầu.

Công nghệ số tiếp tục tạo động lực tăng trưởng nhưng cũng gây ra nhiều quan ngại toàn cầu.

Lãi suất thực tăng ở hầu hết các nền kinh tế, ngoại trừ Nhật Bản, đã khuyến khích người dân toàn cầu gia tăng tiết kiệm và khiến chi phi thực hiện các khoản vay mới tăng lên. Các yếu tố này đã khiến việc cho vay của ngân hàng chậm lại đáng kể ở các nền kinh tế tương đối phụ thuộc vào ngành ngân hàng, đặc biệt là đối với các hộ gia đình. Số lượng vị trí tuyển dụng giảm, áp lực an sinh xã hội gia tăng.

Tăng trưởng tiềm năng toàn cầu dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ, đạt 2,2% trong thời gian còn lại của thập niên 2020 gắn với lực lượng lao động toàn cầu đang già đi và tăng trưởng chậm hơn, tốc độ tăng trưởng đầu tư và năng suất các nhân tố tổng hợp ngày càng giảm; sự phân mảnh địa kinh tế ngày càng sâu sắc, với nhiều hạn chế hơn về thương mại, dịch chuyển vốn xuyên biên giới, công nghệ, lao động và thanh toán quốc tế có thể làm gia tăng biến động về giá cả hàng hóa và cản trở sự hợp tác đa phương trong việc cung cấp hàng hóa công toàn cầu. Ngoài ra, nền kinh tế toàn cầu ngày càng dễ bị tổn thương trước những cú sốc do biến đổi khí hậu và mục tiêu phát triển bền vững...

Đáng lưu ý là có một số nhân tố mới đã ảnh hưởng quan trọng đến tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 và tới đây, bao gồm:

Thứ nhất, đại dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát. Sau khi chứng kiến đỉnh dịch gần nhất vào khoảng đầu năm 2023, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia đã kết thúc tình trạng khẩn cấp do đại dịch từ giữa năm 2023 và diễn biến dịch bệnh trong giai đoạn cuối năm cũng không gây quá nhiều chú ý. Như vậy, đại dịch Covid-19 về cơ bản đã không còn là mối bận tâm chung trong nỗ lực thoát khỏi nguy cơ suy thoái kinh tế năm 2023.

Thứ hai, sự trỗi dậy của kinh tế Ấn Độ. Ấn Độ đang là nền kinh tế gây ấn tượng nhất năm 2023. Ernst & Young dự đoán Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế trị giá 26 nghìn tỷ USD vào năm 2047, với thu nhập bình quân đầu người tăng gấp sáu lần lên 15.000 USD (Ernst & Young, 2023). New Delhi hiện đang đặt mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng “đáng tin cậy và có sức chống chịu” sau sự gián đoạn do đại dịch Covid-19. Ấn Độ hiện cũng đang là quốc gia ít bị ảnh hưởng tiêu cực từ các bất ổn kinh tế - chính trị hiện nay trên thế giới...

Nguồn: TBKTVN