Quay lại

Tập huấn “Tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng”

Ngày 06/10/2022, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) và Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng tổ chức buổi Tập huấn “Tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng”. Chương trình cập nhật những thông tin mới nhất về các tiêu chuẩn quốc tế an toàn thực phẩm, xu hướng tiêu dùng thực phẩm an toàn của các tập đoàn bán lẻ, nhà phân phối lớn và các thị trường xuất khẩu tiềm năng trên thế giới. Chương trình diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh 2022 (HCMC FOODEX 2022) từ ngày 19 đến ngày 22 tháng 10 năm 2022 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn - SECC.

Chương trình có sự hiện diện của các đại biểu: ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC); bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT); ông Lý Hoàng Hải - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng; bà Nguyễn Thị Phượng Vĩ - Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng - Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng; ông Tô Tuấn Huy - Đánh giá viên trưởng - Eurofins Assurance Việt Nam. Chương trình cũng có sự hiện diện của hơn 250 người đến từ sở ngành, cơ quan báo, đài và các doanh nghiệp.

Theo ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC), kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 23 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước.

Tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ngành lương thực thực phẩm của Thành phố ước tăng 26,9%. Ngành chế biến lương thực, thực phẩm Thành phố đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất sang nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang có sự biến chuyển, chính sách của các nước lớn cũng thay đổi nhanh chóng với xu hướng gia tăng hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan, hàng rào về tiêu chuẩn về kỹ thuật, lao động, bảo vệ môi trường tại nhiều khu vực. Cùng với đó người tiêu dùng ngày càng yêu cầu tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm của các nước nhập khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp chúng ta phải liên tục cập nhật thông tin về các thay đổi tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, xu hướng tiêu dùng thực phẩm trong tương lai từ đó có định hướng chiến lược đầu tư, thay đổi quy trình sản xuất, nguồn cung nguyên liệu phù hợp để đáp ứng được yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu hàng hóa.

Tại buổi Tập huấn, bà Nguyễn Thị Phượng Vĩ, Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng, Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng trình bày một số nội dung liên quan đến: tình hình thực phẩm xuất khẩu; khung quy định luật thực phẩm các thị trường; dư lượng các hoạt chất trong thực phẩm; một số giải pháp kỹ thuật.

Để tránh xảy ra các vấn đề liên quan đến pháp lý dành cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm lương thực, thực phẩm, nội dung trình bày đặc biệt nhấn mạnh đến các khung quy định luật thực phẩm tại các thị trường trọng điểm: EU, USA, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc phân tích đánh giá các dư lượng hoạt chất có trong nhóm sản phẩm lương thực, thực phẩm cũng đã nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo ông Tô Tuấn Huy, Đánh giá viên trưởng, Eurofins Assurance, việc hiểu rõ các khái niệm và quy định trong đánh giá các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (HACCP, ISO 9001, FSSC 22000, BRCGS food safety phiên bản 9) là việc hết sức cần thiết. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có các biện pháp phòng vệ thương mại để tránh các rủi ro trong gian lận thương mại.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) đơn vị phối hợp tổ chức chương trình tập huấn cho biết việc tổ chức chương trình tập huấn là hết sức cần thiết. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp nắm được các thông tin chính xác để đưa các tiêu chuẩn quốc tế vào áp dụng tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc đầu tư ưu tiên về đổi mới hệ thống quản lý, đào tạo lại đội ngũ, tổ chức lại và quản lý chuỗi sản xuất - tiêu thụ của mình để lấy được các Chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, kiểm soát tốt chuỗi sản xuất chính là chìa khóa để bước vào thị trường thế giới rộng mở...

Với sự tham dự của 250 người là các doanh nhân, nhà quản lý đến từ doanh nghiệp và tổ chức, buổi Tập huấn đã diễn ra khá sôi nổi với các câu hỏi xuất phát từ nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp mong muốn tìm hiểu thật chi tiết về các vấn đề liên quan như: để xuất khẩu bưởi tươi sang thị trường EU cần lưu ý các tiêu chuẩn vi sinh nào; quy định về ngưỡng dư lượng được cho phép đối với mặt hàng thủy sản; cách bước đánh giá và xây dựng nhà máy để đạt được BRCGS food safety phiên bản 9; yêu cầu về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rau, cá, gia vị, cháo nhập khẩu vào thị trường Mỹ, Úc, Hàn Quốc; yêu cầu về tiêu chuẩn ATTP của các thị trường châu Âu và châu Á của các sản phẩm chất làm ngọt tự nhiên (mật, đường) đặc biệt là mật và đường khai thác từ cây họ cọ (dừa, thốt nốt, dừa nước,...); yêu cầu đối với sản phẩm hoa hồi và tinh dầu hồi để xuất khẩu sang châu Âu. Các câu hỏi trên đã được ông Lý Hoàng Hải - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng; bà Nguyễn Thị Phượng Vĩ - Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng - Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng và ông Tô Tuấn Huy - Đánh giá viên trưởng - Eurofins Assurance Việt Nam và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) trả lời rất cụ thể chi tiết.

Các doanh nghiệp đánh giá cao công tác tổ chức của ITPC và mong muốn cùng đồng hành với ITPC trong các chương trình diễn ra sắp tới.