Quay lại

Tháng 7 đợi chờ của giới đầu cơ đồng yên Nhật

Các nhà giao dịch tiền tệ sẽ phải trải qua một khoảng thời gian chờ đợi kéo dài cho tới ngày 31/7, để xem Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có nâng lãi suất và cắt giảm chương trình mua trái phiếu hay không. Nếu được triển khai, một động thái kép như vậy của BOJ có thể giúp giải tỏa bớt áp lực mất giá đối với đồng yên Nhật.

Từ cuối tháng 6 đến nay, đồng yên đã có 4 lần lập đáy mới so với USD, gây áp lực đòi các nhà hoạch định chính sách ở Tokyo phải can thiệp vào thị trường để vực dậy đồng nội tệ. Tuần này, tỷ giá đồng yên có vẻ ổn định ở vùng 160,9 yên đổi 1 USD, phục hồi từ mức thấp nhất của 38 năm là 161,96 yên đổi 1 USD vào hôm thứ Tư tuần trước.

Trước khi đi đến cuộc họp của BOJ vào cuối tháng, giới đầu cơ đồng yên sẽ phải vượt qua nhiều số liệu kinh tế và sự kiện có khả năng gây nên những pha biến động bất ngờ mới.

LOẠT DỮ LIỆU KINH TẾ QUAN TRỌNG

Sau hai buổi điều trần vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell, các báo cáo lạm phát gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 6 của Mỹ sẽ được công bố vào ngày thứ Năm và thứ Sáu. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, sẽ được công bố vào ngày 26/7. Nếu các số liệu này cho thấy lạm phát ở Mỹ tiếp tục suy yếu, khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 9 sẽ tăng lên, và áp lực mất giá của yên có thể giảm bớt.

Ngoài ra, còn có nhiều số liệu kinh tế Mỹ quan trọng khác được công bố trong tháng 7 này, gồm doanh thu bán lẻ vào ngày 16/7, doanh số bán nhà và chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) khoảng 1 tuần trước cuộc họp của BOJ.

Không chỉ các số liệu kinh tế Mỹ mà các số liệu kinh tế Nhật Bản cũng ảnh hưởng đến tỷ giá yên, trong đó phải kể tới báo cáo lạm phát dự kiến công bố vào ngày 19/7 và báo cáo CPI của khu vực Tokyo vào ngày 26/7. Lạm phát ở Tokyo được xem là một chỉ báo sớm về xu hướng lạm phát toàn quốc và có thể ảnh hưởng tới quyết định lãi suất mà Thống đốc BOJ Kazuo Ueda dự kiến đưa ra vào ngày 31/7.

Nếu đồng yên lại lao dốc nhanh, Bộ Tài chính Nhật Bản có thể lại can thiệp vào thị trường tiền tệ như đợt can thiệp trị giá 9,8 nghìn tỷ yên (61 tỷ USD) hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5. Từ đầu năm đến nay, đồng yên đã rớt giá khoảng 13% so với USD.

“Việc can thiệp sẽ không tùy thuộc vào từng mức tỷ giá cụ thể, mà phụ thuộc nhiều hơn vào tốc độ mất giá của đồng yên”, ông Takuya Kanda, trưởng nghiên cứu của Gaitame.com Research Institute, nhận định. Ông cho rằng Nhật Bản sẽ không can thiệp chừng nào tỷ giá yên chưa giảm tới gần ngưỡng 165 yên đổi 1 USD.

Tuy nhiên, không có một sự đồng thuận nào trên thị trường. Chiến lược gia trưởng về ngoại hối của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities Co., ông Daisuko Uneo, cho rằng 164,5-169,07 yên/USD là vùng tỷ giá mà sự can thiệp có thể được tiến hành. “Ngưỡng tỷ giá tiếp theo có thể có can thiệp là 170 yên/USD, nhưng tôi không cho rằng nhà chức trách sẽ đợi lâu đến vậy”, ông Ueno nói.

Đối với ông Marito Ueda, trưởng nghiên cứu thị trường của công ty SBI Liquidity Market Co., nếu nhà chức trách muốn ngăn đồng yên giảm giá quá mức 165 yên/USD, “ngưỡng để can thiệp sẽ là từ 162-165 yên/USD”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda, vị quan chức cấp cao nhất phụ trách vấn đề tỷ giá của nước này, đã đưa ra nhiều tín hiệu về điều khiến Chính phủ Nhật xem là mức độ mất giá quá mức hoặc tốc độ mất giá bất thường của đồng yên, nhưng không đưa ra một thước đo cụ thể nào. Trong số những con số mà ông Kanda từng đề cập là mức độ mất giá 4% của yên so với USD trong vòng 2 tuần.

"ẨN SỐ" CUỘC HỌP FED

Trong các cuộc can thiệp tiền tệ mà Nhật Bản đã tiến hành kể từ mùa thu năm 2022 đến nay, tỷ giá đã biến động hơn 2 yên/USD trong vòng 24 giờ đồng hồ trước khi có động thái can thiệp. Đó có thể là mức độ biến động tối thiểu có thể khiến nhà chức trách cân nhắc mua yên tùy theo, ngoài yếu tố mức tỷ giá nhất định.

Khoảng cách về mức tỷ giá giữa các lần can thiệp cũng khá rộng. Cuộc can thiệp vào tháng 9/2022 diễn ra khi tỷ giá yên giảm về gần ngưỡng 146 yên đổi 1 USD. Cuộc can thiệp vào tháng 10 năm đó diễn ra khi yên gần mức 152 yên đổi 1 USD. Đợt can thiệp gần đây nhất vào cuối tháng 4 đầu tháng 5/2024 diễn ra ở vùng 158-159 yên/USD.

Điều này có nghĩa là Bộ Tài chính Nhật Bản có thể sẽ không muốn can thiệp lần nữa nếu tỷ giá yên không giảm thêm ít nhất 6 yên/USD so với ở lần can thiệp gần đây nhất, tức là khi tỷ giá yên chưa giảm về mức ít nhất 164 yên/USD.

Một yếu tố bất định khác đối với các nhà giao dịch tiền tệ là ông Kanda sẽ rời cương vị Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản vào cuối tháng 7. “Ngày nghỉ hưu của ông Kanda trùng với dịp BOJ họp, nên khó có chuyện sẽ xảy ra can thiệp tỷ giá vào cùng ngày”, ông Ueda của SBI nhận định.

Nhật Bản cũng có thể đợi cho tới cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed kết thúc vào ngày 31/7 trước khi có bất kỳ động thái nào. Thông điệp của Chủ tịch Fed Jerome Powell vè lãi suất có thể “vô hiệu hóa” bất kỳ một động thái can thiệp sớm nào của Nhật Bản, hoặc thậm chí loại bỏ sự cần thiết Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường.

Nguồn: TBKTVN