Thị trường IPO Đông Nam Á trượt dốc trong nửa đầu năm

Bất ổn địa chính trị và lãi suất cao kéo thị trường đi xuống

Khu vực Đông Nam Á chỉ chứng kiến 67 đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong nửa đầu năm, giảm 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn huy động được từ các đợt IPO này giảm 53,3% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1,4 tỷ USD.

Deloitte cho biết không có đợt IPO bom tấn nào trong nửa đầu năm nay, chỉ có một đợt IPO lớn với vốn hóa thị trường hơn 1 tỷ USD và huy động được hơn 200 triệu USD. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước chứng kiến có 3 đợt IPO lớn, mỗi đợt huy động được hơn 600 triệu USD.

Kết quả thị trường IPO nửa đầu năm nay đánh dấu một xu hướng bắt đầu từ nửa cuối năm 2022, theo dữ liệu của Deloitte.

Deloitte cho biết xu hướng giảm báo hiệu "tâm lý thị trường IPO đã dịu đi, nơi các nhà đầu tư và ứng cử viên IPO tiếp tục điều chỉnh các yếu tố kinh tế vĩ mô".

Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng về mặt lịch sử, nửa cuối năm "luôn là nửa hoạt động tốt hơn trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2022".

Bà Tay Hwee Ling, trưởng bộ phận kế toán và báo cáo đảm bảo khu vực Đông Nam Á tại Deloitte cho biết: "Mặc dù triển vọng tăng trưởng tích cực và đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng tăng ở Đông Nam Á, nhưng sự bất ổn địa chính trị kéo dài và môi trường lãi suất cao là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến điều kiện thị trường và tâm lý nhà đầu tư ở Đông Nam Á".

Các nhà phân tích của Deloitte cảnh báo lãi suất cao có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2024 khi các chính phủ giải quyết mối lo ngại về lạm phát.

Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư hướng tới "lợi nhuận đã được chứng minh và dòng tiền bền vững" thay vì mô hình kinh doanh tăng trưởng bằng mọi giá mà nhiều công ty đã áp dụng từ năm 2020 đến năm 2022.

Nguồn vốn huy động IPO ở Indonesia sụt giảm

Đặc biệt, Indonesia chứng kiến sự sụt giảm IPO rõ rệt nhất trong số tất cả các nước Đông Nam Á.

"Indonesia, quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng IPO năm 2023 [Đông Nam Á], đã chứng kiến sự suy giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2024, khi các nhà đầu tư và những bên có ý định IPO áp dụng cách tiếp cận chờ xem trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 2/2024 và dự đoán các chính sách kinh tế mới", các nhà phân tích của Deloitte cho biết.

Vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết ở Indonesia đã giảm 92,2% xuống còn 1,22 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024, trong khi số tiền huy động được từ IPO giảm 89,1% xuống còn 248 triệu USD so với một năm trước. Số lượng công ty niêm yết tại Indonesia trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm xuống còn 25, từ mức 44 trong cùng kỳ năm ngoái, tức là giảm 43,2%.

Bà Tay cho rằng: "Trong khi thị trường IPO của Đông Nam Á có vẻ trầm lắng vào năm 2024, thị vẫn có sự lạc quan thận trọng rằng các điều kiện sẽ được cải thiện sau năm 2024".

Theo nhà phân tích của Deloitte, dự đoán lãi suất thấp hơn có thể khuyến khích sự trở lại của các thương vụ niêm yết quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT), trong khi các thương vụ IPO liên quan đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tung ra thị trường trong tương lai gần vì nhiều công ty AI vẫn đang ở giai đoạn khởi động.

"Chúng tôi dự đoán sẽ có một làn sóng IPO AI đáng kể khai thác các thị trường vốn IPO trong những năm tới, mang lại sự đổi mới và cơ hội mới cho thị trường", bà Tay nhận định.

Nguồn: Báo Đầu tư