Thị trường trong nước là "phao cứu sinh" nhưng nhiều doanh nghiệp khó bám vào
Đó là quan điểm của ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam trước giải pháp củng cố thị trường trong nước của nhiều doanh nghiệp nhằm ứng phó với những biến động lớn của nền kinh tế toàn cầu mà tiêu điểm là cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ – Trung.
Chính sách phát triển thị trường trong nước còn yếu
Theo ông Hoài không chỉ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nhiều vào Mỹ mà gần 40% sản phẩm nội thất mà Mỹ nhập khẩu từ các nguồn trên thế giới đều đến từ Việt Nam. Hầu hết các nội thất của bất động sản Mỹ có giá trị từ 200.000-500.000 USD hầu hết đến từ Việt Nam. Hiện chỉ Việt Nam và Trung Quốc cung ứng cho thị trường Mỹ. Vì thế, các doanh nghiệp gỗ trông đợi vào việc đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, đồng thời cũng trông đợi vào sự "nương tay" của chính quyền Mỹ.
“Thị trường trong nước chỉ có quy mô 5 tỷ USD , trong 5 năm nữa chỉ có thể tăng gấp đôi lên 10 tỷ USD và đây vẫn là quy mô nhỏ. Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, có 340 làng nghề gỗ, và có nhiều làng nghề đã thực hiện đấu thầu đưa sản phẩm vào thành phố. Chúng tôi không sao nhãng, bỏ quên thị trường trong nước, mà chỉ vì thị trường này quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, không như khách hàng Mỹ vốn dùng sản phẩm đồng loạt, người Việt chỉ thích sản phẩm "may đo" và không thích mua những thứ có sẵn”, ông Hoài cho biết.
Thị trường nội địa có sức hấp dẫn
Đồng quan điểm, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch danh dự Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, Việt Nam với 100 triệu dân, là một thị trường hấp dẫn không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà còn với doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, những chính sách phát triển thị trường trong nước chưa thật sự được các cấp ngành quan tâm.
Ông Mại đưa ra ví dụ, cách đây 15 năm có chính sách ưu tiên hàng Việt Nam, cách tiếp cận như vậy giờ không thích hợp. Hiện Việt Nam là nước có thu nhập trung bình cao và đang tiến tới thu nhập cao, nếu không giải quyết đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông thì không thể kích cầu.
Cùng với đó các chuyên gia còn chỉ ra những “điểm nghẽn” của thị trường nông sản trong nước, đó là người nông dân gặp khó khăn trong xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối. Hầu hết các kênh phân phối hiện đại như siêu thị do nhiều doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ, gây khó khăn trong việc đưa hàng hoá vào hệ thống này.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình đánh giá: Về tác động chính sách thuế của chính quyền Mỹ, đặc biệt với Trung Quốc, Việt Nam sẽ thiệt hại hơn Trung Quốc. Vì hàng hóa Trung Quốc hơn 35% là tiêu thụ nội địa, 65% là xuất khẩu, giả định ảnh hưởng là 50-50, thì một nửa số lao động của nước này sẽ quay lại làm nông nghiệp. Theo khảo sát, nhiều tỉnh của Trung Quốc đã thiết kế trồng sản phẩm nông sản tương tự Việt Nam nên sắp tới mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ rất khó vì vậy cần hướng tới tiêu thụ tại chỗ. Đây là vấn đề sống còn với người nông dân.
GS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump buộc Việt Nam phải xem lại mô hình phát triển, trong đó cốt lõi là thị trường trong nước. Dữ liệu cho thấy trong cấu trúc GDP, khu vực tư nhân chiếm sản lượng 51% còn khu vực FDI chiếm 20-22%. Tuy nhiên, xuất khẩu của khu vực trong nước chỉ chiếm 25-27%, trong đó khu vực FDI chiếm hơn 70%. Kim ngạch xuất khẩu tương đương GDP của Việt Nam.
Từ đó, doanh nghiệp nội địa chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và tương lai của khu vực doanh nghiệp trong nước là thị trường nội địa. Cần đặt vấn đề khảo sát thị trường nội địa gắn với khu vực tư nhân nội địa, vốn chiếm 84% thị trường lao động. Nếu khu vực này không ổn, động lực tăng trưởng sẽ không được đảm bảo.
Doanh nghiệp trong nước cần liên kết theo chuỗi
Ông Nguyễn Mại cho rằng, cần thực hiện các giải pháp: Đổi mới thể chế, luật pháp liên quan đến thị trường; đổi mới chính sách có liên quan đến thị trường; các doanh nghiệp cũng cần thay đổi chiến lược kinh doanh với tầm nhìn trung và dài hạn dựa trên nghiên cứu thị trường và dự báo biến động thị trường; cần có chiến lược hình ảnh và thương hiệu, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng hình ảnh; nâng cao năng lực quản trị; tăng cường đầu tư R&D và bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Ngoài ra cần khuyến khích doanh nghiệp trong nước liên kết theo chuỗi, tham gia chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu, như vậy sẽ có loạt doanh nghiệp quy mô lớn đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, câu chuyện của Việt Nam lớn hơn việc chỉ là đàm phán với Mỹ. Câu chuyện không chỉ 3-4 năm, mà có thể là 5-10 năm tới. Thị trường nội địa, vài năm gần đây cách làm chính sách của chúng ta phụ thuộc nhiều vào khẩu hiệu mà lại thiếu bằng chứng khoa học. Những nghiên cứu gần đây để có chính sách vừa căn cơ vừa trước mắt thì lại rất yếu.
Về kích cầu tiêu dùng trong nước đã có nhiều diễn giả nói về giải pháp. Tuy nhiên, cần lưu ý Việt Nam quý I/2025 có 6 triệu khách hàng, nhưng cũng có 1,5 - 2 triệu người Việt Nam ra nước ngoài và tiêu dùng tại đó. Nhưng hiện chúng chưa có nghiên cứu nào về đối tượng khách hàng này. Chưa kể, vấn đề visa du lịch và sản phẩm du lịch chưa đủ. Vì thế, cần có các biện pháp để thu hút tiêu thụ nội địa và hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế cho doanh nghiệp theo kết quả kinh doanh.
Đặc biệt, cần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát duy trì tương đối. Nếu lạm phát tăng nhanh hơn thu nhập thì tiêu dùng khó tăng. Niềm tin người tiêu dùng sẽ thấp do họ cần lo cho tương lai. Việt Nam đang thảo khung pháp lý về kiểm soát thương mại chiến lược dưới dạng Nghị định. Đây có thể là nghị định đầu tiên ở các nước ASEAN bàn tới kiểm soát thương mại chiến lược và chuỗi cung ứng, những mặt hàng quan trọng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Minh, Phó chủ tịch Công ty CP Tasco cho rằng, việc giải quyết bài toán lớn từ tiêu thụ, thị trường thì nằm ở chính sách vĩ mô là chính, doanh nghiệp không tự làm được. Trước đây, chúng ta có những việc đã bàn 10 năm không làm được song giờ lại làm được. Như vậy, đây là cơ hội giải quyết các vấn đề từng bàn đi bàn lại mà không làm được.
"Cần quy hoạch ngành nghề nào giao cho tư nhân. Sau đó, cần quy hoạch chỉ định doanh nghiệp cho từng ngành nghề, cần tạo ra doanh nghiệp hàng đầu và cần quyết liệt. Cần Phải ặt mục tiêu khi xây dựng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, ví dụ như sau 10 năm phải trở thành những đơn vị lớn. Việc này giúp cho chúng ta tạo ra các doanh nghiệp hàng đầu, như thế nền kinh tế sản xuất trong nước mới phát triển được", ông Nguyễn Thế Minh gợi ý.
Nguồn: VOV